10 lý do chân máy cần cho ảnh phong cảnh Kiến thức chung

Chân máy luôn là đồ hữu dụng cho những người thích chụp phong cảnh, kể cả với máy ảnh du lịch.

1. Chụp với ống kính lớn. 

Chân máy rất quan trọng với ảnh phong cảnh. Ảnh trên của tác giả Peter Bargh / Ephotozine.

Nếu bạn dự định chụp ảnh với những ống kính zoom dài, để chống rung tốt nhất bạn phải có chân máy hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu vẫn muốn chụp cầm tay, hãy đảm bảo chỉnh tốc độ cửa trập đủ nhanh để không bị rung. Tỷ lệ thông thường chống rung khi chụp tele là tốc độ bằng 1/độ dài tiêu cự. Ví dụ, chụp ở tiêu cự 200mm, tốc độ cửa trập tối thiểu phải khoảng 1/200 giây.

2. Chụp mặt nước mờ.

Nếu dự định chụp mô tả chuyển động của thác nước, dòng sông hay chỉ đơn thuần là mặt hồ gợn sóng, bạn cần phải chuyển về chụp tốc độ chậm. Nhưng nếu cầm tay, tốc độ chậm này cũng sẽ làm mờ luôn cả các chi tiết cần nét trong ảnh do máy bị rung. Để khắc phục, phải cần tới chân máy và lúc này bạn có thể chỉnh tốc độ xuống thấp bao nhiêu cũng được.
Lưu ý, khi đặt trên chân máy, nên dùng điều khiển từ xa chụp ảnh hoặc đặt chế độ chụp tự động, tránh đụng vào máy ảnh khiến cho máy bị rung.

3. Chụp toàn cảnh Panorama.

Nếu muốn chụp ảnh phong cảnh panorama, có chân máy sẽ giúp bạn dễ dàng cố định khuôn hình, từ đó có được khung hình chuẩn hơn và dễ ghép nối hơn (dù hậu kỳ hay trên máy ảnh). Chọn phía khởi đầu là bên trái hay phải tùy bạn, chụp lần lượt cảnh nối tiếp nhau, với khung hình sau đè hơn khung hình trước một chút. Lưu ý không chỉnh nét hay cân bằng trắng trong quá trình chụp. Các tùy chỉnh này nên để ở chỉnh tay và phải được chỉnh trước khi chụp.
Để có khung cảnh panorama đúng nghĩa và chuẩn, có thể bạn còn cần phải đầu tư một đầu gắn máy ảnh chuyên dụng cho chụp panorama.

4. Chụp trời gió. 


Ảnh của tác giả David Clapp / Ephotozine.

Nếu thấy trời bắt đầu nổi gió, cần phải nghĩ ngay đến một chân máy vững chắc đủ để có thể giữ cho máy ảnh không chỉ không rung mà còn vững chãi trước gió, nếu bạn muốn có một bức ảnh chụp lúc trời giông gió này. Nếu cần, bạn có thể treo túi máy ảnh hoặc vật gì đó vào móc của cột trung tâm chân máy để tăng trọng lượng cho chân. Nếu trời gió to, có thể bạn còn phải tỳ người để lấy điểm tựa. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng kèm chân đế kiểu mũi nhọn để tăng cường độ chắc chắn cho máy ảnh.

5. Chụp ánh sáng yếu.


Dù bạn chụp ảnh bình minh, hoàng hôn hay chụp ảnh đêm, để có thể thu được cả bầu trời sao, cũng đòi hỏi phải chụp ở tốc độ đủ chậm, nghĩa là phải dùng đến chân máy nếu không muốn bức ảnh kết quả của mình bị nhòe mờ. Cho dù bạn có thể tăng ISO để tăng tốc độ chụp nhưng không phải máy ảnh nào cũng cho chất lượng tốt khi chụp ảnh ISO cao. Vì thế lựa chọn tối ưu nhất vẫn là sử dụng chân máy.

6. Chụp cao.

Nếu muốn chụp bầu trời với bóng hoàng hôn rực rỡ, hãy điều chỉnh chiều cao chân máy sao cho phần trời nhiều hơn phần đất. Mặc dù bạn có thể cầm tay giơ lên nhưng với tư thế không thoải mái, nguy cơ nhòe mờ vẫn rất cao, vì thế cách an toàn nhất vẫn là nâng hết cỡ chân máy và điều chỉnh.

7. Chụp nhiều kiểu phơi sáng.

Nếu bạn muốn chụp những cảnh mà máy ảnh không thể ghi hết được mọi mức độ phơi sáng, bạn có thể chụp một loạt kiểu độc lập với các mức phơi sáng khác nhau, sau đó có thể kết hợp lại thành một bức duy nhất ở phần xử lý ảnh hậu kỳ để có thể có được những bức ảnh HDR ấn tượng.
Với kiểu ảnh này, chân máy sẽ là thiết bị hữu dụng bởi lẽ chỉ cần bất kỳ thay đổi nhỏ nào cũng sẽ khiến cho các chi tiết của cùng một cảnh không còn khớp nữa. Vì thế sau khi đã chỉnh tay mọi thông số, hãy đảm bảo mọi thứ đều được chắc chắn và cố định trước khi bấm máy.

8. Chụp trên nước.

Ảnh của tác giả Peter Bargh / Ephotozine.

Đôi khi trong những hoàn cảnh phải nhúng chân trong dòng nước chảy xiết, một chân máy chắc chắn sẽ giúp bạn cầm vững máy ảnh hoặc ít ra gạt bỏ mối lo rơi máy xuống nước. Hãy để chân máy thay bạn đứng dưới nước, còn bạn giữ máy trên bờ.

9. Chậm hơn để suy nghĩ.

Đôi khi chính các thao tác như lắp máy vào chân, điều chỉnh, nhìn ngắm khuôn hình mà nhiều người cho là mất thời gian lại là khoảng thời gian mà bạn đang sống chậm lại, giúp bạn suy nghĩ được kín kẽ, kỹ càng hơn trước mỗi khuôn hình sẽ chụp, nhờ đó có thể phát hiện thêm những tình huống, những khung cảnh mà thông thường rất dễ bị bỏ qua nếu như bạn chỉ rút máy lên, bấm vài phát và di chuyển tiếp sang địa điểm mới.

10. Chụp sát đất.


Có loại chân máy rất thấp để chụp những vật sát đất. Ảnh: Ephotozine.

Để tạo sự khác biệt, bạn có thể hạ thấp chân máy xuống sát đất, hướng máy ảnh chú trọng tới tiền cảnh nhiều hơn, nhấn mạnh một số chi tiết cận cảnh mà thông thường nếu cầm máy trên cao chúng ta sẽ dễ dàng bỏ qua.

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755