Sức ảnh hưởng của thể loại phim ngắn trong điện ảnh Khóa học làm phim

Phim ngắn được coi như những bước đi đầu tiên của mỗi nhà làm phim trước khi có những trải nghiệm thực sự trong ngành công nghiệp điện ảnh với phim dài.

Một phim ngắn là phim không có thời lượng đủ dài để được cân nhắc là phim dài (Feature Film). Hiện chưa có sự thống nhất về ranh giới thời lượng giữa phim ngắn và phim dài. Theo Viện Hàn lâm Điện ảnh và Khoa học Mỹ, Viện phim Mỹ, Viện phim Anh, một phim dài có thời lượng từ 40 phút trở nên. Trong khi đó, Hiệp hội diễn viên Mỹ phân khúc phim dài có thời lượng 80 phút trở lên.

Trước thập niên 1960, ở Mỹ phổ biến thuật ngữ Featurette – chỉ một phim dài nhỏ, từ 20 đến 40 phút. Hiện nay, phim ngắn thường chỉ một tác phẩm dưới 40 phút. Trong phim ngắn, phim rất ngắn (Short Short Film) nhiều khi cũng được xác định thành một loại riêng. Những tác phẩm này thường dưới 3 phút và thường xuất hiện ở các liên hoan phim riêng biệt.

Sức ảnh hưởng của thể loại phim ngắn trong điện ảnh

Bộ phim được đề cử Oscar 2015 – “Whiplash” – là tác phẩm chuyển thể từ phim ngắn cùng tên.

Theo BBC, phim ngắn được làm với ba mục đích chủ yếu; thứ nhất để người mới vào nghề thử sức sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm, làm dày hồ sơ tài năng, nhằm xin tài chính cho các phim tương lai. Mục đích thứ hai của người làm phim ngắn là vì lợi nhuận, để chiếu trên các khung giờ hẹp của sóng truyền hình hoặc trước một phim dài ở màn ảnh rộng.

Mục đích chủ yếu thứ ba của phim ngắn là để thể nghiệm nghệ thuật, tìm tòi cái mới tiên phong trong điện ảnh. Đa phần phim ngắn được các nhà làm phim độc lập thực hiện với kinh phí thấp, được ủng hộ tài chính bởi các quỹ hỗ trợ, các tổ chức phi lợi nhuận hoặc quỹ cá nhân.

Phim ngắn chào đời cùng điện ảnh

Trong cuốn Film history (Lịch sử điện ảnh), hai tác giả David Bordwell và Kristine Thompson viết: “Điện ảnh khai sinh bằng phim ngắn. Trong những ngày đầu, các tác phẩm ngắn hài được sản xuất với lượng lớn song song với các tác phẩm đồ sộ như Birth of Nation của đạo diễn Mỹ D.W. Griffith. Tới năm 1920, một vé xem chương trình tổng hợp luôn bao gồm một phim dài và vài tác phẩm nhỏ khác như phim ngắn hài hoặc phim hoạt hình dài 5 đến 10 phút. Các phim hài ngắn thường được làm thành chuỗi nhưng lại không có lịch ra mắt cố định”.

David Bordwell và Kristine Thompson khẳng định, danh hài Charlie Chaplin, Laurel Hardy, Buster Keaton trưởng thành từ những phim ngắn lên phim dài. Những phim ngắn của Charlie Chaplin có thể coi là tiền thân của phim sitcom (hài tình huống) thông dụng trên truyền hình ngày nay.

Phim ngắn nở rộ trong thập kỷ 1930 bởi ngành phát hành điện ảnh ở nhiều quốc gia gặp Đại khủng hoảng (Great Depression). Thay vì chiếu một chương trình riêng, các hãng phim sẽ làm một gói phim gồm cả dài – ngắn và hoạt hình. Giữa những năm 1950, với sự phát triển của truyền hình, ngành thương mại phim ngắn người thật đóng dần tàn lụi. Phim ngắn từ đó trở thành phương tiện đặc trưng của các sinh viên điện ảnh, hoặc của các nghệ sĩ độc lập hay chuyên biệt.

Cho tới những năm 1960, thị trường phim hoạt hình ngắn đã chuyển hẳn sang phục vụ truyền hình. Một vài phim hoạt hình ngắn ngày nay vẫn được sản xuất bởi các hãng phim lớn.

Sức ảnh hưởng của thể loại phim ngắn trong điện ảnh

“Frozen Forever” là một trong những phim ngắn chiếu màn ảnh rộng của Hollywood

Dữ liệu lưu trữ về phim ngắn trên trang điện tử chính thức của hãng hoạt hình Pixar cho biết, từ năm 1995, hãng này thường chiếu một phim ngắn trước một tác phẩm dài trong mỗi đợt khai mùa. Sau khi Pixar sáp nhập về Disney năm 2005, Disney cũng sản xuất các phim ngắn như How to Hook Up Your Home Theater và một loạt phim ngắn ăn theo The Muppets để chiếu trên YouTube, nhằm quảng bá cho tác phẩm điện ảnh ra mắt năm 2011. Mới đây nhất, bộ phim ngắn Frozen Forever được sản xuất để quảng bá cho phim dài Cinderella, công chiếu tháng 3.

Trong thời đại kỹ thuật số, phim ngắn sinh sôi trở lại bởi phương tiện làm phim rẻ hơn và có nhiều kênh đầu ra cho phim ngắn trên Internet. Hàng loạt liên hoan dành cho phim ngắn cũng khuyến khích nhà làm phim gửi tác phẩm qua YouTube hoặc Vimeo.

Những phim ngắn nổi tiếng thế giới và Việt Nam

Ở Bắc Mỹ, Martin Scorsese giờ đây được đánh giá là một trong những “bố già” của ngành công nghiệp điện ảnh, sau 5 thập kỷ làm phim với những tác phẩm xuất sắc như Raging Bull, Goodfellas, The Departed, Hugo… Hồi còn là sinh viên trường điện ảnh New York thập niên 1960, Martin Scorsese đã làm một loạt tác phẩm ngắn được đón nhận nồng nhiệt.

Tác phẩm ngắn ám ảnh người hâm mộ tới ngày nay của ông là The Big Shave (1967). Chuyện phim 6 phút kể về một người đàn ông đứng trước gương tự cạo tóc, cạo râu, lột da rồi rạch mặt cho đến chảy máu lênh láng. Bộ phim được đánh giá là tiếng nói phản chiến gay gắt với cuộc chiến của người Mỹ tại Việt Nam.

Không trưởng thành từ trường lớp điện ảnh bài bản, nhà làm phim Nuri Bilge Ceylan vẫn trở thành đạo diễn đương đại xuất sắc. Phim Winter Sleep của ông năm 2014 giành giải Cành Cọ Vàng ở Cannes. Thời trai trẻ, ông phát hiện đam mê nhiếp ảnh khi đang phục vụ quân ngũ. Ra khỏi quân ngũ, ông làm tác phẩm ngắn đầu tay - Koza (Cocoon) - và được đề cử Cành Cọ Vàng cho phim ngắn năm 1995. Tác phẩm đen trắng đẹp u hoài kể về cuộc tình của một cặp vợ chồng từ khi trẻ đến lúc già bằng chuỗi hình ám ảnh trong hơn 17 phút.

Sức ảnh hưởng của thể loại phim ngắn trong điện ảnh

Một khung hình giàu tính thơ trong phim “Con chim vành khuyên”.

Ở Việt Nam, một trong số phim ngắn đầu tiên gây chú ý với thế giới là tác phẩm Con chim vành khuyên (1962) của đạo diễn Nguyễn Văn Thông. Bộ phim có Tố Uyên vào vai một cô bé cứu cha khỏi tay giặc. Tác phẩm dài 42 phút này là bài thi tốt nghiệp của NSND Nguyễn Văn Thông sau khi kết thúc khóa học điện ảnh đầu tiên Khoa đạo diễn, Trường Điện ảnh Việt Nam. Những khung hình phổ quát và đắt giá giúp “bài thơ điện ảnh” này được “Giải đặc biệt” của Ban giám khảo Liên hoan phim Quốc tế Carlovy Vary (Tiệp Khắc) năm 1962.

Năm 2000, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (Sống trong sợ hãi, Chơi vơi) cũng tạo đà cho sự nghiệp với bộ phim ngắn Cuốc xe đêm - giành giải Cinefondation Award tại LHP quốc tế Cannes. Năm 2007, bộ phim Sân thượng của đạo diễn Nguyễn Hà Phong (diễn viên Bi, Đừng sợ và Cha và Con và…) cũng giành “Principal” (giải nhì) tại liên hoan Oberhausen. Bộ phim kể về một buổi sáng trên sân thượng giống như trên một hòn đảo của một ông lão đơn thân và người con trai trung niên ngay trước giây phút kịch tính của cuộc đời.

Năm 2008, bộ phim Khi tôi 20 của đạo diễn Phan Đăng Di tham dự LHP Venice. Tác phẩm có nước phim trong sáng kể về những năm tháng tuổi trẻ của một cô gái điếm ngay trước khi kết thúc một mối tình.

Tổng hợp

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755