Vẻ đẹp Việt qua ống kính nhiếp ảnh gia Anh Thông tin tổng hợp

Bộ ảnh là câu chuyện của Ben Mckenchnie, một cây viết kiêm nhiếp ảnh gia Anh, trên chuyến đi từ nam ra bắc để khám phá Hà Giang.

Bảo vệ ga tàu, cha và con ở ga Quảng Ngãi, Việt Nam

Tôi tới Hà Giang bằng tàu, buýt và cả xe gắn máy. Đầu tiên, tôi xuất phát bằng tàu ra Hà Nội để có nhiều cơ hội được tiếp xúc với người dân đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trong hình phải là Sang, 31 tuổi và con trai anh, Đức, 5 tuổi. Họ đi tàu từ Nha Trang về quê ở Đà Nẵng, nơi anh làm đầu bếp. 

 
 

Bà và cháu trên chuyến tàu từ Huế đi Vinh

Để an toàn và thoải mái, bà Anh luôn mua vé ghế mềm khi đi cùng cháu gái mình là bé Thu. Họ đang trên đường tới Vinh để sum họp với bố mẹ bé. Tôi và hai bà cháu ngồi cùng nhau khoảng 6 tiếng trên tàu, suốt thời gian đó, bà Anh liên tục bóc cam mời tôi ăn. 

 
 

Đếm tiền công đức trong đền Bạch Mã, Hà Nội

Dừng chân ở Hà Nội để cảm nhận không khí của thủ đô, tôi ghé Bạch Mã, một trong những ngôi đền cổ nhất Hà Nội. Đây là nơi dành cho những người muốn tới chiêm bái, khói hương. 

Đàn ông và phụ nữ ngồi trong nền ngôi đền Bạch Mã, nói chuyện rôm rả và xếp tiền công đức. Trông những chồng tiền có vẻ nhiều nhưng mệnh giá lớn nhất chỉ là 5.000 đồng.

 
 

Điểm nghỉ chân trên đường đi Đồng Văn, Hà Giang

Điểm đến sau Hà Nội của tôi là thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Chuyến xe kéo dài 7 tiếng từ bến Mỹ Đình tới thành phố Hà Giang. Từ đây, tôi dự tính thuê xe máy hoặc đi buýt đến thị trấn Đồng Văn. Tôi nghĩ mình cũng thật can đảm khi đi chặng đường này vì những khúc cua quanh co ở đây vừa đẹp vừa nguy hiểm.

 
 

Gia đình dân tộc vùng cao ở phía bắc Đồng Văn, Hà Giang

Những thành viên trong một gia đình đang trên đường thu hoạch vụ mùa. Hà Giang là một tỉnh còn nghèo cả về kinh tế và cơ sở hạ tầng. Nhân dân ở đây vẫn phải vất vả trồng lúa, ngô để kiếm sống. Một số nông sản khác của vùng là mận, đào, hồng. 

 
 

Ông và cháu ở Đồng Văn, Hà Giang

Tôi chưa bao giờ làm cho nhiều người lớn nở nụ cười và trẻ em òa khóc như ở Hà Giang. Người dân ở đây hiếm khi được thấy du khách nước ngoài. Du lịch Hà Giang bắt đầu được biết đến vào cuối những năm 2000.  Đến 2015, nơi đây đã đổi khác rất nhiều.

 
 

Những cô bé H Mông nghỉ chân bên đèo Mã Pì Lèng, Hà Giang

Đi bộ trên cung đèo 22 km ở Hà Giang là ước mơ của một nhiếp ảnh gia. Những người tôi đề nghị chụp ảnh đều rất vui vẻ. Điều tôi muốn không chỉ là các bức hình mà là cả sự sẻ chia. 

 
 

Chim mẹ bảo vệ tổ, Mèo Vạc, Hà Giang

Tại Hà Giang có rất nhiều loài động vật hoang dã. Nơi này có tới một nửa số khỉ mũi hếch Tonkin trên thế giới, một loài đang gặp nguy hiểm. Để tăng cường bảo vệ, tháng 8/2015, vườn quốc gia Du Già được thành lập tại Hà Giang. 

 
 

Người phụ nữ trên đèo Mã Pí Lèng, Hà Giang

Phụ nữ vùng cao đảm trách công việc chăn nuôi gia súc, trồng trọt trên các ruộng bậc thang. Du lịch trở thành con dao hai lưỡi, vừa phát triển cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm cho người dân nhưng vừa có thể dẫn tới xói mòn văn hóa và ô nhiễm môi trường. Sa Pa cũng từng là một nơi như Hà Giang, nhưng khi du khách ồ ạt kéo tới đã làm mai một sự đặc sắc của dân tộc. Tuy nhiên, với vườn quốc gia mới, Hà Giang sẽ chọn một con đường khác để phát triển.

 
 

Khung cảnh sáng sớm trên đèo Mã Pì Lèng, Hà Giang

Nơi này đánh thức các giác quan, làm bừng tỉnh con người tôi. Nó khiến tôi muốn giữ bí mật, vừa muốn kể cho mọi người nghe. Tôi hy vọng vườn quốc gia mới sẽ bảo vệ môi trường và văn hóa nơi này khi lượng du khách tới đây ngày càng tăng. Trong đầu tôi luôn vang lên câu nói, càng xa càng lớn dần: "Hãy đưa tôi về lại Hà Giang".

Tổng hợp

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755