Chuyên gia Phạm Chi Lan: Sinh viên Việt thiếu nhất sự tự tin giao tiếp Kỹ năng giao tiếp - thuyết trình - đứng trước đám đông

Bà Phạm Chi Lan trăn trở khi sinh viên Việt có khoảng cách rất xa về sự tự tin trong giao tiếp nếu so với bạn trẻ các nước trên thế giới cùng trình độ. Đa phần các em lúng túng, bị ngợp khi nói chuyện với những người có vị trí cao, e ngại phát biểu, thiếu hụt kỹ năng chất vấn…

Nữ chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có những chia sẻ quý báu, cởi mở với các sinh tại tọa đàm "Xu hướng nghề nghiệp trong thời kỳ hội nhập & sự chuẩn bị của sinh viên" do khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội và CPA Australia tổ chức ngày 23/9.

Đặt cơ hội việc làm của sinh viên (SV) trong bối cảnh công nghệ phát triển vũ bão, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi căn bản cách con người sống, làm việc và quan hệ với nhau, bà Phạm Chi Lan chỉ rõ điểm yếu và thiếu của SV Việt trong thị trường lao động không biên giới.

Nhiều năm làm việc trong nước và quốc tế, bà Chi Lan nhận thấy người trẻ Việt thiếu nhất sự tự tin trong giao tiếp. Sự lúng túng, rụt rè, e ngại gây bất lợi cho họ trong quá trình ứng tuyển vào các vị trí công việc cũng như xây dựng, phát triển mạng lưới quan hệ.
“Nhiều SV quốc tế gặp tôi để hỏi về những điều họ cần, khi tôi say sưa chia sẻ thì gặp bất cứ chỗ nào cần họ sẽ dõng dạc nói “xin lỗi” để ngắt lời và hỏi thêm khía cạnh khác. Tất cả cái đó họ làm rất tự tin, thoải mái, không ngần ngại. Ở Việt Nam thì trái ngược - các bạn e ngại, không dám giơ tay phát biểu hoặc chất vấn thì lại càng khó hơn”, bà lo ngại.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, tự tin là cái gốc để người trẻ thành công trong cuộc sống. Vào đời nếu không có sự tự tin thì ngay phỏng vấn tuyển dụng cũng nhiều phần bị loại. Sự tự tin chỉ có được khi các bạn học hành tốt, có điều gì đó đủ để làm vốn mình.

“Kiến thức không biết có thể hỏi Google nhưng thiếu kỹ năng mềm thì tai hại. Kỹ năng là cái nền ban đầu đi mình bắt đầu đi. Thiết nghĩ, nhà trường cần hết sức quan tâm đào tạo kỹ năng cho học sinh, sinh viên chứ không phải mỗi kiến thức”, chuyên gia này đặt vấn đề.

Bà Chi Lan cũng nhấn mạnh, chất lượng giáo dục và đào tạo hiện vẫn còn nhiều bất cập khi chưa dự báo được nhu cầu của thị trường lao động cũng như chưa phân khúc rõ định hướng đào tạo giữa các ngành nghề. Từ đó dẫn đến việc đào tạo chung chung, dàn trải về chuyên môn, nặng về mặt lí thuyết mà chưa chú trọng đến thị trường, nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Thêm một vấn đề nữa, bạn trẻ Việt rất thông minh nhưng thiếu sự phối hợp, tinh thần “teamwork”. Trong khi đó lại là từ khóa hàng đầu làm nên thành công của mỗi cá nhân.

Đồng tình quan điểm, với 18 năm kinh nghiệm quản lý, tuyển dụng trong và ngoài nước, ông Lê Thế Việt, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Grant Thornton cho rằng, SV Việt rất thông minh nhưng khả năng làm việc nhóm không ổn.

Theo ông Việt, các bạn trẻ rất thích “chat chit” trên mạng nhưng lại kém ở khả năng giao tiếp, thuyết phục ở đời thực với mọi người.

Vị này nhắn nhủ các bạn trẻ: “Tham gia hoạt động tập thể để nhìn thấy mình thiếu ở đâu, cần học thêm những gì. Học ở đại học rất tốt nhưng chưa đủ, chúng ta phải học tiếp nữa để phục vụ chuyên môn công việc. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay phải cố gắng kiếm chứng chỉ quốc tế. Đó là hành trang để các bạn lập thân, lập nghiệp”.

“Mở to mắt để nhìn, để học”

“Làm thế nào để bạn trẻ có một công việc tốt và cuộc sống hạnh phúc?”

“Trường đời là trường quan trọng nhất so với thứ khác. Mở mắt to ra vượt lên tầm nhìn nhỏ hạn hẹp của mình, gia đình mình, cụm dân cư mình sinh sống... Nhìn thấy sự hạn chế của mình ở đâu để cố gắng bồi đắp hoàn thiện”. Đó là tâm thế sống và học tập của nữ chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Bà tâm sự: “Tôi vẫn nói đùa mình có hàng nghìn người thầy. Những năm 50-60 ở Việt Nam liệu có mấy ai dạy tiếng Anh chuẩn. Vậy là với mỗi người bạn quốc tế được gặp, tôi cố gắng học họ các khái niệm, cách diễn đạt mới”.

Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 Ngô Phương Lan - MC chương trình lại nhấn mạnh với các bạn trẻ tầm quan trọng của tinh thần làm việc trung thực, chăm chỉ, tận tâm.

“Ai cũng muốn làm lãnh đạo, ai cũng nghĩ mình phải làm quản lý, giám đốc. Nhưng sự thật, công việc nào cũng rất cần người có chuyên môn, chuyên tâm.

MC Phương Lan lưu ý, bạn trẻ Việt nên thay đổi suy nghĩ phải là “ông to, bà lớn”, giám đốc, nhà quản lý mà hãy làm thật tốt chuyên môn của mình. Đó sẽ là cạnh tranh so sánh của các bạn so với 1 triệu người khác trong thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

 
zalo
Gọi ngay 0985349755