Khi đang thực hiện dự án ảnh về những người vô gia cư trên đường phố Honolulu (Hawaii), Diana Kim bất ngờ phát hiện cha đẻ của cô chính là 1 trong số những nhân vật mà cô đang chụp hình.
Diana Kim (30 tuổi) là 1 nhiếp ảnh gia đến từ Hawaii, Mỹ. Kim cho biết được sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha là nhiếp ảnh gia, chính vì vậy, cô cũng nuôi ước mơ được làm công việc giống cha mình.
"Tôi lớn lên trên hòn đảo Maui, bởi vậy, tôi luôn coi những hòn đảo là ngôi nhà của mình. Trước đây, cha tôi cũng từng có 1 studio chụp ảnh. Ông chính là người đã truyền cho tôi những kỹ thuật cơ bản và đam mê với nhiếp ảnh", Kim chia sẻ.
Diana Kim cùng cha, năm 1988.
Thế nhưng, thời gian trôi qua, cha mẹ Kim không còn giữ được tình yêu mặn nồng thời tuổi trẻ bởi vậy, 2 người chia tay nhau. Không còn mái ấm gia đình, Kim phải sống nhờ nhà cô dì chú bác. Thậm chí, cô gái trẻ còn phải sống ngoài công viên, trong những chiếc ô tô hay ở cùng bạn bè trong những ngôi nhà đi thuê suốt nhiều năm liền.
"Bản năng tồn tại của tôi cực kỳ mạnh mẽ", Kim nhớ lại. Vào năm 2003, khi đã trở thành sinh viên, Kim bắt đầu phải thực hiện bộ ảnh về những con người vô gia cư xung quanh mình.
Nhiều năm sau đó, bà nội của Kim mới gọi điện cho cô để thông báo rằng bệnh thần kinh của cha cô ngày một trầm trọng. Đặc biệt, địa chỉ nơi ở hiện tại của con trai bà cũng không hề hay biết.
Vào năm 2012, khi đang thực hiện dự án ảnh về những người vô gia cư trên đường phố Honolulu, Kim bất ngờ phát hiện cha chính là 1 trong số những nhân vật mà cô đang chụp hình.
Và kể từ đó về sau, Kim đã tìm đủ mọi cách để chăm sóc và bù đắp cho cha của mình - người mà cô từng nghĩ đã mất đi mãi mãi.
Hãy cùng nhìn lại những bức ảnh về người cha qua ống kính của nhiếp ảnh gia Kim:
Vào lần đầu tiên được gặp lại cha trên đường phố, Kim nhận ra cha đã gầy rộc người và ông không hề nhận ra cô. Cô tâm sự đó là khoảnh khắc thực sự "đau đớn".
"Một người phụ nữ đã tới và bảo tôi rằng "đừng quan tâm" vì ngày nào ông ấy chẳng đứng đó cả ngày. Khi đó, tôi muốn mắng vào mặt người phụ nữ kia vì sự ích kỷ và tàn nhẫn của cô ta. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng sự tức giận cũng không thể thay đổi được gì bởi vậy, tôi đã quay lại và nói "Tôi phải cố gắng"."
"Việc chụp ảnh về chính người cha của mình khiến tôi đau đớn. Nhiều ngày, tôi chỉ đứng đó và liếc nhìn bởi tôi không dám đối diện với bản thân và cha khi nhìn thấy ông trong tình cảnh đó. Người cha ruột thịt đứng đó mà sao vẫn xa lạ với tôi... Những bức ảnh được chụp một cách vô thức..."
"Có những tối tôi không nhìn thấy ông. Vài ngày sau đó, tôi hy vọng rằng cha sẽ vẫn đứng ở góc phố đó. Nhưng không, chẳng có ai ở đó cả. Tôi không thể nhớ được số lần mà mình ngồi cạnh cha trên đường phố, băn khoăn về tương lai mà cha sẽ phải trải qua. Tôi thường chỉ ngồi đó và cầu nguyện trong im lặng, chỉ mong muốn 1 điều kỳ diệu rằng cha có thể chấp nhận sự có mặt của tôi."
"Cha tôi bị đau tim và ai đó đã gọi điện báo cảnh sát. Ông được đưa vào bệnh viện để điều trị. Tại đây, tinh thần của ông có vẻ ổn định hơn. Cơn đau tim thực ra lại cứu sống ông bởi nó giúp ông quay lại vòng điều trị khoa học."
"Mỗi ngày là một món quà. Có những ngày phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trước đó, thế nhưng, được nhìn thấy cha bằng da bằng thịt luôn giúp tôi nhận ra rằng cuộc sống quý giá biết bao. Tôi không được lớn lên bên cha, và có những việc cha đã làm tôi tổn thương, thế nhưng, tôi chọn cách tha thứ cho ông để có thể cùng cha bước tiếp".
"Hiện giờ, tình hình sức khỏe của cha tôi đã khá ổn. Ông luôn tự hào vì những gì mình đã vượt qua. Ông đã bắt đầu có mục tiêu, có hy vọng và quyết tâm để thực hiện ước mơ còn dang dở. Mối quan hệ của chúng tôi cũng rất tốt đẹp. Chúng tôi cùng nhau làm những việc mà trước đây chưa từng được làm..."
"Nhiếp ảnh không chỉ là tạo ra những bức ảnh. Đó còn là cửa sổ giúp tôi được trải nghiệm cuộc sống và chia sẻ những mối quan hệ với mọi người. Ngay cả trước khi phát hiện cha là người vô gia cư, tôi đã mong muốn được chụp lại những mảnh đời, số phận kém may mắn trên đường phố để phần nào giúp họ có những tương lai tươi sáng hơn".
Tổng hợp
Viết bình luận