Làm thế nào để con giao tiếp tốt hơn Kiên thức MC - dẫn chương trình
Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng không thể thiếu tạo nên sự thành công của một con người. Đây là một kỹ năng khó, tuy nhiên kỹ năng này được rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ thì sẽ mang lại nhiều lợi ích sau này. Trẻ nhỏ học tốt nhất thông qua việc quan sát người lớn và chơi những trò chơi đơn giản, và do trẻ luôn bắt chước người lớn nên bố mẹ – những người gần gũi với bé cũng chính là những người ảnh hưởng lớn nhất đến bé. Vậy cần làm gì để con giao tiếp tốt? Hãy đọc bài viết dưới đây của You Can Now nhé!
Giao tiếp với thái độ tôn trọng
Hãy giao tiếp với trẻ bằng thái độ tôn trọng. Trên thực tế, cùng một quan điểm vấn đề, sẽ có nhiều cách nhìn nhận khác nhau và đừng áp đặt suy nghĩ của mình đối với con. Hãy tỏ ra ân cần, tôn trọng, và lịch sự khi trò chuyện với con bạn. Khi giao tiếp, hãy khuyến khích con kể nhiều hơn bằng cách sử dụng những từ ngữ khuyến khích: “Wow, hãy kể cho mẹ nghe nhiều hơn nữa”, hoặc là “Ồ, thật vậy ư”, hay “Mẹ không chắc là mẹ hiểu, con có thể kể mẹ nghe lần nữa không?”.
Khi bạn lắng nghe và khuyến khích trẻ, con sẽ hào hứng, tự tin với việc diễn đạt. Thêm vào đó, hãy thăm dò các cách thức giải quyết vấn đề của trẻ, việc này sẽ cho bạn cơ hội hiểu trẻ, điều chỉnh kịp thời những tư tưởng không tốt, và đây cũng là cơ hội để khuyến khích suy nghĩ sáng tạo của trẻ, tập cho con thói quen tư duy và có thể ứng dụng vào trong thực tế.
Tạo ra bầu không khí giao tiếp tốt cho trẻ.
Hãy nhớ rằng bạn phải sẵn sàng để lắng nghe, giúp đỡ, chấp nhận những cảm xúc của trẻ. Khuyến khích con cách đặt câu hỏi với bất cứ điều gì chúng thắc mắc, tạo được bầu không khí giao tiếp thân thiện ngay từ nhỏ với những vấn đề đơn giản thì khi lớn lên, những câu hỏi “lớn” hơn về ma tuý, giới tính, hay sự bạo lực cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Từ từ, trẻ sẽ thấy rằng thật an toàn khi trò chuyện với bạn.
Để trẻ giao tiếp và giải quyết vấn đề tốt, bạn nên cho trẻ thời gian để suy nghĩ, xem xét và tự đưa ra quyết định. Đừng làm việc đó thay chúng. Việc nên làm là cởi mở và sẵn sàng trả lời những thắc mắc của trẻ, hãy tạo ra một không gian giao tiếp tốt cho trẻ. Đừng tỏ ra e dè về những suy nghĩ kỳ lạ của chúng, hãy tin tưởng và trao quyền giải quyết vấn đề cho chúng.
Thành thật trong giao tiếp
Hãy thành thật và nói về những điều bạn biết; trung thực thừa nhận những điều bạn không biết. Nên nói ngắn gọn và hướng đến trọng tâm của chủ đề; tránh dông dài và tranh cãi. Chú ý dùng những từ ngữ đơn giản, rõ nghĩa và dễ hiểu để trò chuyện với con bạn, như thế chúng sẽ dễ dàng cảm nhận và cũng học tập không ít từ thói quen giao tiếp này.
Biến lời nói thành hành động
Hành động đôi khi quan trọng hơn rất nhiều so với việc biểu đạt bằng ngôn ngữ. Đôi lúc thay vì trừng phạt trẻ bằng lời nói la mắng, hãy cố hướng dẫn con làm theo bạn. Nếu con bạn không tắt tivi và đi ăn tối, hãy cố gắng tắt tivi và nhẹ nhàng dẫn trẻ đến bàn ăn, thay vì ép buộc trẻ bằng nhiều từ ngữ, những lời hăm dọa, hay la hét, quát tháo. Bạn có thể truyền đạt những điều mình muốn trẻ hiểu bằng cách khác, thay vì nói với chúng.
Để con giao tiếp tốt, trước hết hãy quan sát cẩn thận để bình tĩnh nhận ra những biểu hiện của chúng. Từ những cử chỉ, điệu bộ của trẻ hãy tìm hiểu cảm nhận của chúng. Hãy nhẹ nhàng khuyến khích trẻ kể cho bạn nghe nhiều hơn về những gì chúng nghĩ. Sự tôn trọng và kiên nhẫn của bạn sẽ giúp chúng cảm thấy an tâm và có thể tâm sự cùng bạn để cùng bạn giải quyết vấn đề. Khi có thói quen giao tiếp tốt với những người thân cận, gần gũi như bố mẹ, thì con cũng sẽ tự tin hơn trong việc giao tiếp với những người xung quanh.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ có thể cho con tham gia vào các khóa học kỹ năng mềm cho trẻ em để rèn luyện khả năng giao tiếp, thuyết trình, tự tin nói trước đám đông.
Viết bình luận