Vị trí - không gian - cơ sở vật chất cho một studio chất lượng Chụp studio

Chắc hẳn ai trong số những người yêu nhiếp ảnh chúng ta cũng đã một lần mơ ước được sở hữu một bộ gear thật tốt, có một phòng chụp của riêng mình để thoả mãn niềm đam mê. Nhiều người đã biến ước mơ của ho thành hiện thực, còn lại thì sao? Cần chú ý những gì để có một studio PHÙ HỢP và đáp ứng tốt nhu cầu mà lại đáng tiền? Hãy cùng tìm hiểu và trao đổi qua bài viết này!

 

 
 
 

Mỗi người sẽ có một nhu cầu riêng, anh A thích chụp ảnh fashion, trong khi anh B thì lại cần chụp ảnh sản phẩm, macro nhẫn vòng lắc tay bông tai, còn tôi thì lại thích chụp.. hết, từ quần áo trang sức cho tới.. ô tô. Và ứng với mỗi nhu cầu đó lại có giải pháp khác nhau. Nhưng dù là nhu cầu nào, giải pháp nào thì việc xây dựng studio cũng sẽ cần những điểm cơ bản, mà ở bài này, ta sẽ bàn về:


Đặt studio chỗ nào?

Tôi tin là bạn không muốn đặt studio của mình ở trên đỉnh núi hay nơi khỉ ho cò gáy nào đó, vì làm gì có khách. Vui chút thôi, vị trí studio sẽ liên quan đến đặc điểm đối tượng khách hàng mà bạn nhắm tới.

- Nếu studio nhắm vào khách hàng phổ thông, đối tượng vãng lai, thì nhà mặt phố là nhất, càng to càng ấn tượng càng tốt. Ở Hà Nội có nhiều ví dụ điển hình như studio của anh Jundat (lần nào qua Lê Trực tôi cũng ngoái nhìn vào), hay rất nhiều chuỗi studio, ảnh viện áo cưới ở mặt tiền các con phố trung tâm. Còn nếu bạn có khả năng quảng cáo mạnh qua các kênh online thì chúc mừng, bạn đã tiết kiệm được ối tiền rồi.

- Nếu khách đến từ những nguồn khác, thì vị trí đắc địa không quan trọng lắm, nhưng cũng cần gần khu trung tâm để giảm thiểu bất tiện di chuyển. Studio có thể nằm trên một toà cao ốc, hay ở một căn nhà kho đất dự án rộng rãi, miễn là tiện di chuyển, khách hàng của bạn thích không gian như thế, và có chỉ dẫn tìm đến dễ dàng.


Cần bao nhiêu phòng?

DĨ nhiên là được nếu nhu cầu chỉ là một studio-tại-gia nhỏ. Nhưng với nhu cầu của tôi, cần chụp rất nhiều thể loại, nhiều đồ đạc và cần tiếp khách thường xuyên, tôi sẽ cần một không gian lớn hơn.

Phòng tiếp khách + không gian làm việc

Nếu là studio tại gia, thì nó chính là phòng khách của nhà bạn. Còn với studio mang tính thương mại cao, thì hãy đầu tư một chút vào không gian sẽ là nơi tạo ấn tượng khách hàng và chốt các hợp đồng. Nếu có khả năng, nên đầu tư một bộ salon, một dãy bàn làm việc cho team, kệ để đồ như sách nhiếp ảnh, ảnh sản phẩm hay khoe thiết bị chụp để tỏ ra nguy hiểm (nguy hiểm thật mà). Sang hơn nữa (và nếu cần thiết) có thể thêm hẳn một vài em lễ tân xinh tươi chào khách và lo các công việc hành chính. Dù nhỏ hay to, thì không gian này cũng nên gọn gàng ngăn nắp, tạo sự thoải mái và khoe ra được cái gu cũng như khả năng của người chủ studio.


Ví dụ: demo 3D phòng khách 


 

Phòng chụp

Dĩ nhiên phải có, và nó cần tách biệt với các không gian bên ngoài để giúp công việc được tập trung, kín đáo hay để điều khiển ánh sáng thật hiệu quả, nhất là khi chụp các sản phẩm nhạy cảm một chút hay cần một không gian tối. Chú ý là nếu bạn muốn chụp ô tô, thì cửa phòng phải đủ to để cái ô tô chui vừa vào.

Với các nhu cầu cơ bản, một phòng chụp đủ rộng là đủ để chụp nhiều loại đối tượng, còn nếu bạn có mặt bằng rộng và tiền đầu tư lớn, thích sự hoành tráng, thì làm vài phòng riêng mỗi phòng cho một chủ đề cũng không sao. Vậy bao nhiêu là “đủ rộng?”, với tôi thì:
- Chiều ngang = rộng phông + ít nhất 1.5m mỗi bên để di chuyển đèn đóm cho thoải mái, khoảng 8m là đẹp, còn có lối đi và thêm vài chỗ để thiết bị, bàn ghế, thang gấp
- Chiều dọc = khoảng cách tối thiểu để chụp toàn thân vài cô mẫu bằng tiêu cự tele cho đỡ bị méo hình, lý tưởng thì cứ mơ ước là 9m đi
- Chiều cao tối thiểu 3.5-4m, để dễ dàng setup đèn ở vị trí cao

Một căn phòng với không gian chụp 3*4m vẫn đáp ứng tốt một số nhu cầu chụp như sản phẩm kích thước nhỏ, hay chụp cả thời trang nếu khéo, nhưng sẽ hạn chế về nhiều mặt.

Các phòng khác

- Kho: đồ ảnh có thể rất lỉnh kỉnh và bạn không muốn show cho khách thấy cái studio của mình nó bừa bộn thế nào. Thế thì đơn giản là nhét chúng vào chỗ khác, nhưng nhét cũng phải ngăn nắp một tí. Nếu không có kho, có thể bố trí các kệ/giá để đồ dọc theo phòng hoặc treo phía trên trần nhà nếu trần đủ cao. Nếu bạn chụp ảnh sản phẩm thì cần tính luôn sẽ đặt sản phẩm mà khách hàng mang tới ở đâu thì tiện và an toàn nhất.

- Phòng thay đồ/wc: nếu như chụp ảnh thời trang thì nên có thêm không gian này, 99% mẫu nữ sẽ không muốn thay đồ trước mặt photographer mặc dù có không ít % photographer muốn thế(!) Một hộp thay đồ di động (đồ TQ) là giải pháp phù hợp với không gian hẹp và ai cần tính di động nhiều.


Ví dụ: dressing room hoành tráng 


 

Một vài lưu ý nữa

Ổ CẮM! Thật nhiều ổ cắm!
Không chỉ có thế mà cần cả LiOA nữa. Nguồn điện công suất đủ lớn cho hệ thống đèn, ổ cắm ở vị trí tiện lợi và độ ổn định cao sẽ giúp bạn tránh được những tình huống dở khóc dở cười khi thiếu 10cm dây nối, hay bực mình đi thay bóng flash bị cháy.

Sơn màu gì giờ?
Màu sơn sẽ ảnh hưởng đến ánh sáng. Trừ phi bạn muốn ảnh của bạn có ám màu tím mộng mơ, còn không thì chỉ nên dùng sơn trắng, ghi hay đen - là các “màu” trung tính và không ảnh hưởng đến màu sắc ánh sáng khi lên ảnh - cho phòng chụp. Còn các phòng khác, thì hãy thể hiện khả năng về hình ảnh của mình qua sơn/trang trí tường đi!

Làm sao đến được studio?
Đương nhiên là bạn sẽ mất đi thu nhập nếu khách hàng không tìm được đến studio, rất phí! Vì thế có chỉ dẫn rõ ràng là rất quan trọng, nhất là với các studio không có lợi thế mặt đường. Lối vào studio cũng cần rộng rãi, cửa hay thang máy dễ dàng vân chuyển đồ đạc nếu cần.

Điều hoà, thoáng khí
Bạn sẽ chẳng thể nào làm việc tốt trong cái nóng 39 độ của mùa hè, chưa kể thiết bị studio có thể phát ra khá nhiều nhiệt. Điều hoà nhiệt độ và hệ thống thông khí tốt là không thể thiếu. Nếu phòng chụp có cửa sổ có thể mở khi cần cũng là rất tốt, không chỉ để lúc nào chụp chán thì ra hít khí giời một tí, mà còn để tận dụng luôn gió và ánh sáng tự nhiên.


Không gian mở và thoáng, cùng sơn tường trắng 


 

Đầu tư một chút cho giải trí
Chụp ảnh là công việc sáng tạo, mà để sáng tạo tốt thì những người làm việc đó cần có cái để nghịch, để relax. Nếu có điều kiện tài chính và tư duy hiện đại một chút, thì đầu tư thêm vài trò chơi nho nhỏ như dart (ném phi tiêu), hay một bàn bi lắc, bóng bàn, một bộ loa ngon… hiệu quả công việc có thể tốt hơn bất ngờ đó.
 

 Tác giả: Kiên Vũ Trung

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755