Kinh nghiệm chụp ảnh phơi sáng ban đêm Kiến thức chung

Chụp ảnh phơi sáng ban đêm hay rõ hơn chụp ảnh phơi sáng công trình kiến trúc ban đêm cũng là đề tài rất hấp dẫn đối với các tay máy, từ người mới cầm máy cho tới người chơi lâu năm. Kĩ thuật chụp phơi sáng hết sức đơn giản, tuy nhiên, để đạt được một bức ảnh phơi sáng ban đêm đẹp và có chất lượng nghệ thuật là là một vấn đề khác. Thời điểm, bố cục, và đo sáng rất đáng được quan tâm trong kĩ thuật này.

1. Phơi sáng ban đêm vào thời điểm nào?

Nhiều người cho đây là một câu hỏi ngớ ngẩn, phơi sáng ban đêm thì phải phơi ban đêm chứ khi nào? Đó là một nhầm lẫn, dẫn đến bức ảnh phơi sáng đêm của bạn tuy có kĩ thuật nhưng chưa có mĩ thuật. Thời điểm tốt nhất để phơi sáng ban đêm vào mùa hè là 6 - 7h tối, riêng vào mùa đông có thể sớm hơn một chút. Chính xác hơn, thời điểm có thể chụp đẹp nhất trong khoảng thời gian chạng vạng, lúc mặt trời vừa xuống và đúng lúc đèn thành phố vừa lên. Đây là “thời điểm vàng của phơi sáng ban đêm”.
Nên chọn thời điểm này bởi vì nếu sớm hơn, mặt trời vẫn chưa lặn và những cây cầu, các tòa nhà thường chưa lên đèn, còn nếu trễ hơn, bầu trời sẽ tối đen như mực, bức trông sẽ rất tệ. Bên cạnh đó, lúc mặt trời vừa xuống sẽ tận dụng được ánh sáng khuếch tán, màu sắc rực rỡ của ánh hoàng hôn kết hợp với màu sắc của thành phố vừa lên đèn, bức ảnh sẽ đầy màu sắc và hết sức sinh động. 

Phơi sáng ban đêm vào lúc chạng vạng, ánh sáng sẽ cân bằng tốt hơn (Ảnh: Du Mục)

 

2. Về thời tiết thì sao?

Nên chọn những buổi chiều trời có mây, tất nhiên là không phải mây mù bao phủ cả bầu trời. Khi phơi sáng ban đêm, một bầu trời nền xanh với những đám mây bên trên làm bức ảnh hết sức sống động và đẹp hơn rất nhiều, đặc biệt, những đám mây còn có hiệu ứng trôi lơ lửng, kéo thành vệt khi bạn chụp với tốc độ chậm.
Gió cũng là một yếu tố đáng quan tâm, trong trường hợp phơi sáng thành phố bên sông hay những cây cầu, trời yên gió lặng, mặt nước yên tĩnh, những tòa nhà và cây cầu soi bóng xuống mặt nước tạo nên một bức ảnh đối xứng tuyệt vời. 

Mặt nước yên lặng, những tòa nhà soi bóng tạo nên bức ảnh đối xứng ấn tượng (Ảnh: Du Mục)

 

Ngược lại, phơi sáng ban đêm khung cảnh không có mặt nước hoặc chỉ muốn bố cục gói gọn trong chủ thể chính mà không quan tâm đến bố cục đối xứng ½ (soi bóng) thì gió nhỏ làm mặt nước lay động không phải là vấn đề lớn lắm.

Bố cục gói gọn trong chủ thể chính mà không quan tâm đến bố cục đối xứng ½ (soi bóng) thì gió nhỏ làm mặt nước lay động không phải là vấn đề lớn lắm, gió còn tạo hiệu ứng mây trôi khi chụp ở tốc độ chậm (Ảnh: Du Mục)

3. Bố cục

Kĩ thuật chụp phơi sáng rất đơn giản, mĩ thuật của bức ảnh nằm nhiều ở phần bố cục, vì đa phần phơi sáng ban đêm là chụp các công trình kiến trúc, các cây cầu… yêu cầu về bố cục khá cao. Trước khi chụp nên nghiên cứu trước về đối tượng chụp, nên đi sớm ít nhất 30 phút trước “thời điểm vàng của phơi sáng ban đêm”, lúc trời còn sáng hãy lắp đặt máy, nhìn, ngắm, chọn bố cục đẹp và tối ưu nhất, có thể chụp nhiều ảnh ở cùng một vị trí bố cục để đạt được hiệu quả màu sắc tối ưu vì màu đèn chiếu các công trình thay đổi theo nhịp.
Một lưu ý và cũng là một thói quen, những người mới chụp ảnh nên tập đó là chỉ chụp những bức ảnh với bố cục tối ưu nhất, vì phơi sáng ban đêm tạo ra hiệu ứng màu sắc đẹp, người xem phải trầm trồ vì bức ảnh đó, do đó người chụp ảnh thường bỏ qua bố cục mĩ thuật mà chỉ chú trọng đến kĩ thuật làm bức ảnh có bố cục xấu, ví như chỉ có xác mà không có hồn. Nếu thời điểm vàng đã qua hãy sẵn sàng cất máy, nếu lỡ chụp một bức bố cục xấu, sẵn sàng delete. Xin nhắc lại, đừng cố vớt vát một tấm ảnh phơi sáng ban đêm không có mĩ thuật, ví như chỉ có xác mà không có hồn.

4. Thiết bị, đo sáng và thao tác chụp

Thiết bị không thể thiếu cho phơi sáng ban đêm là tripod, đôi khi có thể thay thế bằng một điểm tựa ổn định như cột đèn đường…, nhưng nhất thiết là phải ổn định. Thiết bị thứ hai là dây bấm mềm để hạn chế tối đa rung làm nhòe ảnh đặc biệt khi thời gian phơi lâu (hơn 30s). Thiết bị thứ ba luôn sẵn sàng cho buổi phơi sáng ban đêm đó là ống kính góc rộng (lưu ý nên tháo filter bảo vệ và giữ cho ống kính sạch sẽ trước khi chụp, tránh tình trạng ảnh không sắc nét do filter và ống kính bẩn, mặc dù có những bức ảnh đáng giá về khoảnh khắc, màu sắc và bố cục…).
Bàn một chút về đo sáng, histogram và liveview là trợ thủ đắc lực trong chụp ảnh phơi sáng ban đêm, bạn có thể nhìn khung hình và bố cục thông qua liveview, còn histogram sẽ giúp bạn biết được bức ảnh của mình đã có đủ thông tin cần thiết về độ sáng để xử lí hậu kì hay chưa, không bị cháy hay quá tối làm mất chi tiết, và tất nhiên file RAW chính là sự lựa chọn tối ưu.
Thao tác chụp nên theo trình tự như sau:
- Đặt tripod ở vị trí thuận lợi, vững vàng, hạn chế tối đa rung động
- Lắp máy vào tripod, bật liveview, tắt chống rung (nếu có) và canh bố cục
- Đo sáng, lấy nét (chú ý khoảng nét để có độ sâu trường ảnh tốt nhất)
- Dùng dây bấm mềm bấm chụp, nếu không có dây bấm thì nhất thiết phải chụp bằng chế độ hẹn giờ để triệt tiêu rung động lúc chụp.
- Xem lại và kiểm tra histogram. 
Trên đây là một vài kinh nghiệm khi chụp ảnh phơi sáng ban đêm. Các bạn có thể thực hành, đồng thời tự rút kinh nghiệm bản thân để hoàn thiện tác phẩm của mình. Chúc các bạn có những tác phẩm phơi sáng ban đêm đẹp.

Tổng hợp

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755