11 mẹo chụp ảnh thành phố bình minh Chụp ngoại cảnh

Một trong những loại ảnh chụp phong cảnh và đường phố thú vị là chụp ảnh thành phố vào lúc bình minh. Dưới đây là những bí kíp để chúng ta lấy được khung hình ứng ý.

Nhiếp ảnh gia Anthony Epes vừa có một bài viết chia sẻ trên trang Digital Photography School về 11 bí kíp để chụp ảnh thành phố lúc bình minh rất đáng quan tâm, chúng tôi xin chuyển ngữ để bạn đọc tham khảo.
1. Chụp mặt trời mọc
Hình ảnh mặt trời ló rạng nơi chân trời với những quầng sáng tuyệt đẹp rõ ràng là trọng tâm cho bất cứ bức ảnh nào chụp vào buổi sáng sớm. Nhưng tất nhiên bạn không nên chỉ chụp mỗi hình ảnh mặt trời mọc, có nhiều thứ xung quanh nó mà bạn cần đưa vào ảnh.
Những đám mây: Điều đặc biệt của mỗi buổi sớm mai luôn là những đám mây. Bạn không bao giờ thấy những đám mây giống nhau và điều đó làm cho mỗi buổi bình minh đều khác nhau, bạn có thể trở đi trở lại cùng một địa điểm để chụp ảnh mà không sợ nhàm chán nhờ những đám mây ấy.
Các yếu tố khác: Hãy suy nghĩ về những yếu tố khác mà bạn có thể sử dụng để tạo ra nét riêng cho bức ảnh. Hãy thử "đóng khung" hình ảnh mặt trời mọc và bầu trời, để tạo ra một sự tương phản thú vị như bức ảnh phía trên.
Tiền cảnh: Tìm một chủ đề thú vị cho tiền cảnh và sử dụng hình ảnh mặt trời mọc như một tấm thảm màu.

11 mẹo chụp ảnh thành phố bình minh

2. Sự trống vắng, vắng vẻ
Một thành phố mà thường ngày luôn dày đặc những người đột nhiên như bị bỏ hoang vào sáng sớm sẽ tạo ra một cảm giác rằng bạn đang ở trong một thế giới khác. Bạn sẽ thấy thành phố như nó thật sự là nó, không màu mè xô bồ bát nháo, và nó thay đổi những gì bạn nhìn thấy cũng như những gì bạn chụp.
Cái cảm giác vắng vẻ yên tĩnh này sẽ đặc biệt ấn tượng khi bạn chụp cùng với các chủ thể như: điểm du lịch, đường giao thông, các di tích, đền đài, các quảng trường…

3. Sự thay đổi của ánh sáng
Thời điểm mặt trời mọc có thể là lúc mà bạn thấy những quầng sáng rực rỡ trên bầu trời, tuy nhiên chụp ảnh lúc bình minh sẽ không chỉ có một loại ánh sáng, mà ánh sáng sẽ thay đổi qua nhiều cung bậc khác nhau từ lúc có những tia sáng đầu tiên cho đến khi mặt trời đã lên khỏi đường chân trời. Chỉ có điều là những cung bậc ánh sáng này thay đổi khá nhanh, bạn cần phải "chộp" thật nhanh nếu không muốn bỏ lỡ những nét ánh sáng đẹp.
Anthony Epes chia ra các khung giờ khác nhau, tương ứng với các loại ánh sáng bình minh khác nhau:
- Giờ xanh (Blue hour): là một khoảng thời gian rất ngắn khi bầu trời chuyển từ đêm tối sang bình minh, khi đó bầu trời thay đổi nhanh chóng từ tối thành sáng. Ánh sáng loại này cũng sẽ xảy ra một lần nữa trước khi hoàng hôn, nhưng vào lúc bình minh vẻ đẹp của giờ xanh được tăng cường bởi sự trống vắng và yên tĩnh của thành phố. Khi bạn chụp ảnh trong giờ xanh, cần chuẩn bị kỹ vì ánh sáng thay đổi rất nhanh chóng. Hãy thiết lập sẵn máy ảnh trên chân máy và chuẩn bị sẵn trong đầu cảnh vật bạn định chụp, để khi nó đến và ánh sáng đã thay đổi, bạn sẽ không bỏ lỡ nó. Nếu bạn thực sự muốn chụp một hình ảnh nào đó, hãy kiên nhẫn, và khi giờ xanh đến thì hãy chụp từ từ. Khi chụp từ từ như thế, chính bạn sẽ có thời gian để thư giãn và ngắm nhìn cảnh vật, đồng thời có thể quan sát xung quanh để chụp bức ảnh tiếp theo.

Ánh sáng nhân tạo và tự nhiên: hãy tạo ra sự tương phản giữa ánh sáng nhân tạo và ánh sáng tự nhiên. Sẽ có một khoảng thời gian rất ngắn vào lúc bình minh khi bạn có cả hai, đó là lúc ánh đèn đường chưa tắt và ánh bình minh còn rất dịu nhẹ.
Mặt trời thấp, đổ bóng dài: Lúc bình minh mặt trời đi lên từ dưới đường chân trời và di chuyển từ từ trên bầu trời ở độ cao phụ thuộc vào thời gian trong năm và khu vực địa lý nơi bạn đang đứng (ví dụ ảnh chụp một sớm mùa hè hay mùa thu, chụp ở một thành phố phương Đông hay giữa châu Âu…). Khi mặt trời còn ở dưới thấp thì nó sẽ tạo ra những vệt đổ bóng dài của cảnh vật. Bạn có thể dạo xung quanh và chụp lại những vệt bóng đổ dài trên các đường phố và tòa nhà.

4. Tìm các nguồn sáng khác
Có rất nhiều những thứ như các tòa nhà, đường giao thông, các ô cửa kính và cửa sổ với ánh sáng chiếu lên chúng tạo ra vô số kiểu ánh sáng như phản chiếu, bị uốn cong, bị biến dạng,… Nếu bạn nhìn thấy ánh sáng phản chiếu từ một bức tường, hoặc hắt lên trên một mảnh thủy tinh, hãy tìm kiếm nguồn sáng tạo ra nó. Nguồn sáng gốc có thể thú vị hơn các hiệu ứng ánh sáng được tạo ra.
Sự phản chiếu (Reflections): Là một viên ngọc quý cho việc chụp ảnh và buổi bình minh là một thời gian tuyệt vời vì không có người tụ tập xung quanh gây nhiễu. Bạn hãy tìm những nơi có nước, như những vũng nước nhỏ, kênh rạch, ao hồ… và những tòa nhà kính.

- Hiệu ứng ánh sáng (Light effects): Mặt trời còn ở dưới thấp tạo ra vô số các hiệu ứng khi nó được lọc qua cây lá, các tòa nhà và các kiến trúc thành phố khác. Hãy nhìn người đàn ông đang khóa cửa này, và để ý xem các hình bóng đổ giúp nâng cao tâm trạng và ý nghĩa của bức ảnh như thế nào.


Ánh sáng tương phản: Hãy tìm ra những điểm khác thường. Bạn có thể thấy sự tương phản của những góc cạnh thành phố thô ráp và tan rã dần do ánh sáng của bình minh.

5. Con người – những công việc thú vị mà họ làm lúc bình minh
Hầu hết những người mà ta thấy vào buổi sáng sớm là những người đang bắt đầu một ngày làm việc mới, hoặc họ đã vừa thưởng thức cả đêm ở ngoài đường. Họ sẽ là những đối tượng chụp thú vị.

6. Quay trở lại điểm chụp ưa thích của bạn
Không có hai bình minh giống nhau. Vì vậy, nếu bạn có một địa điểm chụp ưa thích, hãy quay trở lại và chụp ảnh nó vào một ngày khác, trong các mùa khác nhau. Chất lượng của ánh sáng sẽ khác nhau, hoặc có lẽ sẽ có những thay đổi về cảnh quan đô thị (chẳng hạn như bạn sẽ không bao giờ thấy London giống hệt nhau năm này sang năm khác), bạn sẽ nhận thấy sự tương phản. Hãy tạo cho mình một thách thức, hãy tự hỏi: Làm thế nào mình có thể thực hiện cùng một cảnh này với một bức ảnh khác biệt? Mình có thể làm gì khác? Bạn sẽ có những bức ảnh độc đáo hơn mỗi ngày.


7. Khám phá
Hãy rời bỏ những con đường quen thuộc. Ngoài những thắng cảnh nổi tiếng của mỗi thành phố, chắc chắn còn rất nhiều khu vực khác không thường xuyên được chụp ảnh nhưng lại có thể cho bạn những bức ảnh độc, lạ. Mọi thứ dường như một thế giới khác lúc bình minh và rất đáng để khám phá.
8. Nhìn phía sau bạn (và trên, dưới, xung quanh, ở khắp mọi nơi)
Khi bạn đi ra ngoài để chụp ảnh, điều quan trọng là phải thực sự nhìn xung quanh bạn. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế bạn sẽ ngạc nhiên bởi có bao nhiêu thứ chúng ta có thể bỏ lỡ khi vội vã lướt qua trong cuộc sống thường ngày, hoặc bị phân tâm bởi những suy nghĩ, công việc hàng ngày.
Nếu bạn muốn tạo ra những bức ảnh mà mọi người phải trầm trồ, bạn phải chú ý đến những gì xung quanh bạn. Đó là những bức ảnh mà người ta gọi là "nghệ thuật quan sát".
Sự quan sát này sẽ tốt hơn vào buổi bình minh khi mà giác quan của bạn nhạy bén hơn, ít bị làm nhiễu và hơn hết thời điểm đó hầu hết mọi người đều còn đang say ngủ nên bạn sẽ thấy những con đường quen thuộc được khoác lên một ánh sáng mới.
9. Bắt đầu sớm
Hãy xác định vị trí chụp trước khi bạn đến chụp. Bạn có thể đi lang thang để tìm thêm cảnh chụp, nhưng tốt nhất là bạn có một vị trí để chụp ngay từ sớm, để không lãng phí thời gian. Bạn có thể đứng ở vị trí đầu tiên này ít nhất một giờ, đôi khi một giờ rưỡi, trước khi mặt trời mọc. Có một số cơ hội tuyệt vời để chụp ảnh vào giờ xanh.
10. Chuẩn bị bộ kit chụp ảnh
Ánh sáng bình minh thay đổi rất nhanh và bạn cần chuẩn bị kỹ đồ nghề nếu không muốn bỏ lỡ khoảnh khắc đẹp. Bạn cần những thứ sau:
- Một ngọn đuốc nhỏ (đèn pin) để thiết lập máy ảnh của bạn trong bóng tối
- Một túi nhựa cho máy ảnh trong trường hợp trời mưa
- Một mũ rộng vành để đội khi ánh sáng mặt trời rọi vào mắt
- Găng tay (ở một số nơi trời thường lạnh vào lúc bình minh, ngay cả trong mùa hè)
- Một chân máy nhẹ nhưng khỏe (chụp ảnh xong có thể bạn phải vác nó đi lang thang nơi khác)
11. Hiểu rõ máy ảnh của bạn
Bạn cần thuộc lòng các đặc điểm chiếc máy ảnh của bạn, điều này hỗ trợ bạn rất nhiều đặc biệt là khi ở trong bóng tối. 
Những bí kíp kể trên liệu có hữu ích với bạn? Bạn có bí kíp nào khác không? Hãy chia sẻ với các độc giả khác qua phần bình luận bên dưới

Tổng hợp

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755