8 lợi ích của chương trình học STEM mà cha mẹ nên biết Kỹ năng giao tiếp - thuyết trình - đứng trước đám đông
Phương pháp giáo dục STEM là gì?
STEM là viết tắt của các môn học: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). Đây là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho học sinh những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết và các ứng dụng thực tế.
Sau đây là những lợi ích khi các bé theo học chương trình học STEM
1. Phát triển sự khéo léo, sáng tạo
Với việc kết hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực trong một chương trình học, STEM giúp trẻ kích thích óc sáng tạo và khả năng liên kết thông tin, từ đó kích thích trẻ tự khám phá ra nhiều kiến thức mới, hay nảy ra những sáng kiến bất ngờ trong quá trình học tập, giúp con tiếp thu kiến thức và phát triển tư duy một cách hoàn toàn chủ động.
2. Dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề
Mỗi bài học trong chương trình STEM đều yêu cầu học sinh tự tìm ra hướng giải quyết. Từ những khối lego nhỏ, trẻ sẽ tự mình suy nghĩ, tìm tòi và lựa chọn hướng giải quyết cho bài tập bằng cách lắp ráp chúng thành những mô hình sống động.
Qua từng bối cảnh khác nhau của từng bài học, trẻ sẽ được đặt vào những tình huống cụ thể để tư duy và tìm ra hướng giải quyết.
3. Rèn luyện sức bền bỉ
Với chương trình STEM, trẻ được tự do phát triển tư duy và kỹ năng, cũng như thể hiện các ý kiến của mình trong một môi trường hoàn toàn cởi mở, sẵn sàng tạo điều kiện cho các bé thử nghiệm, thất bại, rồi tiếp tục thử lại cho đến khi đạt được kết quả như kỳ vọng.
Phương pháp này đề cao giá trị mà “sự thất bại” hay “điều chưa làm được” đem lại cho việc giáo dục học sinh. Qua những lần sai sót, được thầy cô định hướng và tự sửa chữa bài tập của mình, trẻ sẽ rèn luyện được đức tính kiên nhẫn, bền bỉ, không ngại vấp ngã, khó khăn, bởi các con hiểu rằng: “Thất bại là mẹ thành công”.
4. Khuyến khích các cuộc thử nghiệm
Nếu lý thuyết chỉ nằm trên giấy, nếu sự sáng tạo chỉ là những ý tưởng trong đầu mà không có ai dám can đảm thử nghiệm chúng ngoài thực tế, nền khoa học của nhân loại đã không thể có những bước tiến lớn như ngày hôm nay.
Hiểu rõ tinh thần này, chương trình STEM khuyến khích học sinh sử dụng thí nghiệm thực tế để hiểu rõ hơn về những kiến thức đã học, và tự minh chứng cho những ý tưởng, sáng kiến của mình, giúp trẻ tự tin hơn, mạnh dạn “mạo hiểm” hiện thực hóa những ý tưởng của mình, trong một môi trường an toàn, dưới sự quan sát và dẫn dắt của giáo viên.
5. Khuyến khích làm việc nhóm
Mỗi học sinh sẽ có những năng khiếu và thế mạnh riêng ở từng môn học khác nhau. Và với lớp học STEM, các bé sẽ được khuyến khích làm việc nhóm để học cách đoàn kết, cùng nhau phát huy năng lực riêng của bản thân mình để đạt được mục tiêu chung của cả nhóm.
6. Khuyến khích áp dụng kiến thức vào thực tiễn
Với chương trình STEM, trẻ sẽ được tiếp cận với những kiến thức có thể áp dụng ngay vào cuộc sống. Điều này làm tăng hứng thú của các con với việc lên lớp, bởi không còn là những giờ học khô khan với câu hỏi “Không biết học cái này để làm gì?”, với STEM, trẻ biết rằng chúng có thể thực hành ngay những gì mình học được trong đời sống hàng ngày. Điều này giúp trẻ có thêm động lực học tập, phấn đấu, và cũng là những kĩ năng cần thiết cho tương lai của trẻ.
7. Khuyến khích sử dụng công nghệ
Trong thời đại 4.0, chương trình STEM khuyến khích trẻ em tiếp cận và phát huy tối đa công dụng của công nghệ và các phát minh hiện đại.
Là mầm non tương lai của đất nước, trong bối cảnh toàn thế giới đang trong giai đoạn công nghệ hoá, những đứa trẻ được giáo dục trong môi trường STEM sẽ không ngại ngần trước những thiết bị tối tân, các bé sẽ sẵn sàng đón nhận và sử dụng chúng để phục vụ hiệu quả cho cuộc sống của mình và cho xã hội.
8. Khuyến khích sự thích nghi
Trong lớp học theo chương trình STEM, học sinh không bị gò ép tiếp thu kiến thức theo khuôn mẫu của sách vở, các con được gợi mở vấn đề, được thảo luận và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết cho từng trường hợp cụ thể.
Từ đó, trẻ được tăng cường khả năng thích nghi và ứng biến linh hoạt trong cuộc sống, giúp các con vững bước hơn trên con đường tương lai.