Quan hệ giữa logo và chiến lược thương hiệu Kiến thức chung
(Thiết kế logo) Không ít người lầm lẫn rằng xây dựng thương hiệu là thiết kế logo. Sự thực có phải như vậy và mối quan hệ giữa hai khái niệm này như thế nào.
Logo là một phần trong chiến lược thương hiệu, logo là biểu tượng giúp khách hàng nhận biết ngay được doanh nghiệp cũng như các sản phẩm mà bạn cung ứng. Logo cần được thiết kế dựa trên chiến lược thương hiệu của doanh nghiệp bạn. Tại sao như vậy? Có thể xem logo như là một quảng cáo “nhỏ” cho chính doanh nghiệp bạn, nếu không có chiến lược thương hiệu ẩn chứa bên trong thì logo của bạn có thể truyền thông điệp sai lệch đến khách hàng và điều này sẽ làm suy giảm hiệu quả của chiến lược thương hiệu. Vì vậy, bạn cần phải giữ thông điệp nhất quán nhằm gia tăng sự nhận biết thương hiệu từ khách hàng.
Cách thức để chuyển tải chiến lược thương hiệu vào logo
Việc xây dựng thương hiệu không chỉ là việc lôi kéo nhận thức và mong muốn của khách hàng về mình, mà nó còn là việc tạo lập một hệ thống bao gồm sự kết hợp giữa sự cam kết và thiết lập hình tượng trong nhận thức khách hàng, cùng với việc chuyển tải và thực hiện sự cam kết đó.
Mục đích của logo là phải thể hiện được giá trị hay mục tiêu của doanh nghiệp, vì vậy các tiêu chí này cần phải xác định thật cụ thể trước khi bắt đầu công việc thiết kế logo.
Phải xác định rõ thông điệp mà thương hiệu cần chuyển tải, qua đó thì việc sáng tạo logo sẽ bám sát các thông điệp này. Bạn phải lưu ý làm sao phải có sự kết nối giữa thương hiệu và logo vì logo chính là một phần trong chiến lược thương hiệu.
Trong thực tế, rất nhiều logo được lấy cảm hứng từ tên viết tắt của ông chủ hoặc từ những vật khá buồn cười như vòm khung cửa tại cửa hàng. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho các nhà thiết kế để truyền tải được giá trị hay thông điệp vào logo. Tuy nhiên hãy vận dụng sức sáng tạo và sự tinh tế của bạn, chỉ cần sự lựa chọn khôn ngoan về màu sắc, sự căn chỉnh về hình dạng và bố cục có thể tạo nên được những biểu trưng rất riêng và ý nghĩa.
Logo cần thể hiện được tính chất chuyên nghiệp cho dù công ty bạn nhỏ đến mức nào.
Nếu bạn phải thiết kế logo trong nội bộ công ty nhằm tiết giảm chi phí thì nên làm một nghiên cứu để lấy ý kiến phản hồi của khách hàng trước khi sử dụng chúng.
Bạn không nên thiết kế logo chạy theo các xu hướng trên thị trường vì các xu hướng thường phù hợp trong một thời gian rất ngắn (ví dụ xu hướng thiết kế logo năm 2011 có thể không phù hợp vào những năm sau đó). Vì vậy, bạn nên bám sát vào bản tóm lược về chiến lược thương hiệu để đưa ra các ý tưởng logo, qua đó logo sẽ phù hợp với doanh nghiệp trong một thời gian dài.
Nếu logo của công ty bạn được thiết kế không được dựa trên chiến lược thương hiệu hay chỉ được sáng tạo một cách “không giới hạn” thì đã đến lúc bạn hãy cân nhắc lại và có thể cần phải tái thiết kế để logo có thể là một công cụ chuyển tải thương hiệu đến với khách hàng.
Bạn có thể tham khảo qua việc thiết kế logo của một số thương hiệu hàng đầu thế giới:
1. Coca-Cola
Coca-Cola là loại nước giải khát có ga hiện diện trên toàn thế giới với công thức pha chế tuyệt mật, cocacola được cho là một loại nước uống không chỉ để giải khát mà còn tạo sự sảng khoái, giúp giải tỏa stress. Công cụ tiếp thị đắc lực trong việc tạo nên thương hiệu nước ngọt dễ nhận biết nhất này chính là sự kết hợp hài hòa giữa 2 gam màu đỏ trắng, chữ viết mềm mại và thiết kế đường vân uyển chuyển trên kiểu chai được mô phỏng theo hạt cocoa. Ông chủ nhà thuốc John Pepmberton là người tạo ra công thức Coca-Cola nhưng chính nhân viên kế toán, Frank Mason Robinson đã khai sinh ra logo ấn tượng này vào năm 1895.
2. Olympics
5 vòng tròn đan vào nhau trên logo Thế Vận Hội tượng trưng cho 5 châu lục trên thế giới được nối kết với nhau trên tinh thần thể thao. Lịch sử của Thế Vận Hội bắt nguồn tận thời Hy Lạp cổ đại, nhưng mãi đến năm 1912, Nam tước Pierre de Coubertin mới tạo nên logo này.
3. Apple
Apple là nhà sản xuất các thiết bị điện tử lừng danh như máy tính Mac, iPod, iPhone và iPad với đặc trưng giá trị là sự tinh giản, hiện đại và thân thiện người dùng. Logo nguyên thủy trong thập niên 70 thể hiện cảnh Iassac Newton ngồi dưới gốc cây và có một quả táo sắp rụng xuống đầu ông. Năm 1976, nhà thiết kế Rob Janoff tạo ra logo hình quả táo 7 sắc cầu vồng và được hãng dùng đến năm 1998.
4. McDonald’s
McDonald’s là chuỗi thức ăn nhanh lớn nhất thế giới với logo chữ M độc đáo. Jim Schindler thiết kế logo này vào năm 1962, lấy cảm hứng từ những khung cửa vàng bên hông nhà hàng đầu tiên được xây. Logo màu vàng ấn tượng này vẫn phù hợp với đặc trưng nhanh, thân thiện và vui vẻ của McDonald's trong suốt hơn 50 năm qua.
5. Microsoft Windows
Microsoft của Bill Gates là tên tuổi thống trị trong thị trường máy tính cá nhân, và bất kỳ người dùng máy tính nào cũng biết đến hệ điều hành Windows cũng như logo 4 màu này. Logo thể hiện tính công nghệ, linh hoạt và khả năng sử lý nhiều chương trình cùng một lúc của Microsoft Window.
6. Nike
Biểu tượng swoosh đặc trưng của Nike thể hiện đôi cánh của một nữ thần Hy Lạp vốn đựơc xem là nguồn cảm hứng cho những người chiến binh quả cảm. Biểu trưng này vẫn hoàn hảo kể cả khi Nike chuyển định hướng từ một hãng giày chạy tốc độ giá rẻ đến một thương hiệu không ngừng đột phá sáng tạo với những sản phẩm luôn được thèm muốn. Carolyn Davidson, một sinh viên thiết kế đồ họa từ Portland State University đã tạo ra logo này năm 1971 khi cô còn là nhân viên thực tập ở hãng.
7. BBC
Logo BBC luôn được cải tiến theo thời đại. Trong thập niên 90, công ty thiết kế của Martin Lambie-Nairn đã biến logo cũ thành hình ảnh chúng ta quen thuộc ngày nay. Thiết kế mới này gợi nhớ đến logo đầu tiên của tập đoàn truyền thông hồi năm 1932 và dùng font chữ dựa trên logo London Underground. Font chữ và bố cục logo tạo cho ta cảm giác chững chạc, đáng tin cậy và đang chuyển động của hãng tin hàng đầu thế giới này.
8. Audi
Những vòng tròn trong logo Audi là biểu tượng tổng hợp của các thương hiệu tạo nên Auto Union năm 1932, bao gồm Audi, DKW, Horch và Wanderer. Logo này khiến người ta nghĩ ngay đến các vòng tròn của Olympics, và chính vì thế, Ủy ban Thế Vận Hội đã từng kiện hãng xe này năm 1995. Logo với màu mạ kẽm sáng bóng rất phù hợp với hãng xe của tầng lớp thượng lưu.
9. Google
Cỗ máy tìm kiếm này nổi tiếng đến nỗi chính cái tên Google đã đi vào từ vựng hàng ngày. Logo của hãng cũng bắt mắt không kém. Từ khi ra đời năm 1999, logo này được chỉnh sửa nhiều lần, và phiên bản hiện tại được nhà thiết kế Ruth Kedar dựa trên font chữ Catull. Trong quá trình tạo ra logo của Google, các nhà thiết kế muốn thể hiện được sự thích thú, sáng tạo mà không bị gò bó bởi những biểu tượng quá cồng kềnh, rối rắm. Ban đầu họ chỉ làm lệch đi một số chữ cái nhưng ý tưởng này đã bị hủy bỏ mà thay vào đó họ tập trung vào chính màu sắc của chúng. Logo hiện tại của họ có màu đỏ, xanh lá và xanh nước biển đều thuộc gam màu cơ bản, nhưng chữ “o” lại thuộc màu vàng thứ cấp. Điều này mang một thông điệp rằng: Google không phải là một công ty thích “chơi đúng luật”.
10. BMW
Hãng Bavarian Motor Works khi mới thành lập chỉ chuyên về thiết kế động cơ máy bay, và logo được phát triển từ hình ảnh chuyển động của cánh quạt máy bay in trên nền trời. Thiết kế này cũng dùng các màu trắng và xanh dương của cờ xứ Bavaria, đảo ngược lại để tạo vòng tròn BMW. Một chiếc xe gắn logo đơn giản và khoẻ này đủ nói lên khá nhiều điều về chủ nhân: đẳng cấp và cá tính.
11. Mercedes-Benz
Gottlieb Daimler đã thiết kế logo Mercedes-Benz, ra mắt lần đầu tiên vào năm 1909. Hình ảnh ngôi sao 3 cạnh thể hiện khát vọng thống trị đất đai, biển cả và không trung của hãng. Vòng nguyệt quế được thêm vào logo năm 1926, khi Benz gia nhập tập đoàn nhưng sau đó đã được bỏ đi. Đơn giản, thanh thoát, mang tính đối xứng cao và rất dễ nhớ, biểu tượng này chỉ dành cho những ai yêu sự sang trọng và khát khao chinh phục.
11. BP
Năm 2000, British Petroleum được đổi tên thành BP và thay biểu tượng mới nhằm làm nổi bật chủ trưng xanh vì môi trường của hãng.
13. IBM
Nhà thế kế Paul Rand đã tạo ra logo 8 vạch của IBM năm 1972. Những vạch ngang đồng bộ vừa tượng trưng cho tốc độ và tính năng động, vừ giúp việc in ấn logo dễ dàng hơn với kỹ thuật sao chụp của thập niên 70.
14. Pepsi
Pepsi Cola xuất hiện từ những năm 1890 và tương tự như đối thủ lâu đời Coca-Cola. Logo thể hiện rõ sự trẻ trung, thể thao và tràn đầy sinh lực với sự cân bằng của lửa và nước. Tôi không biết liệu logo này có phải một ví dụ tốt về thương hiệu cho các bạn không bởi logo mới này là logo thứ 11 của Pepsi trong lịch sử 100 năm của công ty. Đã có 5 logo được giới thiệu trong vòng 21 năm qua, lần cập nhật gần đây nhất là năm 2002. Tony Spaeth, một nhà tư vấn nói: “Nó làm cho tôi lo lắng rằng nó sẽ trở nên kém bền, kém lâu dài và cổ điển. Nó ngẫu nhiên trở thành một chiến dịch về ý tưởng hơn là tạo nên sự bền vững của thương hiệu.” Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận hình ảnh thương hiệu Pepsi đã trở thành một trong những logo được biết đến nhiều nhất với ba màu trắng, đỏ và xanh.
15. Adidas
Khi Adi Dassler tách ra khỏi người anh em của mình, ông tạo ra thương hiệu Adidas và logo với motif 3 vạch được nhận biết trên toàn cầu. Ba đường kẻ sọc nguyên bản của Adidas tạo nên hình tam giác trông như một ngọn núi, tượng trưng cho những thách thức và mục tiêu mà tất cả những vận động viên phải đối mặt và vượt qua. Với thông điệp "không gì là không thể" adidas luôn tạo cho khách hàng sự tin tưởng với phong cách kinh doanh đẹp và những sản phẩm thể thao hàng đầu làm nên thành tích cho các VDV chuyên nghiệp.
Nguồn: Design.vn
Xem thêm:
21 logo có thiết kế thất bại và tệ nhất
truyện ngắn về những logo giống nhau
10 xu hướng thiết kế logo năm 2014
10 logo nổi tiếng và ý nghĩa đằng sau chúng
Logo các hãng xe nổi tiếng và quá trình hình thành
quá trình phác thảo của 11 logo nổi tiếng nhất thế giới
Viết bình luận