Các bước xây dựng bài thuyết trình bán hàng hiệu quả Kỹ năng giao tiếp - thuyết trình - đứng trước đám đông
Một bài thuyết trình về sản phẩm đầy ấn tượng và có sức thuyết phục là yếu tố quan trọng thúc đẩy quyết định mua hàng của khách hàng. Tuy nhiên, rất nhiều nhân viên bán hàng còn gặp nhiều khó khăn trong việc tạo dựng một bài thuyết trình bán hàng hiệu quả.
Chúng ta hãy thử tham khảo các bước đơn giản dưới đây.
BƯỚC 1: HIỂU RÕ VẤN ĐỀ CỦA KHÁCH HÀNG
Mục tiêu: Tập trung bài thuyết trình vào những vấn đề khách hàng đang gặp phải
Không có giải pháp dành cho mọi vấn đề. Thậm chí, trong cùng một ngành, mỗi khách hàng sẽ có những vấn để của riêng họ. Do đó, công việc của bạn là phải nắm rõ nhu cầu khách hàng và tập trung xoáy vào những mối quan tâm chính của họ.
Để làm được điều này, bạn cần nghiên cứu kỹ khách hàng. Nên bắt đầu tìm hiểu thông tin trên website hay các công cụ khác như báo, tạp chí. “Khách hàng thường cho là bạn đã hiểu rõ về ngành kinh doanh của họ thông qua những công cụ phổ biến như website, mạng xã hội…” theo Kyla O’Connell, chuyên gia tư vấn bán hàng và hiện là giám đốc phát triển kinh doanh cho biết: "Thật dại dột khi bước vào gặp khách hàng với câu hỏi đầu tiên như: "Tầm nhìn công ty bạn là gì?". Thực tế là khách hàng luôn mặc định là bạn đã nắm rõ những thông tin đó rồi. Do đó hãy nghiên cứu kỹ về khách hàng và cả đối thủ của họ.
Internet là công cụ tìm kiếm thông tin hiệu quả, nhưng những kiến thức góp nhặt được khi nói chuyện trực tiếp với khách hàng sẽ vô cùng quý giá. Chính vì vậy, bạn cần tìm một người “quen” bên trong công ty khách hàng, người có thể cung cấp cho bạn những thông tin giá trị này. Hãy tận dụng các mối quan hệ xã hội để tìm một “tay trong” - người có thể cho bạn biết những gì đang diễn ra ở phía bên kia cánh cửa – đặc biệt là những vấn đề “đau đầu” hay những mối quan tâm hàng đầu mà khách hàng đang gặp phải.
Một khi đã xác định được vấn đề nằm ở đâu, bài thuyết trình nên thể hiện rằng sản phẩm hay dịch vụ của bạn chính là giải pháp cho vấn đề của họ. Khách hàng luôn sẵn sàng lắng nghe khi họ nhận thấy nội dung bài thuyết trình có liên quan tới tình huống, vấn đề mà bản thân họ mắc phải.
Bên cạnh đó, bạn không nên quên bức tranh lớn hơn: những xu hướng đang diễn ra trong ngành. Bạn cần theo dõi các tạp chí chuyên ngành, hội thảo, bản tin, hay những cộng đồng trực tuyến để cập nhật những kiến thức này.
BƯỚC 2: THIẾT KẾ BÀI THUYẾT TRÌNH HẤP DẪN – KHÔNG PHẢI RU NGỦ
Mục tiêu: Tạo ra bài thuyết trình có tính gắn kết và tập trung vào khách hàng
Hãy dẫn dắt bài thuyết trình đi theo một câu chuyện có mở đầu, nội dung chính và phần kết luận. Dean Brenner, chuyên gia tại công ty tư vấn truyền thông Latimer Group, luôn nhắc nhở các nhân viên của mình ngồi xuống và viết ra câu chuyện họ muốn kể trước khi phác thảo bài thuyết trình. Bắt đầu xác định mục tiêu bằng cách trả lời 2 câu hỏi sau:
• Tôi muốn đạt được điều gì?
• Tôi muốn người nghe nghĩ gì sau khi kết thúc bài thuyết trình?
Nếu đối thủ bán sản phẩm với giá rẻ hơn, mục tiêu của bạn là cho khách hàng thấy những giá trị đằng sau bảng báo giá. Theo Brenner, toàn bộ bài thuyết trình nên có cấu trúc rõ ràng về những điểm chính bạn cần truyền đạt.
Hãy làm rõ thông điệp truớc khi đưa chúng lên các tài liệu thuyết trình, brochure…
“Những tài liệu này chỉ đơn thuần là bản khắc họa câu chuyện bạn đang muốn kể. Nên đưa ra một hình ảnh, đoạn video hay mẫu thiết kế để làm rõ một điểm nào đó và cần tránh sử dụng quá nhiều chữ trong các slide liên tục. Rất nhiều nhân viên bán hàng lạm dụng Power Point để đọc toàn bộ nội dung trên slide cho khách hàng. Cũng theo Brenner, quan trọng nhất, bạn cần tránh sai lầm “đáng xấu hổ” là biến buổi thuyết trình thành buổi giới thiệu về công ty và không đả động gì tới những vấn đề của khách hàng.
Trước khi vào phòng họp, cần chắc chắn bạn đã sắp xếp mọi thứ theo trật tự. Dưới đây là những việc chắc chắn bạn không muốn quên:
• Xác định nội dung chính và điều chỉnh theo từng khách hàng cụ thể.
• Viết ra những mục tiêu cho buổi họp.
• Tận dụng kiến thức để thấu hiểu khách hàng, biến chúng trở thành câu chuyện với mở đầu, nội dung chính và kết luận rõ ràng liền mạch.
• Sử dụng hiệu ứng hình ảnh để minh họa cho câu chuyện.
• Hạn chế sử dụng thuật ngữ chuyên ngành hay nội dung dễ gây nhầm lẫn.
• Thực tập, thực tập và thực tập.
• Lấy ý kiến phản hồi từ người hỗ trợ hay đồng nghiệp trước buổi thuyết trình.
BƯỚC 3: NÓI NHƯ MỘT CHUYÊN GIA
Mục tiêu: Làm cho bài thuyết trình thuyết phục, sáng tạo và đáng tin cậy