Xây dựng dàn bài thuyết trình 1 cách hiệu quả Kỹ năng giao tiếp - thuyết trình - đứng trước đám đông
Một phần rất quan trọng để làm nên một buổi thuyết trình thành công, đó chính là nội dung. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn còn khá mập mờ trong cách xây dựng nội dung bài thuyết trình. Sau đây là 5 bước cơ bản giúp bạn trong việc xây dựng một bài thuyết trình hiệu quả.
1. Lên kế hoạch thực hiện bài thuyết trình
Quản lý thời gian tốt luôn là cách làm việc hiệu quả. Do đó, khi nhận được đề tài thuyết trình, bạn nên lập một bảng kế hoạch cho riêng mình. Trong bảng kế hoạch, bạn cần ghi rõ thời gian, nội dung công việc và mục tiêu cụ thể. Việc lập kế hoạch như vậy sẽ giúp bạn nắm rõ được mình cần làm những gì như: lập dàn bài, viết nội dung, thiết kế PowerPoint hay tập thuyết trình,… Ngoài ra còn giúp bạn thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo rằng bạn sẽ chuẩn bị đầy đủ các bước để có một bài thuyết trình hiệu quả.
2. Phân tích đề tài thuyết trình
Đầu tiên bạn cần xác định rõ chủ đề mà mình thuyết trình. Sau đó, tiếp tục xác định thông điệp mà bạn muốn truyền tải đến người nghe là gì? Bạn cần tìm hiểu đề tài mình thuyết trình đã có ai thực hiện trước đó chưa? Nếu có, bạn có thể tham khảo để rút ra những ưu và nhược điểm cho bản thân, đồng thời tránh những sự trùng lặp không đáng có. Nên nhớ, một bài thuyết trình hay và sáng tạo luôn được đánh giá cao.
Ngoài việc phân tích đề tài, một điều quan trọng bạn cần lưu ý để có một bài thuyết trình hay đó là khán giả – những người sẽ lắng nghe bạn nói. Bạn cần hiểu rõ những khán gải của mình, họ là ai? Họ mong muốn điều gì khi lắng nghe bạn nói và họ có những đặc điểm gì? Ví dụ, khi bạn trình bày trước lớp, với những sinh viên trẻ tuổi, năng động, bạn có thể thỏa sức sáng tạo những nội dung mới lạ, cách dẫn nhập và nói chuyện dí dỏm, thêm vào đó có thể là những trò chơi nho nhỏ để hâm nóng không khí. Tuy nhiên, khi bạn trình bày trước một hội đồng khoa học, tác phong chuyên nghiệp và chất lượng nội dung bài thuyết trình luôn là ưu tiên hàng đầu.
3. Xây dựng đề cương thuyết trình
Về cơ bản, một bài thuyết trình thường gồm có ba phần: mở đầu, nội dung và kết thúc. Trong phần nội dung sẽ có nhiều mục được chia nhỏ khác từ đề tài của bạn. Khi lập đề cương, bạn cần ghi rõ những mục tổng thể trước, sau đó hãy đi vào chi tiết từng mục nhỏ. Một điều lưu ý khi lập đề cương cho một bài thuyết trình, đó là bạn phải căn cứ dựa trên thời lượng được cho phép. Vì nếu nội dung quá dài, bạn sẽ không đủ thời gian để trình bày đầy đủ đề tài của mình trước khán giả.
4. Thu thập thông tin để thuyết trình
Để có những nội dung chất lượng cho phần trình bày của mình, bạn cần phải có nguồn tài liệu và thông tin hữu ích. Bạn có thể thu thập thông tin từ các nguồn như: sách ở thư viện, các đề tài nghiên cứu khoa học, những thông tin đáng tin cậy trên các báo, trang thông tin internet, số liệu của tổng cục thống kê,… Bạn nên ghi chú lại nguồn thông tin cẩn thận để khi trình bày trước những người nghe, bạn có thể giải trình chính xác khi họ thắc mắc về những nội dung này.
5. Làm PowerPoint thuyết trình
Một phần trình bày trên PowerPoint sinh động sẽ thu hút người nghe và góp phần làm cho bài thuyết trình của bạn hiệu quả hơn. Do đó, bạn cần thiết kế PowerPoint thật ấn tượng. Để làm được điều đó, bạn cần lưu ý nội dung PowerPoint bám sát những gì bạn nói, không quá dài và nhiều chữ sẽ dễ gây nhàm chán cho người nghe. Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng hình ảnh để minh họa cho những gì mình trình bày.
Thuyết trình ấn tượng và cuốn hút người nghe là cả một nghệ thuật. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải không ngừng trau dồi kinh nghiêm và học hỏi. Mong rằng bài viết trên sẽ giúp bạn xây dựng một bài thuyết trình hay và hiệu quả. Chúc bạn thành công.