Bố cục, màu sắc, chi tiết, quang sai... có quá nhiều lý thuyết mà không ít người thường cố nhét vào đầu với hy vọng có thể cho ra bức ảnh tốt. Việc này sẽ hữu ích với những người làm nghề liên quan hay đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Tuy nhiên, với những người chụp ảnh chỉ cho vui, có nhất thiết phải nhồi nhét vào đầu mớ bòng bong rắc rối kia hay chỉ cần cầm máy lên và chụp những cảnh vật chúng ta thích như tinh thần của Lomography.
Nếu quan tâm đến nhiếp ảnh, đặc biệt là nhóm chơi máy ảnh phim, hẳn người chơi từng nghe đến cụm từ Lomography (tiếng Nga thường gọi là JОМО). Tuy nhiên, ngay cả những người chưa biết đến cụm từ này cũng có thể nhanh chóng nắm bắt được tinh thần của Lomography qua định nghĩa đơn giản: “Lomography là trường phái nhiếp ảnh đặc trưng với phong cách màu sắc, chủ thể và bố cục được tăng độ bão hòa hay làm mờ một cách ngẫu nhiên... và phá vỡ tất cả quy định của nhiếp ảnh truyền thống để tạo ra những bức ảnh lạ, khác thường, thậm chí quái đản, nhưng rất bắt mắt và đầy cảm hứng”.
Lomography tồn tại hơn 20 năm. Đó là quãng thời gian không dài, nhưng đủ chứng tỏ nó không chỉ đơn giản là trào lưu nhất thời. Quay ngược thời gian trở về năm 1991, sự ra đời của Lomography cũng thật tình cờ từ chuyến đi nghỉ mát ở Praha (CH Séc) của hai chàng sinh viên người Áo thuộc Học viện Nghệ thuật Viên có tên Mattias Figl và Volfgang Stransinger.
Đã là sinh viên thì ở nước nào cũng nghèo, nên hai sinh viên này đã tìm mua máy ảnh compact phim cũ của Liên Xô có tên ЛОМО-компакт sản xuất vào thập kỷ 80 (thế kỷ XX) với giá cực bùn. Cũng chỉ với mục đích ghi lại kỷ niệm, nên họ cứ lắp phim vào rồi chụp một cách ngẫu hứng. Sau khi rửa đống phim chụp được thành ảnh, hai sinh này cùng các bạn bè của họ đã có ấn tượng mạnh mẽ về chiếc máy ảnh bèo nói trên đến mức quyết định tổ chức triển lãm những tấm ảnh này bằng cách xin trợ cấp của thành phố. Triển lãm diễn ra năm 1993 cũng đánh dầu sự ra đời của Hội Lomo quốc tế (Lomographic Society), thu hút đông đảo người dân ở châu Âu tham gia rồi nhanh chóng lan ra toàn thế giới.
Khởi đầu, dân chơi Lomography thường tìm đến máy ảnh ЛОМО-компакт mà bây giờ đã được hội tái sản xuất với tên gọi LC-A (Lomo Kompakt Automat) như chiếc máy tiêu chuẩn mà mọi người nên có. Thuở ban đầu, nó chỉ là mẫu máy ảnh đơn giản do tổ hợp công nghiệp quang học Leningrad LOMO làm nhái theo các mẫu máy thành công của Nhật Bản. Nhưng do công nghệ yếu kém, nên ống kính vẫn còn nhiều khuyết điểm về quang học, thường tăng độ bão hòa các tông màu đỏ, xanh, vàng lên rực rỡ. Nhưng chính sự dị thường này lại trở thành điểm cuốn hút người dùng do thỏa mãn tất cả tiêu chí khi chơi Lomo: đơn giản, gọn nhẹ, dễ dùng.
Lomography chẳng phải thứ cao sang gì. Hầu hết thành phần trên máy Lomo mới đều làm từ nhựa, thậm chí cả thấu kính. Vì thế, giá bán cũng thuộc hạng bèo, thường chỉ khoảng 1-2 triệu đồng, cao lắm cũng chỉ hơn 7-8 triệu đồng. Lomography có bán sản phẩm với giá cao hơn. Nhưng đa phần dân chơi chẳng mấy ai mua, vì chụp lấy vui thôi mà. Nhiều người dư dả hơn thích sưu tầm máy ảnh Lomo, bởi qua 10 năm phát triển cũng có hơn chục sản phẩm “chả giống ai” đã ra đời.
Sự hấp dẫn của Lomography không phải chỉ do các ống kính dị thường. Họ còn khéo cách tân cũng như giả cổ trong khâu thiết kế cho thêm phần đa dạng. Một số máy Lomo khéo thiết kế dành cho những người thích chơi Strobist như chiếc Colorplash hay La Sardina làm đèn flash lệch hẳn sang bên trái để nguồn sáng nhân tạo không đánh thẳng vào đối tượng chụp. Dòng Diana thì làm hẳn chiếc flash công suất lớn và khả năng chụp nửa phim (half frame). Lubitel 166+ hay Blackbird Fly được thiết kế theo kiểu song kính tương tự máy Rolleiflex đỉnh cao những năm 1970. Hay Belair X 6-12 có kiểu dáng gấp gọn ống kính (còn gọi là folding) như các máy cổ thập kỷ 50. Nếu half-frame là chưa đủ, thì có thể tìm đến mấy chiếc SuperSample, Oktomat hay Pop9 có 4, 8 hay 9 ống kính đặt cạnh nhau cũng do Lomography chế ra. Khi chụp, máy sẽ ra ảnh ngay trên cùng khung phim. Thậm chí, người dùng chỉ nhấn nút chụp là có đến 9 ảnh ở 9 góc độ khác nhau, thật tuyệt!
Chúng tôi cũng chẳng khuyên mọi người cứ phải mua máy Lomo để chụp cho tốn. Nếu không có điều kiện, hãy kiếm máy ảnh compact phim cũ, nếu có thêm kính lọc UV thông thường càng tốt. Những thứ này xin xỏ cũng được vì chả ai mặn mà gì. Nếu phải mua chắc chưa đến 200 nghìn đồng. Sau đó, lấy chút dầu ăn bôi lên kính lọc hay thấu kính trước của ống kính rồi cứ thế chụp. Những người có sẵn máy ảnh số cũng có thể làm theo cách này. Như vậy, người chụp đã có thể cho ra những bức ảnh theo phong cách Lomography với chi phí thấp nhất. Tuy nhiên, chất lượng ảnh sẽ giảm đi đôi chút.
Những thông tin trên chỉ để tham khảo khi muốn sắm máy Lomo phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta không nhất thiết phải bận tâm nhiều đến thiết bị. Vấn đề cần lưu tâm chính là giơ máy chụp nhanh khi bắt ngập khoảng khắc đắt giá rồi lại quên nó đi để tiếp tục hành trình. Nếu cứ lưu tâm xem khoảng khắc vừa chụp có đẹp hay không, thì có thể sẽ lỡ mất khoảng khắc ngay sau đó. Cũng đừng ngần ngại nhảy lên hoặc cúi xuống để nắm bắt đối tượng mà người chụp muốn. Nó cũng là nguyên tắc cơ bản khi chụp ảnh: thà có ảnh xấu còn hơn không có gì.
Ngoài việc tập tành strobist với máy ảnh Lomo, chúng tôi cũng rất thích thú với kỹ thuật dường như đã bị lãng quên từ khi Photoshop được biết đến rộng rãi: chụp chồng hình, có nghĩa là chụp nhiều lần trên cùng khung phim. Việc chụp chồng hình trên nhiều máy Lomo rất đơn giản, chỉ cần nhấn thêm một nút rồi thoải mái chụp. Đối tượng chụp có thể xuất hiện trên cùng bức ảnh nhiều lần như khả năng phân thân của ninja vậy mà vẫn có thể tự hào là ảnh gốc.
Nhiều người còn cho rằng: Chơi Lomography không thể thiếu Cross Process (hay còn gọi là Xpro), được hiểu đơn giản là tráng phim dương bản theo công thức dành cho phim âm bản hoặc ngược lại. Mục đích chính của Cross Process là gây biến dị về màu sắc và độ tương phản lên cao độ. Nhưng việc này khá tốn kém, nên chỉ dành cho những người dư dả hơn một chút.
Chẳng nói đâu xa, ngay tại Việt Nam, Lomography cũng được coi là dòng chảy ngầm trong giới nhiếp ảnh. Trên các diễn đàn trực tuyến, họ “thách” nhau sáng tạo với những mẫu máy ảnh như đồ chơi này. Lomography thì tổ chức hẳn cuộc thi ảnh “Lomo Wall” - chọn ra những bức ảnh đẹp nhất theo từng chủ để rồi dán lên bức tường để vinh danh người theo trường phái nhiếp ảnh này. Sau Đức, Anh, Hoa Kỳ, Chile, Brazil, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong... Lomo Wall do đại diện của Lomography tại Việt Nam là Analogue House khởi xướng cũng đang đến hồi gay cấn tại Việt Nam.
Cũng chẳng khó để bắt gặp những bạn trẻ lang thang ngoài đường với máy Lomo đầy màu sắc, đặc biệt là giờ tan sở và tan làm. Sau những giờ phút căng thẳng trên giảng đường và văn phòng, việc tranh thủ cầm máy đi chụp và tranh thủ hít khí trời, dù chỉ vài chục phút, chẳng phải là cái thú tao nhã vô cùng mà thời nào và tuổi nào cũng có thể chơi được.
Cậu em tôi tâm sự cái lý do “bén duyên” với máy Lomo chính là vì hình thức đồ chơi của dòng máy này. Hắn ta thích ăn mặc thoải mái kiểu hip hop trẻ trung, đeo thêm cái máy ảnh Lomo xanh đỏ trên cổ chả khác nào đồ trang sức. Một gã như thế chẳng ai chú ý. Vì thế, hắn tha hồ sáng tác ảnh đời thường. Nếu ăn mặc lịch sự với chiếc DSLR trên cổ, trên tay, chẳng ai muốn để bạn chụp cả.
Thế giới Lomography còn nhiều điều thú vị hơn nữa mà người chơi phải tự khám phá mới cảm nhận được hết. Hãy thử sức với cái thú “lọ mọ” này và chia sẻ những bức ảnh tâm đắc, nếu có thể.
10 “nguyên tắc vàng” của Lomography
1) Đem theo máy bất kể đang ở đâu
2) Chụp không kể ngày đêm
3) Đừng lo Lomo ảnh hưởng đến cuộc sống, vì Lomo là một phần cuộc sống của bạn
4) Nếu có mục tiêu, hãy tiến sát và bấm máy
5) Không cần lo nghĩ
6) Phải nhanh
7) Không cần suy nghĩ sẽ chụp gì
8) Không cần suy nghĩ đã chụp gì
9) Chụp từ mọi góc độ
10) Và cuối cùng: Cứ chụp đi, đừng quan tâm đến 9 điều trên nữa!
Tổng Hơp
Viết bình luận