Phim ngắn - tài năng hay trào lưu Khóa học làm phim

Gần 5 năm trở lại đây, xuất hiện “phong trào” làm phim ngắn như một trào lưu, mode luôn “nóng” của giới trẻ Việt yêu điện ảnh. Có nhiều dự án phim ngắn chuyên nghiệp dành cho đạo diễn trẻ, sinh viên đến bậc phổ thông trung học; một số kênh truyền hình cũng dành giờ cho phim ngắn… Từ phim ngắn cũng đã xuất hiện một số tài năng cho điện ảnh Việt Nam, nhưng xét cho cùng, nó vẫn chỉ như một sân chơi mang tính phong trào.

Từ năm 2010, như một hoạt động thường niên, các cuộc thi, dự án dành cho phim ngắn: “Chúng ta làm phim”, “Take5 2014”, “10 tháng 10 phim”, “Làm phim 48 giờ”…, riêng cuộc thi làm phim ngắn khoa học viễn tưởng “WD's 48 Hour Film Project Vietnam - Làm phim 48 giờ” chính thức trở lại và khởi động vào cuối tháng 9 này sau hơn một năm tạm nghỉ. Hoạt động được 4 năm, “Tiệc phim ngắn YxineFF”, một Liên hoan Phim ngắn trực tuyến dành cho những người làm phim ngắn gốc Việt toàn cầu thu hút hàng trăm phim tham gia mỗi năm. Gần đây, các đài truyền hình cũng mở rộng cửa ưu ái cho dòng phim này. Đài HTV - Truyền hình TP. Hồ Chí Minh có “Góc phim ngắn”, Yan TV có “Giờ phim ngắn”. Chuyên mục “Phim trẻ” của VTV6 khởi xướng năm 2013 nhằm quảng bá những bộ phim ngắn ấn tượng của các tác giả không chuyên cũng nhận được sự ủng hộ của công chúng…

Một cảnh trong phim Người đàn ông trong bể cá

Phim ngắn - đường đi đến thành công ngắn nhất

Thật sự phim ngắn đối với các sinh viên ở các trường Sân khấu điện ảnh không phải là mới mẻ, vì nó đã như một dạng bài tập trong năm học, hay bài thi tốt nghiệp. Cũng đã có một số sinh viên giỏi xem phim ngắn như một bước đệm vào nghề với những bộ phim điện ảnh dài hơi có tính chất chuyên nghiệp cao hơn và gặt hái thành công. Đa số các nhà làm phim, đạo diễn nổi tiếng hiện nay từng lấy phim ngắn làm bàn đạp để nhảy sang địa hạt của phim dài, ghi dấu tên tuổi, trở thành những đạo diễn khá đình đám sau này như: Victor Vũ được giới truyền thông phong danh xưng “ông vua phòng vé” tại Việt Nam hiện tại cũng đã bước từ hành trình của phim ngắn sang phim dài; đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, năm 1999 tốt nghiệp trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP.HCM với số điểm thủ khoa nhờ bộ phim “Vợ chồng chuột”; đạo diễn Bùi Thạc Chuyên với “Cuốc xe đêm”- Course de nuit, đã đoạt giải Ba ở hạng mục Phim ngắn Cinefondation tại Liên hoan phim (LHP) Cannes năm 2001; đạo diễn Phan Đăng Di với “Sen” (26 phút), đoạt giải Khuyến khích tại Liên hoan phim ngắn toàn quốc 2005 và được giới thiệu tại LHP ngắn nổi tiếng trên thế giới Clermont Ferrand - Pháp 2006, và phim “Khi ta 20” vượt qua 1.400 phim khác, cùng với 18 phim được chọn vào vòng thi khu vực phim ngắn tại LHP quốc tế Venice năm 2008…

Tham dự ở “Góc phim ngắn”- Short Film Conner của LHP Cannes 2011, phim “A good day to die” của nhóm Young Media, (Phim thuộc dự án 48 Go Green được xem là “phiên bản xanh” bảo vệ môi trường của dự án Điện ảnh 48HF - The 48 Hour Film Project); Ở LHP Cannes 2012, có 2 phim ngắn ở Việt Nam được chọn tham dự: phim “Hai, tư, sáu” của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp và “Canh ba ba” của đạo diễn Tsering Tashi Gyalthang cùng nhóm Yeti - Nhóm làm phim độc lập tại TP. HCM với đa số thành viên là người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam (đây là phim hay nhất của dự án Điện ảnh 48 HF năm 2011); Ở LHP Cannes 2013 là phim “16:30” của đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy; LHP Cannes 2014, Việt Nam được chọn “Tôi 30” của đạo diễn nữ rất trẻ Hoàng Trần Minh Đức.

Không chỉ với đạo diễn Việt Nam mà các đạo diễn trẻ của nước ngoài cũng đều xem phim ngắn như là con đường phải đi trước khi đến với phim dài. Đó cũng là con đường “ngắn” nhất để tạo nên tên tuổi, bởi vì phim có thể được chọn tham dự các LHP uy tín và danh giá như Cannes - Pháp, Venice - Ý, Sundance - Mỹ. Dù không đoạt giải thưởng, chỉ là hoạt động bên lề hay hoạt động phụ…, điều có lợi không cụ thể bằng vật chất song giá trị mang tới thì rất khó định lượng. Ngoài sự khẳng định “nghề” có sự vượt trội so với các đồng nghiệp khác, thậm chí có thể được xem như là “tài năng” của quốc gia mình, thì phim còn được nhiều người xem và quan tâm, thậm chí có thể bán tại hội chợ của LHP nữa. Chưa kể có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhà sản xuất phim danh tiếng, học hỏi kinh nghiệm trao đổi kiến thức nghề nghiệp. Từ LHP có thể tìm được các thông tin đầu tư và các dự án phim tiếp theo, nếu may mắn gặp được các nhà sản xuất, hoặc các quỹ dự án cho các phim phù hợp…, thì đường đi đến thành công sẽ rất ngắn.

Tại sao là phim ngắn?

Phim ngắn là một thể nghiệm để người trẻ có thể thỏa sức với niềm đam mê điện ảnh, kinh phí không quá lớn, phương tiện và thiết bị làm phim có thể tối giản, chỉ cần một chiếc máy ảnh có chức năng quay phim, kèm với một số phần mềm chuyên dụng hỗ trợ rất phổ biến trên Internet.., là có thể cho ra đời một bộ phim có thời lượng từ 3 - 30 phút. Chừng đó thời gian người làm phim đã có thể kể câu chuyện của mình, gửi gắm thông điệp đến khán giả theo nhiều thể loại khác nhau từ tình cảm, hành động, kinh dị, viễn tưởng, hài, tài liệu… Vì thế, “phong trào” làm phim ngắn trong giới trẻ phát triển rầm rộ trong thời gian gần đây là điều dễ hiểu.

Không khó để nhận thấy các đề tài nóng như tình bạn, tình yêu, tình dục… đều được khai thác, chuyển tải thông điệp khá sâu sắc, đánh đúng tâm lý giới trẻ. Những người trẻ có đam mê với điện ảnh, muốn tham gia sản xuất một bộ phim khi kinh nghiệm chưa tích lũy được nhiều thì không có gì tốt hơn là viết kịch bản và cho ra đời những bộ phim ngắn. Khác với những bộ phim điện ảnh, nhà sản xuất và người làm phim phải cân nhắc kỹ từng khâu: kịch bản có hấp dẫn, thể loại ăn khách, nội dung phù hợp, diễn viên diễn xuất, làm xong có được công chiếu, doanh thu phim ra sao…, thì phim ngắn lại khác. Chỉ cần tác giả thấy ưng ý với kịch bản và có điều kiện tài chính vừa đủ thì lập tức có thể bắt tay vào sản xuất phim, không cần phải suy nghĩ đắn đo, thích là làm. Nếu có chút đầu tư về kịch bản, chăm chút diễn xuất kết hợp với thời lượng vừa đủ, thêm thời điểm ra mắt thích hợp thì các phim ngắn dễ dàng kích thích cộng đồng mạng chia sẻ như “virus” và tạo “sốt”.

Chỉ là cuộc chơi thú vị

Khi phim ngắn đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới, được xem như một dòng phim mang tính chuyên nghiệp rất cao thì ở Việt Nam chỉ mới thịnh hành gần 5 năm trở lại đây như một trào lưu mang tính tự phát, nghiệp dư và là style “chơi” của giới trẻ nhiều hơn là tính chuyên nghiệp qua các dự án phim ngắn (mà phần lớn cũng do từ nước ngoài đưa vào). So với thế giới, thì phim ngắn của Việt Nam yếu cả về lượng lẫn chất. Phần lớn các phim chưa được đầu tư bài bản, thiếu chuyên nghiệp, tức là làm phim chỉ để trình chiếu trên Youtube với mục tiêu thu hút lượt xem, câu view.

Đối tượng hướng đến của phim ngắn Việt Nam là giới trẻ yêu thích điện ảnh nhưng ít điều kiện để thực hiện đam mê, phim ngắn Việt chủ yếu là những thể nghiệm mới mẻ của những đạo diễn trẻ, những người mới vào nghề, những người thích nhưng chưa được học bài bản nên phần lớn còn non tay nghề, kinh nghiệm, thiếu trang thiết bị… Các bạn trẻ đều “học mót”, họ thiếu nền tảng, và quan trọng là không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước hay những hãng phim. Từ đó có quan niệm sai lầm rằng phim ngắn là thể loại dễ làm, thu hút đa phần đối tượng nghiệp dư, khiến số lượng phim tăng lên chóng mặt nhưng chất lượng lại rất ít. Kịch bản sơ sài, thiết bị tối giản, diễn viên không chọn lọc, có gì chọn đó; các vấn đề kỹ thuật như âm thanh (chủ yếu lồng ghép từ các bài hát có sẵn, hay kỹ xảo là các phần mềm có trên internet)… khiến cho phim ngắn phần nhiều chỉ là video clip chứ chưa phải là một phim hoàn chỉnh. Ở một chừng mực nhất định thì phim ngắn Việt hiện tại vẫn chỉ là một cuộc chơi thú vị, một xu hướng thời thượng của giới trẻ. Tuy đã có một số thành công nhỏ, một số tên tuổi thành đạt, nhưng so với số phim hàng năm làm ra (hiện tại là trên 200 phim) cho các dự án, thì nhân tài điện ảnh trẻ vẫn là những ẩn số ở góc khuất nào đó chưa xuất hiện.

Đầu tư cho phim ngắn Việt, tại sao không?

Không nên xem phim ngắn là “nháp” của phim dài. Có thể nó là bước đệm, thử thách đầu tiên cho các đạo diễn để vào nghề, nhưng nó là một thể loại phim riêng biệt, tách lập hoàn toàn với phim dài và đang có xu hướng phát triển mạnh trong điện ảnh đương đại. Đây là một thể loại có những đòi hỏi riêng như: kịch bản hay, góc nhìn sáng tạo, yêu cầu khó khi truyền đạt được thông điệp, nội dung tư tưởng qua ngôn ngữ điện ảnh chắt lọc trong khoảng thời gian ngắn (giới hạn tối đa của phim ngắn là 45 phút). So với phim dài, phim ngắn tự do ở phong cách thể hiện, không bị bó buộc vào mạch truyện cố định. Thậm chí, do thời lượng ngắn nên nó có thể giản lược nhiều chi tiết để tạo độ nén, cô đọng cho phim và mở rộng biên độ tưởng tượng, suy đoán cho khán giả. Bên cạnh đó, rất nhiều đề tài khó (như khoa học viễn tưởng, môi trường, bạo lực, quan hệ đồng tính…) mà chỉ phim ngắn mới làm được, bởi không một nhà sản xuất nào muốn mạo hiểm lựa chọn đề tài ấy đầu tư cho phim dài (vì khó làm, không hút khách hoặc bị kiểm duyệt).

Hiện phim ngắn đều có hạng mục tại tất cả các LHP danh tiếng nhất thế giới như Cannes, Venice, Toronto, Berlin…, và có hẳn một LHP danh giá cho phim độc lập mà chủ yếu là phim ngắn Sundance - Mỹ . Ở Việt Nam, giải "Cánh diều vàng" - Hội Điện ảnh Việt Nam cũng có hạng mục dành cho phim ngắn.

Cho dù tự phát và là cuộc chơi thỏa mãn đam mê, sở thích, những người trẻ tham gia vào sản xuất phim ngắn ngày một nhiều hơn, với sự đa dạng về thể loại cũng như đề tài, nội dung, đó là một tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt Nam. Tại sao không xem phim ngắn là một hạng mục cần được đầu tư cả về phía Nhà nước và ở các Hãng sản xuất phim, xem như một sản phẩm “ngắn” có sức hút để “nuôi” dài? Trong tương lai chính đội ngũ người trẻ làm phim này có thể sẽ định hình lại và làm cho nền điện ảnh trong nước có những bước phát triển theo đúng slogan của Điện ảnh Việt Nam: “Hội nhập và phát triển”.

Tổng hợp

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755