Nhạc trẻ Việt Nam: Thời của beatbox? Khóa học Beatbox
Hàng loạt Video Beatbox (chơi nhạc bằng miệng), thể hiện lại các ca khúc như Haru Haru (Big Bang), So hot (Wondergirls)... trên YouTube thu hút số lượng người xem lên đến hàng triệu. Beatbox hiện nay đang được các ca sĩ Việt Nam ưa chuộng và giới trẻ đang học beatbox theo cá tính tiên phong.
Minh Kiên, những cá tính tiên phong.
Năm 2006, lần đầu tiên Minh Kiên xuất hiện trên sân khấu ĐH Y Hà Nội trong đêm trao học bổng Sao Tháng Giêng đã khiến hầu hết học sinh, sinh viên có mặt trong khán phòng thấy thú vị. Đấy cũng là lần đầu tiên tác giả thấy một beatboxer đúng nghĩa, dĩ nhiên, beatbox không mới nhưng ở Việt Nam, Minh Kiên đúng là tiên phong.
Tuy nhiên, beatbox lúc đó cũng chỉ được xem như một món lạ vì chưa nở rộ, người ta có thể ví màn biểu diễn của Kiên như một tiết mục ảo thuật trong chương trình xiếc tạp kĩ cũng chẳng oan. Có thể chơi lúc đó và vui vui lúc đó, nhưng hết chương trình thì cũng chả còn ai nhớ đế hiểu beatbox là gì dù Kiên lúc bấy giờ cũng được báo chí lăng xê không kém, thu hẳn các đoạn beatbox dài 2, 3 phút để đưa vào các đĩa hát tặng kèm.
Sau lần đó, tác giả được tái ngộ Minh Kiên với vai trò khách mời trong một cuộc thi nhảy của tuổi teen, bất ngờ hơn khi Kiên chơi một đoạn beatbox theo thể loại Trance/ House music, trong số những người ngạc nhiên về tài "hộp nhạc" của Kiên còn là Tuấn Big Toes, nhiều ca sĩ... đang ngồi ở ghế BGK, từ đó Kiên bắt đầu nổi lên với cá tính tiên phong trong giới trẻ.
Ngồi trò chuyện với Minh Kiên, hẳn nhiều người ngạc nhiên cái phong thái "ngứa tay, ngứa chân" của anh, có thể đi vào đi ra như đang lướt chân nhảy nhót, chả có chuyện gì để nói thì sẵn sàng "bùm bụp, xì xồ" vài giai điệu cho đỡ buồn. Thế mới biết, beatbox đã ăn vào máu rồi thì tác động không nhỏ đến phong thái của người chơi, xem cuộc sống như một sân khấu mini.
Minh Kiên cho biết, anh đến với beatbox bằng những clip download được trên mạng của các nghệ sĩ nước ngoài. Ngồi trong lớp học hay đi ngoài đường, anh đều luôn mồm mô phỏng giai điệu một số ca khúc như Cruel summer (Ace of Base)... và nhiều nhất là những ca khúc của Michael Jackson, có lẽ vì thế nên Kiên còn được gọi là Kiên Michael.
Ước mơ của Minh Kiên là sản xuất 1 Album cho riêng mình, tự chơi nhạc, nhảy và... hát luôn trên nền nhạc đó. Ở một khía cạnh nào đó, người ta có thể xem Kiên như một band nhạc Acapella, nếu band nhạc Acapella người ta cần 3 bè cơ bản và ít nhất cũng phải 3 người thì Kiên chỉ cần duy nhất... 1 mình để thực hiện.
Trái ngược với Minh Kiên, Khánh Duy đến từ trường Đại học Hà Nội lại cực mê HipHop, những nhịp trống Bass của các nghệ sĩ da đen như đập vào tai khiến anh cứ luôn mồm bắt chước theo. Dù chơi nhạc, kể chuyện hay đệm vài câu tiếng Anh thì Duy cũng cho vài tiếng bùm bụp vào và theo lí giải thì cho đỡ nhàm chán. Vì cái tài lẻ đó mà những chương trình ca nhạc ở trường không bao giờ thiếu Duy, "của lạ" nên lần nào biểu diễn, Khanh Duy cũng được khán giả sinh viên vỗ tay không ngớt.
Theo Khánh Duy thì hiện nay học beatbox chưa nhiều nhưng nếu muốn theo học thì chỉ có một CLB nhỏ trên đường Láng, học beatbox đều phải qua những bước nhập môn cơ bản, ban đầu có thể nhại tiếng trống hay còn gọi là kick drum, kĩ thuật có thể mở vòm miệng và đẩy một lượng khí trong cơ thể ra để tạo âm thanh. Sau đó thì có thể lên cao, khó dần như những loại âm thanh của DJ chơi trong vũ trường, các thể loại như Trance, Techno...
Lạ là cả Kiên hay Duy ban đầu đến với beatbox, đều được thiên hạ cho rằng, có sở thích hâm hâm. "Thôi thì vì đam mê, chấp nhận hâm một tý cũng chẳng sao", Khánh Duy thổ lộ.
Gia vị mới của âm nhạc.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Minh Sơn, người cố vấn biên tập Album Hot của ca sĩ Hoàng Hải cho biết: "Ca khúc Mắt cười của tôi thực ra quá cũ rồi, trong một lần ngồi gõ nhịp nhằm phối lại ca khúc theo thể loại R&B, tôi đã nghĩ ngay đến beatbox và tôi nghĩ đến Minh Kiên. Đây là một cách làm mới ca khúc rất hiệu quả mà nhiều ca sĩ trên thế giới đã thực hiện cho nên tôi đưa beatbox vào ca khúc nhằm tăng tính mới lạ. Quả thực, có beatbox, ca khúc Mắt cười được ca sĩ Hoàng Hải hát nghe trẻ trung hơn, sáng tạo hơn và có nhiều hơi thở thời đại hơn".
Trong Album Chuyển động của Lưu Hương Giang, nhiều người yêu nhạc bắt gặp một ca khúc tưởng cũ nhưng không cũ, đó chính là Em sẽ là giấc mơ (Lưu Thiên Hương). Hẳn ca khúc này đã tung hoành trên sân khấu Bài hát Việt và đoạt giải, thế nhưng khi Lưu Hương Giang cho vào đoạn beatbox để tạo tính khác biệt thì ca khúc này vẫn được đón nhận theo cách rất riêng.
Có thể nói beatbox hiện nay đang làm "gia vị" cho âm nhạc, hầu hết các ca khúc có beatbox đều gây dấu ấn rất riêng và thu hút giới trẻ. Chỉ riêng đoạn beatbox ngắn trong ca khúc Khoảng trời của bé (Nguyễn Duy Hùng) trên sân khấu Bài hát Việt đã giúp Thùy Chi hay nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng chuyển tải ca khúc một cách trọn vẹn nhất. Thùy Chi cho biết thêm: "Tôi thấy đấy là sự kết hợp hoàn hào, và ca khúc này không thể hợp hơn với vài trò beatbox của Minh Kiên". Hay Nguyễn Đức Cường, chỉ thêm một đoạn ngắn trong Hát mừng đêm Giáng sinh cũng khiến cư dân mạng tìm nghe ca khúc này nhiều hơn.
Hiệu ứng nhanh nhất phải kể đến Duy Khoa trong Sao mai điểm hẹn 2008, khi nghe Duy Khoa chơi beatbox trên sân khấu trong ca khúc Tình yêu là thế (Nguyễn Đức Cường) và đệm luôn số báo danh của mình bằng mấy tiếng bùm, chát. Duy Khoa lên hẳn ngôi đầu về số phiếu bình chọn cũng không phải là lạ, ngay sau đêm diễn, phần trình diễn của Duy Khoa cũng được nhiều người bàn tán nhất.
Có thể nhiều người xem beatbox như một món lạ, hết lạ thì thành ngấy. Tuy nhiên, beatbox có hẳn một lịch sự ra đời và là yếu tố không thể thiếu trong âm nhạc, cụ thể là HipHop. Nhiều bạn trẻ và ca sĩ Việt Nam đang đến với loại hình này chắc hẳn không đơn thuần để chơi cho biết, vì đây là nghệ thuật cần sự kiên trì và đam mê thực thụ.
Beatbox có tiền thân là Vocal Percussion, được sử dụng trong các nhóm A-capella, Blue, Jazz và sau này thì nó phổ biến trong văn hoá HipHop với cái tên beatbox như hiện nay. Nó được coi là The 5th Element (yếu tố thứ 5) của hiphop nhưng nó bị quên lãng một thời gian khá dài. Sau này, những cái tên đã trở thanh huyền thoại như Buffy, Biz Markie, Dough E. Fresh... thì beatbox mới cựa quậy hồi sinh.
Tổng hợp
Viết bình luận