Gây ấn tượng với nhà tuyển dụng từ lần gặp đầu tiên Kỹ năng giao tiếp - thuyết trình - đứng trước đám đông
Nếu là người đã thực hiện theo “công thức sách vở” nhưng vẫn không thành công trong việc ứng tuyển, thì những lời khuyên độc đáo của You Can Now sẽ giúp bạn trở thành một ứng viên ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng.
Đừng nộp đơn xin việc ngay khi bạn tìm thấy
Đa số đều biết cảm giác nộp đơn ở mọi chỗ khả thi rồi lại thất vọng vì không được nhận là cảm giác tồi tệ của cả quá trình tìm việc. Chính vì vậy, khi tìm thấy một vị trí mà thực sự quan tâm, nộp đơn là điều cuối cùng bạn nên làm. Thay vào đó, hãy nghiên cứu công ty và các chuyên gia làm việc ở đó, tham khảo “tay trong” trước khi bạn nộp đơn xin việc để tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp và điều họ mong đợi ở ứng viên. Việc bạn thể hiện sự hiểu biết về doanh nghiệp trong buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn “ghi điểm” với nhà tuyển dụng.
Thừa nhận mình cần sự giúp đỡ
Nhiều người thường tự tạo áp lực rằng phải tỏ ra thông thái năng động để có được công việc. Nhưng hãy thử xây dựng mối quan hệ với những người bạn muốn làm việc cùng, chia sẻ sự ngưỡng mộ đối với họ và xin lời khuyên. Đó là điều bạn nên làm từ trước khi doanh nghiệp đó đưa ra cơ hội việc làm để bạn nộp đơn.
Đừng ngại nhắn tin hoặc gọi điện để thổ lộ với họ sự ngưỡng mộ của bạn, hỏi về lời khuyên hoặc thách thức trong công việc ở đó. Nếu họ đủ nhiệt tình, sẵn sàng chuyển đơn xin việc và CV của bạn cho bộ phận nhân sự hoặc lãnh đạo bộ phận cần ứng viên thì bạn đã thành công.
Tạo chỗ đứng của chính mình
Không nên ôm cây đợi thỏ để “công việc trong mơ” tìm đến mình. Nghiên cứu ngành hoặc lĩnh vực bạn quan tâm, quyết định 1 hoặc 2 công ty bạn muốn đầu quân, sau đó tìm hiểu những thách thức, hạn chế của họ từ góc độ nghiệp vụ của bạn. Từ đó, bạn có thể phác thảo các giải pháp và chia sẻ trực tiếp hoặc công khai (qua trang mạng xã hội cá nhân). Mục đích ở đây là tìm cách gây chú ý thông qua đề xuất giải pháp cho họ mà không cần báo đáp.
Học cách lắng nghe
Các ứng viên thường bị cuốn vào việc thể hiện bản thân với nhà tuyển dụng mà đôi khi quên việc phải lắng nghe. Nghệ thuật trò chuyện nằm ở chỗ biết cách lắng nghe và các cuộc phỏng vấn xin việc cũng tương tự. Biết khi nào nên nói, khi nào nên ngừng nói và khi nào nên đặt câu hỏi là một nghệ thuật của những ứng viên xuất sắc.
Khi bạn tập phỏng vấn, đừng chỉ luyện các câu trả lời theo mẫu, hãy suy nghĩ cả về cách lắng nghe một cách cẩn thận và suy nghĩ xuyên suốt những điều nhà tuyển dụng nói.
Bắt đầu từ nhân sự “thượng tầng”
Trong phim “Mưu cầu hạnh phúc”, anh chàng Chris Gardner (do Will Smith thủ vai) luôn tìm mọi cách tiếp cận với các lãnh đạo hoặc quản lý của doanh nghiệp. Tại sao chỉ chờ đợi CV của bạn sẽ đến được với người quyết định tuyển dụng? Hãy tự mình gặp thẳng người có quyền quyết định, tiếp cận họ một cách tế nhị, tôn trọng với mục tiêu rõ ràng.
Xây dựng mối quan hệ với trợ lý
Kể cả khi bạn đã có một lời hứa hẹn từ người quản lý, đừng quên, người sắp xếp hành chính để triển khai cơ hội cho bạn là trợ lý của sếp. Thực tế, trợ lý chính là đối tác đáng tin cậy, nắm được hầu hết lịch trình, trách nhiệm và sở thích của người quản lý. Kết bạn hoặc thậm chí tìm ra những lợi ích có thể trao đổi với họ sẽ giúp bạn tạo ra sự khác biệt lớn so với các ứng viên khác.
Tập trung vào ngôn ngữ cơ thể
Cách tạo dáng đứng, cách để tay có đang thả lỏng và tự tin không sẽ giúp bạn toát ra sự chủ động. Đồng thời, bạn cũng nên chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của nhà tuyển dụng để cân nhắc xem bạn có đang đi đúng hướng không.
Đừng chỉ tập trung vào việc tìm kiếm công việc bạn yêu thích
Nếu quá ám ảnh về việc bạn thích một công việc cụ thể nào sẽ khiến bạn gặp khó để có được việc làm. Bởi hầu hết các vị trí cấp thấp không hề hào nhoáng. Câu hỏi phù hợp cần đặt ra khi đánh giá một cơ hội là công việc của bạn có thể thăng tiến như thế nào trong 5 năm nữa, nếu bạn đầu tư phát triển năng lực? Hãy tập trung nhiều hơn vào vị trí mà bạn có nhiều cơ hội nhất để thể hiện năng lực, tạo dựng được mạng lưới với những người đầu ngành và tạo bàn đạp để bước vào công ty giỏi nhất trong lĩnh vực đó.
Trở thành fan hâm mộ của công ty
Sau khi bạn tìm thấy một công ty mà bạn yêu thích, hãy trở thành người hâm mộ lớn nhất của họ. Không có doanh nghiệp nào không mong muốn có được những nhân viên yêu công ty và nhiệt tình với công việc. Người hâm mộ trung thành thường là người tiêu dùng cuồng nhiệt và trở thành những nhân viên tuyệt vời vì lý do này.
Đặc biệt, bạn phải thiết lập các mối quan hệ hoặc tham gia vào hội nhóm, diễn đàn nơi bạn có thể thể hiện lòng nhiệt thành và khả năng đóng góp.