Chụp phơi sáng thác và suối nước Kiến thức chung

Thác nước hay suối là đề tài hấp dẫn cho các tay máy phong cảnh, bởi vì thiên nhiên tuyệt đẹp luôn thu hút ta cầm máy và chụp lại nó, tuy nhiên, thỉnh thoảng để thu được một bức ảnh đẹp nhất vẫn là một vấn đề khó khăn mà không phải ai cũng có thể làm tốt.

Những hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn chụp thác nước (có thể là suối) dễ dàng và đẹp hơn.

1. Thiết bị của bạn đã đủ rồi!

Hầu hết mọi người đều gợi ý cho bạn rằng: hãy sắm một filter ND (Neutral density) để chụp phơi sáng thác nước. Hãy quên nó đi! Với việc chụp thác nước trong rừng sâu bạn sẽ thấy không cần thiết nữa, bạn hãy bắt đầu với một chiếc máy ảnh tốt và một chân máy (tripod) ổn định – đó là tất cả những thứ bạn cần.

ND filter chỉ hỗ trợ tốt cho bạn trong việc chụp phơi sáng dưới ánh nắng mặt trời, điển hình như lúc mặt trời đang ở trên đỉnh đầu, ánh nắng chói chang, gắt, chiếu trực tiếp và bóng đổ nặng. Do đó, để chụp một bức ảnh phơi sáng thác nước tốt mà không cần đến filter ND bạn nên có mặt lúc bình minh hoặc hoàng hôn, đôi khi là giữa buổi với một thác nước nằm trong bóng râm. 

Phơi sáng thác nước này vào lúc 4h chiều, thác nằm trong bóng râm do đó không dùng filter ND (Ảnh: Mạnh Tuấn)

Mọi người đều biết rằng, thác nước và suối đều nằm trong các hẻm núi, vì vậy miễn là mặt trời nấp đằng sau núi với thác nước nằm trong bóng râm là bạn sẽ có thể chụp phơi sáng rất đẹp với ánh sáng cân bằng. Trên thực tế, bạn nên lên kế hoạch hành trình đi chụp một cách phù hợp nhất. Ví dụ như nếu thác nước bạn muốn chụp quay mặt về hướng đông thì bình minh không phải thời gian thuận lợi nhất trong ngày, bởi vì những tia nắng sẽ bị bắt trên măt nước, do đó chụp phơi sáng với những thác nước có mặt hướng về hướng đông tốt nhất là vào buổi chiều muộn. Cũng phân tích tương tự với các thác nước về hướng tây, hãy chụp những thác nước này vào buổi sáng sớm.

2. Tìm hiểu về thông số phơi sáng

Cần bao nhiêu lâu để chụp phơi sáng thác nước? Câu trả lời tùy thuộc vào nhiều yếu tố và sở thích của người chụp. Ta có thể chia loại thác nước làm hai loại khác nhau: một loại là loại thác nước to lớn, hùng vĩ và dữ dội, đứng trước thác nước này bạn sẽ cảm thấy hồi hộp đến ngột thở. Một loại trông thanh nhã, mềm mại và dịu êm hơn.

Vậy đặt máy ở chế độ phơi sáng nào là thích hợp?

Một trường hợp minh họa: ở chế độ M, hãy đặt ISO thấp nhất mà máy có thể đạt được (thông thường là 100), sau đó, đặt khẩu độ nhỏ (khép khẩu) đủ để lấy nét tối đa (gợi ý thông thường là f/8 đến f/10) và tốc độ chụp (tốc độ màn trập) được chú ý vào lúc này: hãy cố gắng giữ tốc độ chụp dưới 1s, bạn sẽ nhận được bức ảnh với thác nước chảy như chậm đi, mềm mại hơn, một sự tĩnh lặng trong chuyển động.

Khi chụp với tốc độ chậm, sợi nước được kéo dài và mềm mượt như tóc trông thật tuyệt vời, tiếp theo bạn hãy thử chụp với tốc độ chụp càng lâu càng tốt để có những trải nghiệm đầy đủ các hiệu ứng đặc biệt của dòng thác bằng cách thay đổi tốc độ chụp nhanh chậm khác nhau.

Thay đổi tốc độ chụp nhanh chậm khác nhau để trải nghiệm các hiệu ứng khác nhau của dòng nước chảy (Ảnh: Mạnh Tuấn)

Đừng e ngại những lời đồn đại về độ nét căng sẽ giảm khi khép khẩu quá nhỏ (hiện tượng nhiễu xạ). Nhiếp ảnh phải thỏa hiệp trong rất nhiều trường hợp, khi khép khẩu quá nhỏ, độ nét căng chỉ giảm không đáng kể và chỉ nhận thấy khi zoom đến 200%. Nhưng điều quan trọng hơn là bạn đã thu được một bức ảnh đẹp cùng với sự hưng phấn trong trải nghiệm kĩ thuật chụp phơi sáng.

Cũng đừng e ngại vì đôi khi bạn phải khép khẩu đến f/22 nếu bạn cần dùng nó, hãy mạnh dạn để chụp với tốc độ từ 1-4s, bức ảnh của bạn sẽ trông rất tuyệt vời.

3. Lưu lại cảnh vật xung quanh

Bạn đã từng cố gắng chụp phơi sáng một thác nước và thấy rằng, những cảnh vật, những cây cối xung quanh dễ dàng bị mờ nhòe chỉ do một cơn gió thoảng. Và bạn cũng đã biết cách mà người ta thực hiện một bức ảnh HDR (high dynamic range). Chúng ta sẽ làm một điều tương tự ở đây: sau khi bạn đã chụp phơi sáng được thác nước, hãy nhanh chóng nhìn toàn bộ khung hình để phát hiện ra cảnh vật xung quanh có bị nhòe hay không. Nếu có, hãy nhanh chóng chuyển máy sang chế độ chụp nhanh, tốc độ cần thiết 1/100 hoặc có thể nhanh hơn nữa để có thể đóng băng chuyển động. Có thể mở khẩu hạn chế nhưng chắc chắn rằng vẫn đủ độ sâu trường ảnh (DOF), nếu vẫn chưa đủ sáng, hãy đẩy cao ISO đến khi đạt yêu cầu.

Sử dụng Photoshop để ghép chồng ảnh lên nhau và sử dụng layer mask để xóa những vùng mờ nhòe không đạt yêu cầu là đã giải quyết xong vấn đề một cách hữu hiệu. 

Cây cối xung quanh không mờ nhòe nhờ khắc phục bằng phương pháp ghép chồng trong Photoshop (Nguồn 500px)

4. Vấn đề khi trời mây mù âm u

Một câu chuyện đáng buồn đó là đôi khi hăm hở mang máy ảnh đi bộ đường dài nhưng đến nơi trời lại mưa u ám. Mặc dù dưới ánh sáng yếu của bầu trời âm u bạn có thể thoải mái chụp phơi sáng cả ngày với tốc độ thật chậm, tuy nhiên có ánh nắng thì màu sắc vẫn rực rỡ và sinh động hơn.

Một vấn đề cần tránh trong những ngày này là bầu trời u ám, xám xịt, nếu lọt vào khung hình trông sẽ rất tệ. Do đó, bạn nên dậy sớm, thật sớm, để tìm vị trí thật đẹp, loại bỏ bầu trời xám xịt bên trên thác nước của bạn.

Nói chung, nhiếp ảnh phong cảnh đôi khi phải thỏa hiệp, không phải lúc nào tất cả các yếu tố thời tiết đều thuận lợi, điều quan trọng là bạn có thể khắc phục được yếu tố bất lợi và có những trải nghiệm thú vị với những bức ảnh của mình.

Kết luận: Giống như bất cứ thể loại nào của nhiếp ảnh, chụp phơi sáng thác nước cũng cần phải luyện tập thường xuyên để có thêm kinh nghiệm “chinh chiến”. Bạn hãy lên kế hoạch để bước ra ngoài và đặt các hướng dẫn này vào chính bức ảnh của bạn. Chúc bạn may mắn!

Theo Mạnh Tuấn (VAPA)

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755