Phim một tập VTV: Dễ xem nhưng khó làm! Khóa học làm phim

Khi mùa phim ngắn tập thứ nhất vào năm 2013 của VTV với 15 đầu phim đi qua và không để lại nhiều dư âm, thì tháng 8/2014 VTV lại khởi động mùa thứ hai dòng phim này với gần 30 đầu phim…

Khi mùa phim ngắn tập thứ nhất vào năm 2013 của VTV với 15 đầu phim đi qua và không để lại nhiều dư âm, thì tháng 8/2014 VTV lại khởi động mùa thứ hai dòng phim này với gần 30 đầu phim… Nhưng đến tháng 2/2015, số phim thực sự hay, gây dấu ấn cho khán giả là rất ít. 

Nhiều nhưng đã tinh?

So với mùa thứ nhất thì mùa thứ hai có vẻ rộn ràng hơn với gần 30 đầu phim, gấp đôi mùa đầu, và chủ đề cũng phong phú hơn, gắn với những đề tài có tính thời sự xã hội, nhiều hấp dẫn như: Tâm lý hình sự + hành động như “Cây búa màu ánh bạc”, “Lối thoát”, “Bàn tay đen”, “Biệt thự mờ sương”…; Những vấn đề về tâm lý phụ nữ, giới showbiz Việt hay nạn buôn bán phụ nữ - “Bến mãi đợi đò”, “Eva khờ dại”, “Khi vợ là hoa hậu”, “Điều cuối cùng còn lại”, “Tìm lại ngày đã mất”. “Ảo thuật”, “Nụ cười của nắng”, “Công chúa nhỏ” “Hạt mưa sa”…; Biển, đảo với tâm tư tình cảm của những người lính biển - “Đảo Ngọt”; Hậu chiến - “Nỗi đau giấu kín”; Những người khuyết tật - “Đường tới đích”, “Con cu ly bé nhỏ”… quy tụ hơn 20 gương mặt đạo diễn già - trẻ, Nam - Bắc như: Trần Chí Thành, Nguyễn Văn Đức, Đinh Thái Thụy, Đỗ Đức Thịnh, Trần Cảnh Đôn, Đặng Lưu Việt Bảo, Mai Hồng Phong, Đặng Khoa... Cùng các diễn viên hai miền Nam - Bắc sánh vai, có “gạo cội”, có “sao”, có cả trẻ mới nổi như: Thương Tín, Kim Xuân, Thanh Thúy, Đinh Y Nhung, Quách Ngọc Ngoan, Trương Minh Quốc Thái, Phan Hòa, Hà Min, Yu Dương, Gin Nguyễn…

Phim "Cây búa màu ánh bạc" - phim một tập VTVV.

Phải nói là rất hùng hậu và nếu như cứ nhìn vào thì sẽ nghĩ rằng có rất nhiều tác phẩm chất lượng, chẳng thua gì phim điện ảnh (cũng cùng thời lượng 90 phút).

Nhưng thực tế, phim 1 tập dễ xem với khán giả nhưng khó làm với nghệ sĩ. Đề tài xem ra rất “nóng”, khá thời sự, nhanh nhạy với những vấn đề cuộc sống mà phần đông mọi người đang quan tâm, nhưng cách khai thác đề tài nhìn chung khá chơi vơi, câu chuyện đặt ra chưa mang tính điển hình, khái quát, y như chuyện “trong nhà, ngoài phố” được nâng cấp lên. Đạo diễn xử lý các tình huống nhiều khi “vội”, bỏ qua nhiều nguyên tắc chuyên môn mang tính nghề nghiệp (điều tra án, luật pháp…), nhất là với những phim có yếu tố hình sự. Hay diễn viên diễn xuất trong nhiều phim mà cảm xúc không “diễn” được đến nơi đến chốn, vì bản thân nghệ sĩ không có sự đồng cảm với nhân vật thì mong gì chuyển tải được cảm xúc đến người xem. Nhiều diễn viên vẫn diễn như đóng kịch, hoặc rơi vào tự nhiên chủ nghĩa.

Một số khán giả khó tính nhìn ra gần như phim nào cũng có “sạn”, những lỗi cơ bản từ trang phục đến ngôn ngữ, lỗi do lồng tiếng, lỗi bối cảnh…. Không biết có phải vì là phim truyền hình, kinh phí thấp, lại phải đảm bảo tiến độ nhanh kịp hoàn thành phim nên sự chăm sóc từng khuôn hình, từng phân cảnh chưa được kỹ lưỡng, chỉn chu.

Cơ hội của người trẻ

Việc đưa vào đội ngũ sản xuất phim ở cả 2 miền Nam - Bắc thật sự là một cơ hội để tạo ra sự cạnh tranh, ganh đua nghề nghiệp, để có thể có tác phẩm chất lượng nhất, nhưng xem ra việc cạnh tranh nghề nghiệp chưa thể hiện rõ, mà chỉ là xem ai “chiến” nhanh, “rút” gọn, thời gian làm phim ngắn, cố gắng “sạch nước cản” với kinh phí ít và lên sóng sớm. Trong số gần 30 đầu phim đã phát sóng, để kể ra những phim nào thực sự hay, gây dấu ấn mạnh mẽ cho khán giả thì rất khó.

Có lẽ một phần vì các đạo diễn quen làm phim nhiều tập, nay làm phim một tập bị khớp, phải cần khá nhiều thời gian “khởi động” lại. Phần nữa vì nhiều đạo diễn vẫn chọn giải pháp an toàn vì phát trên VTV1 nên ít có sự sáng tạo đột biến, đi tới tận cùng. Sự an toàn đó thể hiện ngay trong việc chọn diễn viên, cố gắng chọn diễn viên quen mặt, có tên và “đóng khung” diễn viên vào một số vai quen thuộc.

Trong số hơn 20 đạo diễn làm series phim ngắn tập mùa thứ hai của VTV có nhiều gương mặt trẻ lần đầu thử nghiệm với làm phim, và lấy phim truyền hình ngắn tập như mở đầu cho việc bước chân vào nghề. Có thể xem họ như nhân tố mới thể hiện điểm mạnh của mình hay thể nghiệm những tìm tòi sáng tạo mới trong cách làm phim truyền hình, và xem phim truyền hình ngắn tập như một bước đệm để làm phim điện ảnh trong tương lai... Nhưng hầu hết mọi thứ vẫn chỉ dừng ở thử nghiệm, như bộ phim “Cây búa màu ánh bạc” của đạo diễn Đỗ Đức Thịnh …

Hy vọng mùa thứ 3 phim ngắn tập của VTV sẽ tốt hơn cả chất và lượng, có thể xem như những tác phẩm điện ảnh thật sự để có thể mang ra rạp - như ý định của những người làm phim ngắn tập đang mơ. Những phim tạo hiệu ứng xã hội thực sự để công chúng nhớ, nhắc đến, xôn xao bàn tán… và thu hút truyền thông.

Tổng hợp

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755