8 Mẹo Chụp Ảnh ‘Siêu Trăng’ Kiến thức chung
Chụp mặt trăng khi gần đường chân trời nhất
Thời điểm tốt nhất để chụp “siêu trăng” chính là thời điểm trăng lên, cũng là lúc mặt trăng ở gần đường chân trời. Đây được xem là khoảng thời gian “ma thuật” và cung cấp cho người cầm máy thời cơ tốt nhất để chụp khoảng không gian xung quanh với một chút ánh nắng mặt trời còn le lói. Đây cũng là thời điểm tốt nhất để có được hình ảnh những đám mây che phủ trên mặt trăng và khi đó mặt trăng có màu da cam.
Ngoài ra, khi mặt trăng di chuyển sát đường chân trời, hiện tượng ảo giác sẽ khiến người quan sát cảm thấy nó lớn hơn so với kích thước thật.
Đặt mặt trăng trong một bối cảnh
Trừ khi bạn sở hữu một ống kính siêu tele, chụp mặt trăng ở chính giữa bầu trời là một khuôn hình đơn điệu và không hấp dẫn. Thay vào đó, nắm bắt mặt trăng trong bối cảnh của một thành phố, đồi núi hay dòng sông. Nếu ở thành phố hoặc một vài vùng quê, đó có thể là mặt trăng vừa nhô ra khỏi cành cây, trên những ngọn đồi, giữa các tòa nhà hay sau chiếc cầu. Nếu ở trên biển thì đó là những bức hình phản chiếu dưới mặt đại dương.
Sử dụng một ống kính với tiêu cự lớn
Nếu bạn đang sử dụng một ống kính tele với tiêu cự 200 mm hoặc nhiều hơn, đây là thời gian để sử dụng nó. Để mặt trăng thực sự nét hoàn hảo, tốt nhất là nên để khẩu độ mở f/8.0 hoặc hẹp hơn. Nếu sử dụng một ống kính với tiêu cự ngắn hơn, người dùng có thể mượn một chiếc teleconverter hoặc chọn các góc sáng tạo đặt trong các bối cảnh khác nhau.
Sử dụng chân máy
Đây gần như là yếu tố bắt buộc để chụp được “siêu trăng” do khẩu độ mở nhỏ, tốc độ chụp sẽ rất chậm và cần một chân máy để giữ hình ảnh không bị nhòe. Người chụp nên sử dụng chân chạc 3, nếu không đủ chắc có thể treo thêm vật nặng để cố định chân máy do trời mùa này thường có gió mạnh.
Để giảm nhiễu tối đa trong các bức ảnh chụp, ISO nên chỉ để cao tối đa là 800, mức càng thấp càng tốt để hình ảnh mịn màng hơn. Nếu chụp tại đúng thời điểm trăng lên, không nên để thời gian phơi sáng lâu quá 2 giây. Nếu chụp muộn hơn vào lúc nữa đêm, thời gian này có thể lâu hơn nhưng cũng không nên để quá 25 giây do hình ảnh thu được sẽ bị nhòe do chuyển động của mặt trăng.
Sử dụng chế độ AEB bracketing cho bức ảnh HDR “siêu trăng”
Nếu muốn bức ảnh trở nên đặc biệt hơn với HDR, người dùng có thể sử dụng chế độ bracketing tự động với bước bù trừ sáng là +/-2 EV. Máy ảnh được đặt trong chế độ hẹn giờ chụp hai giây. HDR sẽ tạo ra các hiệu ứng hình ảnh thú vị và độc đáo hơn cho tác phẩm.
Không thực hiện zoom kỹ thuật số
Tiêu cự không đủ dài đôi khi sẽ làm chúng ta rơi vào thế “bí” và sử dụng zoom kỹ thuật số. Tuy nhiên, lời khuyên được đưa ra là không nên sử dụng trong bất kỳ trường hợp nào. Zoom kỹ thuật số trong điều kiện thiếu sáng luôn gây ra những hiện tượng nhiễu và làm hỏng bức ảnh của bạn. Chế độ zoom này không có trên DSRL nhưng xuất hiện trên các máy siêu zoom cũng như mẫu compact thông thường.
Sử dụng chế độ ngắm Live View
Để máy ảnh ở chế độ chụp bằng tay hoàn toàn (Manual) và xem trực tiếp qua màn hình của máy. Bạn có thể phải tăng ISO để máy ảnh lấy được nét chính xác, sau đó khóa nét và bắt đầu chỉnh lại các thông số mong muốn. Ngoài ra, việc sử dụng chế độ Live View sẽ khiến người dùng dễ nắm bắt thông số cũng như bố cục.
(Sưu tầm)
Xem thêm:
Chụp ảnh nâng cao: Chụp đêm
Những thời điểm vàng để chụp ảnh trong ngày
"Khung giờ vàng" cho nhiếp ảnh
Chụp hình những ngày u ám
Viết bình luận