Kỹ năng giao tiếp với nhà cung cấp Kỹ năng giao tiếp - thuyết trình - đứng trước đám đông
Các doanh nghiệp trong ngành sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ luôn cần đến những nhà cung cấp nguyên vật liệu hoặc hàng hóa cho mình. Không có một doanh nghiệp sản xuất nào có thể tồn tại được nếu như không có nguồn cung cấp. Để thuận tiện cho việc hợp tác với nhau lâu dài và bền vững, các doanh nghiệp cần phải thiết lập một mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ và hòa thuận đối với các nhà cung cấp của mình. Nếu bạn có thể đối xử với các nhà cung cấp như những đối tác làm ăn lớn của mình và tạo nên một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi chắc chắc bạn sẽ tăng khả năng hoạt động kinh doanh thành công hơn.
Để có thể thiết lập được mối quan hệ này, những gợi ý sau đây của You Can Now chính là thước đo chuẩn mực cho việc hành động của bạn
1. Lập mối quan hệ đối tác để cân bằng lợi ích ngắn hạn với sự quan tâm dài hạn
Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy về khái niệm hợp tác với các nhà cung cấp, đừng chỉ dừng lại ở suy nghĩ nhà cung cấp chỉ có vai trò cung cấp nguyên vật liệu sản phẩm hoặc dịch vụ cho mình, chỉ có mình là người đem lại lợi ích cho họ. Với suy nghĩ có chút “cổ hủ” này, doanh nghiệp bạn sẽ vô tình giết chết đi tinh thần làm ăn lâu dài của nhà cung cấp đối với mình. Hãy cho họ thấy họ cũng chính là một đối tác lớn và doanh nghiệp mình vẫn luôn cần họ. Chỉ có như vậy thì đôi bên mới cùng nhau tạo nên những thương lượng có lợi cho cả hai bên.
2. Chia sẻ chuyên môn và nguồn tài nguyên với những đối tác này
Nhà cung cấp chính là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng sản xuất sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Chính vì thế đừng ngại chia sẻ những suy nghĩ và ý kiến cải tiến cho họ, những sự giúp đỡ này hoàn toàn có thể đem lại lợi ích vô giá cho chính doanh nghiệp bạn. Việc chia sẻ các chuyên môn và nguồn tài nguyên với những đối tác này sẽ làm cho họ cảm nhận được doanh nghiệp bạn vô cùng nhiệt tình và giúp đỡ họ hết mình. Họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ và không thể từ chối những đề nghị có lợi cho doanh nghiệp bạn hơn.
3. Xác định và chọn những nhà cung cấp chủ yếu một cách cẩn thận
Việc chọn những nhà cung cấp uy tín và có trách nhiệm là vô cùng quan trọng. Có rất nhiều nhà cung cấp trên thị trường có thể cho bạn những sản phẩm theo đúng nhu cầu của bạn tuy nhiên không phải nhà cung cấp nào cũng sẽ cho bạn những sản phẩm có giá trị và chất lượng thật sự. Hãy cẩn thận xem xét và lựa chọn nhà cung cấp chủ yếu cho bạn một cách sáng suốt.
4. Giao tiếp rõ ràng và cởi mở với đối tác
Trong quá trình hợp tác làm ăn với các nhà cung cấp, đừng chỉ giao tiếp một cách qua loa hời hợt với họ. Hãy nhiệt tình giao tiếp như những người bạn thân, việc cởi mở hơn với các nhà cung cấp sẽ dễ dàng tạo cảm giác thoải mái khi họ làm việc bạn. Tinh thần thoải mái thì việc đàm phán về chi phí và chất lượng sản phẩm chỉ còn là chuyện nhỏ.
5. Chia sẻ thông tin và các kế hoạch trong tương lai với đối tác
Hãy cho các nhà cung cấp biết rằng doanh nghiệp bạn luôn muốn hợp tác với họ không chỉ hiện tại mà còn cả ở tương lai. Đối với mỗi cá nhân và doanh nghiệp, việc ổn định mối quan hệ hợp tác chính là sợi dây thép để duy trì việc làm ăn lâu dài. Khi bạn đưa ra những kế hoạch trong tương lai với họ chính là để chứng minh rằng doanh nghiệp của bạn rất coi trọng nhà cung cấp đó.
Nếu các doanh nghiệp có thể lập ra duy trì và quản lý hệ thống giúp các doanh nghiệp đạt được mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với nhà cung cấp, các doanh nghiệp sẽ đạt được rất nhiều lợi ích cho hoạt động kinh doanh của mình như:
- Tăng khả năng tạo giá trị của doanh nghiệp và của nhà cung cấp
- Linh động hơn và có khả năng cải thiện tốc độ của việc phản ứng lại với những thay đổi trong môi trường hoặc nhu cầu và mong muốn của khách hàng
- Tối đa hóa việc sử dụng chi phí và nguồn tài nguyên có sẵn
Sau khi thực hiện hệ thống quản lý chất lượng, doanh nghiệp có thể kiểm soát, truy nhập và cải tiến mối quan hệ chặt chẽ đối với nhà cung cấp của mình. Hi vọng với những chia sẻ trên, chúng tôi có thể đóng góp một phần lợi ích cho công cuộc kinh doanh của các quý doanh nghiệp.