Viết Tiêu Đề: Chuyện Khó Hoá Dễ ! Kiến thức chung Digital Marketing - PR
Tiêu đề luôn được nhiều người coi là yếu tố quan trọng nhất trong mọi dạng bài viết – công cụ không thể thiếu của content marketing. Chỉ với một vài từ ngắn gọn, bạn phải tóm tắt được chủ đề, thu hút đối tượng mục tiêu và làm bài viết của bạn nổi bật giữa “một rừng” các bài viết khác.
Bài viết sau đây sẽ phân tích tâm lý đằng sau 8 kỹ thuật viết tiêu đề thường được sử dụng nhất và giúp bạn tìm kiếm “công thức” tiêu đề phù hợp và hiệu quả với từng bài viết của mình.
1. Gây bất ngờ:
Não của chúng ta trở nên đặc biệt hưng phấn khi bị kích thích bởi những cảm giác tốt đẹp không lường trước. Bằng cách sử dụng các ý và từ ngữ độc đáo, khác thường, hoặc thay đổi một thứ gì đó thân thuộc với đối tượng mục tiêu, bạn có thể ngay lập tức thu hút được sự chú ý của họ – và sau đó có thể giữ sự chú ý đó bằng một bài viết thú vị.
Các cách cụ thể để gây bất ngờ có thể bao gồm: sử dụng từ lóng/từ tục (với mức độ và hoàn cảnh phù hợp), “biến thể” của một câu tục ngữ/ca dao…
Một ví dụ tuyệt vời cho kỹ thuật này là các tiêu đề email trong chiến dịch tranh cử tổng thống của tổng thống Mỹ đương thời Barack Obama. Nếu đăng ký ủng hộ chiến dịch, bạn sẽ được nhận một email cảm ơn với các tiêu đề rất thoải mái, gần gũi như: “Xin chào”, “Ồ” hay “Đi ăn với tôi nhé?”. Các tiêu đề này gây bất ngờ do nó khác biệt hoàn toàn với hình ảnh đạo mạo, nghiêm trang thường thấy của các cử tri cho chức tổng thống.
2. Sử dụng câu hỏi:
Các câu hỏi có tác động mạnh tới não bộ do chúng thể hiện một sự thách thức. Chỉ cần nhìn thấy dấu hỏi chấm là não chúng ta đã bắt đầu bị kích thích. Các tiêu đề câu hỏi hiệu quả nhất thường hỏi về những điều mà khách hàng hoàn toàn có thể đồng cảm với, hoặc muốn biết câu trả lời. Dưới đây là một ví dụ:
Hãy để ý việc não của bạn ngay lập tức hoạt động để tìm ra câu trả lời và mong rằng người khác cũng có câu trả lời giống bạn.
3.Tận dụng trí tò mò:
Trang web siêu sao về triển khai các chiến dịch viral mang tên Upworthy đã mang về hàng triệu lượt click bằng việc tận dụng trí tò mò.
“Lỗ hổng tò mò” được định nghĩa là khoảng cách giữa những gì chúng ta biết và những gì chúng ta muốn biết. Một khi chúng ta cảm nhận được “lỗ hổng” đó, chúng ta sẽ có một cảm giác “thèm muốn” được lấp đầy lỗ hổng. Điều này thôi thúc chúng ta đọc tiếp để tìm câu trả lời.
Tất nhiên, để khơi dậy trí tò mò, bạn cần để đối tượng biết một chút thông tin trước. Họ không thể tò mò về một thứ gì đó khi mà họ không biết chút gì về thứ đó.
Để dùng kỹ thuật này trong khi viết tiêu đề, hãy “nhử mồi” trước bằng việc đưa ra một mẩu thông tin thú vị nhưng không đầy đủ. Hãy để đối tượng mục tiêu biết đủ nhiều để thấy tò mò, và đủ ít để không bị nhàm chán bởi chủ đề của bạn. Hãy xem ví dụ dưới đây về một tiêu đề rất nổi tiếng của John Caples (“Họ cười khi thấy tôi ngồi vào chiếc đàn piano, nhưng một khi tôi bắt đầu chơi!”).
4. Dùng các hình ảnh tiêu cực:
Các từ so sánh nhất như “tuyệt nhất”, “tốt nhất”, “uy tín nhất”…từng rất hiệu quả trong các tiêu đề. Nhưng thật ra, các từ so sánh nhất với tính tiêu cực như “tồi tệ nhất”, “kinh khủng nhất”…lại hiệu quả hơn rất nhiều.
Công cụ marketing Outbrain đã tổ chức một cuộc nghiên cứu trên 65,000 mẫu tiêu đề để so sánh giữa các tiêu đề không chứa so sánh nhất, chứa so sánh nhất tiêu cực và chứa so sánh nhất tích cực. Kết quả là các tiêu đề có so sánh nhất tiêu cực có CTR cao hơn tới 63% so với các tiêu đề có so sánh nhất tích cực.
Một số lý do cho hiện tượng này bao gồm: các từ so sánh nhất tích cực đã trở nên quá quen thuộc và nhàm chán (đến nỗi khách hàng không còn tin tưởng chúng), so sánh nhất tiêu cực gây bất ngờ và độc đáo hơn, và các so sánh nhất tiêu cực mang ý nghĩa cảnh báo cho các đối tượng mục tiêu – vì vậy mang lại lợi ích cho họ.
5. Tiêu đề dạng “Làm thế nào”:
Các tiêu đề dạng “Làm thế nào…?”, “Các cách…”, “Mẹo…”, “Bí kíp…” nhấn mạnh vào lợi ích về mặt thông tin và vẫn luôn được sử dụng phổ biến. Chúng hứa hẹn sẽ mang đến cho đối tượng mục tiêu quyền lực, khả năng kiểm soát và khả năng xử lý tốt hơn các tình huống trong cuộc sống của họ.
Tuy nhiên, do các từ “cẩm nang”, “cách”…đã được sử dụng rất nhiều, bạn cũng nên thay đổi một chút để giúp tiêu đề nổi bật hơn. Ví dụ như thay vì viết rằng “Làm thế nào để sắp xếp một ngày của bạn?”, hãy viết rằng: “Hướng dẫn cách sắp xếp một ngày trong vòng 5 phút”.
6. Dùng số:
Các con số rất hiệu quả trong tiêu đề do con người thích sự rõ ràng và ghét sự mơ hồ.
Một thí nghiệm tâm lý đã cho thấy rằng: chúng ta cảm nhận về thời gian chờ đợi khác hẳn khi biết và không biết sẽ phải chờ đợi trong bao lâu. Một bệnh nhân có thể bắt đầu hơi khó chịu khi biết rằng bác sĩ sẽ đến muộn 30 phút, nhưng sau đó anh ta sẽ dần thoải mái với khoảng thời gian đó. Ngược lại, nếu chỉ được cho biết là “bác sĩ sẽ đến sớm thôi”, anh ta sẽ dành cả khoảng thời gian đó để lo ngại, tính toán, hồi hộp…
Quy luật tương tự được áp dụng cho việc dùng các con số. Việc có các con số cho bạn biết rõ ràng bạn sẽ phải đọc cái gì, bao nhiêu ý, mất bao nhiêu thời gian…
7. Chỉ tên đối tượng mục tiêu:
Cụ thể, bạn có thể sử dụng từ “bạn” hoặc gọi tên đối tượng ngay trong tiêu đề của mình (“Dành cho những ai…”, “Nếu bạn là…”,…)
Kỹ thuật này khiến cho đối tượng của bạn cảm thấy họ được biết đến và thấu hiểu. Khi đọc một tiêu đề như vậy, não bộ bạn sẽ thốt lên: “Là mình đó!”
8. Thật rõ ràng:
Những tiêu đề cho thấy rõ ràng đối tượng nên đọc, thông tin được bao gồm, hoặc chi tiết cụ thể luôn mang lại lượng click lớn hơn. Mọi tiêu đề chứa chi tiết cụ thể đều có hiệu quả tốt: số liệu, tên, ví dụ…
Dưới đây là một số liệu theo nghiên cứu của hãng Conductor, cho thấy rằng các kiểu tiêu đề càng rõ ràng, càng có nhiều người yêu thích chúng.
Lời kết
Việc tìm ra được một tiêu đề đặc biệt sáng tạo hoặc độc đáo hiện nay là vô cùng khó. Tuy nhiên, chúng ta luôn có thể dựa trên các quy luật về tâm lý để tạo ra các tiêu đề hiệu quả, thu hút.
Hãy liên tục thử nghiệm với các kỹ thuật viết tiêu đề thông dụng trên để tìm ra “công thức” tiêu đề phù hợp nhất với thương hiệu của bạn nhé!
Nguồn: MixDigital
Xem thêm:
Những cách tìm ý tưởng viết bài
12 thủ thuật blog hiệu quả mà các bloger cần biết
4 lợi ích của blog trong marketing online
9 cách tăng lượt truy cập cho blog
5 bước để tạo thành công trên mạng xã hội
10 quy luật bất biến trong social media marketing
Viết bình luận