Khái niệm về đo sáng Kiến thức chung
1. Đo sáng là gì
Bản chất của nhiếp ảnh là sự phơi sáng. Máy ảnh là một hộp tối, khi ta chụp ảnh, một cánh cửa sẽ mở ra, và ánh sáng từ bên ngoài tràn vào sẽ tác động vào film hay sensor để cho ra một bức ảnh.
Đo sáng là việc xác định độ mở ống kính ( khẩu độ – apeture – fstop), tốc độ chụp (shutter speed), và độ nhạy sáng (iso) để có được một bức ảnh đúng sáng.
2. Cộng, trừ EV (Exposure Value, giá trị phơi sáng)
Một vật chúng ta nhìn thấy được bằng mắt thường phải đáp ứng một trong hai điều kiện: thứ nhất vật đó tự phát sáng (mặt trời, ánh đèn), và thứ hai, vật đó phản chiếu ánh sáng từ những nguồn sáng khác.
Những nguồn sáng tự nhiên và nhân tạo không có nhiều, vì vậy khi chụp ảnh, ánh sáng film/sensor nhận được do phản chiếu ánh sáng từ những nguồn sáng khác là chủ yếu.
Những vật có màu sắc, bề mặt khác nhau thì phản chiếu ánh sáng khác nhau. Một vật nhìn sáng, hay tối phụ thuộc vào hai yếu tố: cường độ nguồn sáng và độ phản chiếu của ánh sáng của bề mặt.
Từ tính chất này, ông Ansel Adam (1902-1984) đã đưa ra một biểu đồ vùng hệ thống (Zone system chart) như sau:
Từ vùng (zone) 1 đến vùng 9 màu sắc chuyển dần từ đen sang trắng, và theo đó, độ phản chiếu ánh sáng cũng tăng dần. Độ phản chiếu ánh sáng của vùng n gấp đôi vùng n-1, và bằng một nửa vùng n+1.
Vùng 5 (màu xám, gray) nằm giữa vùng 1 và vùng 9, nó phản chiếu 18% và hấp thụ 82% cường độ ánh sáng chiếu đến nó, và đây cũng là vùng phản chiếu ánh sáng phổ biến nhất.
Người ta chọn vùng 5 là vùng tiêu chuẩn để thiết lập hệ thống đo sáng của máy ảnh. Nói một cách dễ hiểu, khi đo sáng, máy ảnh xem tất cả những ánh sáng nó nhận được đều phản chiếu từ vùng 5.
Vì vậy, máy ảnh sẽ không biết cường độ nguồn sáng của vật, hay chiếu đến vật là bao nhiêu, nó mặc định tất cả ánh sáng từ vật đều được phản chiếu từ một vùng có độ phản chiếu là 18%.
Khi chụp ảnh ở chế độ tự động, chúng ta dễ thấy trường hợp khi chụp nền trời trong, xanh thì hình sẽ tối đi. Ngược lại, khi chụp hình trong bóng râm, hình sẽ sáng hơn. Người ta tạo nên một cơ chế cộng, trừ EV để khắc phục tình trạng này.
Khi chủ thể sáng, chúng ta chủ động cộng EV. Lúc này, hệ thống đo sáng của máy ảnh sẽ hiểu rằng ánh sáng nó nhận được từ một nguồn sáng có cường độ ánh sáng lớn hơn, hoặc từ vùng có độ phản chiếu ánh sáng lớn hơn 18%.
Và ngược lại cho trường hợp ánh sáng yếu, chúng ta trừ EV, hệ thống sẽ nhận biết được ánh sáng nó nhận được là từ một nguồn sáng có cường độ yếu hơn, hay từ một vùng có độ phản chiếu ánh sáng nhỏ hơn 18%.
Nhận biết “zone 5” là một kỹ thuật cơ bản để làm chủ được ánh sáng trong nhiếp ảnh. Một cách đơn giản, chúng ta có thể dùng gray card (phản chiếu ánh sáng 18%) để đo sáng. Một số người đưa lòng bàn tay trước ống kính để đo sáng. Trong trường hợp này, kết quả đo sáng chỉ đúng khi người đó biết được lòng bàn tay của mình ở zone nào.
3. Khẩu độ, tốc độ, hay độ nhạy sáng ?
Thông thường khi đo sáng, người ta sẽ cố định 02 yếu tố, và điều chính yếu tố còn lại. Với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, họ sẽ tùy biến một lúc 03 yếu tố để có một bức ảnh ưng ý.
Khi chụp chân dung, tĩnh vật, bạn sẽ ưu tiên khẩu độ. Lúc này giá trị khẩu càng lớn càng tốt, lúc này vùng nét của bức ảnh (dof) sẽ mỏng đi, làm nổi bật chủ thể. Nhưng đừng quên rằng với các ống kính “hai khẩu”, tiêu cự càng lớn (tử số) thì giá trị khẩu (mẫu số) sẽ nhỏ lại theo công thức f/giá trị khẩu. Đối với các ống kính một khẩu thì bạn không phải lo lắng điều này.
Khi chụp ảnh phong cảnh, bạn sẽ ưu tiên tốc độ. Lúc này bạn sẽ chọn khẩu độ nhỏ, tốc độ chụp nhỏ để bức ảnh có độ nét sâu. Trường hợp chụp thác nước, bạn sẽ làm mọi cách để tốc độ càng chậm càng tốt để dòng nước trong và mượt.
Hãy cẩn thận khi lựa chọn giá trị Iso, vì nó là một con dao hai lưỡi. Trong điều kiện ánh sáng yếu, Iso lớn là một lợi thế khi bạn có thể chụp chủ thể với tốc độ lớn. Nhưng Iso càng lớn thì bức ảnh càng dể bị noise, bể hình.
Các máy ảnh đời mới hiện nay đều có một hệ thống đo sáng rất tốt, nhất là các hệ thống đo sáng theo ma trận điểm. Ngoài hệ thống đo sáng của máy ảnh, chúng ta còn có sự hỗ trợ của các máy đo sáng độc lập. Tuy nhiên, dù là hệ thống nào thì nó cũng chỉ là một cái máy, và hoạt động theo những nguyên tắc nhất định và không đúng cho tất cả các trường hợp. Vì vậy, lâu lâu cũng nên chụp ảnh theo kiểu thủ công, tận hưởng cái cảm giác đưa tay điều chỉnh khẩu, tốc rồi nín thở chờ cái “rắc” của màn trập, rồi cười sảng khoái với bức ảnh của mình.
Tổng hợp
Viết bình luận