Những bức ảnh chụp Sài Gòn xưa rợp bóng cây xanh Thông tin tổng hợp
Hàng me cổ thụ xanh rì, cây gòn trăm tuổi như ông lão áo mão tôn nghiêm, hàng xà cừ đại thụ... mang đến không gian trong lành cho đường phố ngày trước.
Trong bộ sách "150 năm hình bóng Sài Gòn" (1863-2013), nhiếp ảnh gia Tam Thái dành chương 23 để nói về "Cây xanh đường phố Sài Gòn xưa".
Chỉ một thời gian ngắn sau khi chiếm Sài Gòn, người Pháp đã nghiên cứu xong các loại cây nhiệt đới, quy hoạch từng loại cây theo đường phố. Trong ảnh là tác phẩm được người Âu chụp cách đây 120 năm (1895). Chỉ 35 năm sau khi họ có mặt ở Sài Gòn thì cây xanh trên hầu hết các đường phố đã được định hình một cách khoa học và bài bản. Vào thời này, nhà phố theo kiểu nhà vườn, biệt thự, có tường rào xây, cửa sắt.
Bức ảnh "Thu về", được chụp năm 1901. Mọi người đang dạo chơi trên một nẻo phố của Sài Gòn. Vào thời này, Sài Gòn chưa có sự hiện diện của xe hơi. Đường nơi đây cán đá nhưng chưa tráng nhựa. Cây xanh đã cao to, giúp Sài Gòn mang dáng vẻ của một phố - quê lãng mạn.
Bức ảnh "La Route de Saigon" được chụp đầu thế kỷ 20. Đường từ Chợ Lớn dẫn ra Bến Nghé, nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5. Vào năm 1901, đây là một con đường đất nằm giữa hai hàng cây xanh mát, làng mạc xanh tươi.
Cây xanh trên đường Paul Blanchy, được chụp vào năm 1906. Lúc này, đường đã có lề nhưng mặt đường còn cán đá. Xe đạp, xe hơi đã xuất hiện nhưng còn hiếm. Cả Sài Gòn lúc này chưa tới 20 chiếc xe hơi. Phương tiện đi lại của mọi người chủ yếu là cuốc bộ, xe ngựa và tàu điện (tramway).
Hàng cây me ở đường Rue de Lagrandière chạy ngang qua Dinh Thống đốc Nam Kỳ vào năm 1907. Đây là con đường được hủy tên Pháp sớm nhất để đặt lại tên Việt. Năm 1945 đường được đổi tên thành đường Gia Định và sau năm 1975 là đường Lý Tự Trọng. Nhiều cây me trong số này đến nay vẫn còn. Mặt tiền ngay giữa tòa kiến trúc trong ảnh nay có thay đổi với ban công được thêm vào, nhưng hai bức tượng không còn. Nhất là mái ngói của tòa nhà phần lớn vẫn còn được giữ nguyên thủy.
Quảng trường trước Nhà hát thành phố nhìn ra đại lộ cây xanh Bonnard (ngày nay là đường Lê Lợi, quận 1). Hàng cây cổ thụ bên phải, nằm trước hành lang Eden. Eden nay đã trở thành tòa Vincom B và hàng cây xanh đã bị chặt bỏ.
Công viên Gia Định vào đầu thế kỷ 20. Trong bức ảnh này, ở giữa công viên có một ngôi mộ cổ, hình như là mộ của ông Trần (Nguyễn) Văn Học? Ông là một nhà kỹ thuật tài ba thời Nguyễn. Trong khi xây dựng thành phố, người Pháp vẫn có ý giữ lại những di tích trăm năm. Chính vì thế mà ngay nay, trong công viên Tao Đàn chẳng hạn, vẫn còn ngôi mộ cổ trên 200 năm.
Hàng cây phượng vỹ rậm rì trên đường đến cầu Bình Lợi vào đầu thế kỷ 20. Đây cũng là đường Thiên lý Bắc Nam trước thập niên 1950.
Kênh Bonnard. Đây còn được gọi là Kênh Bãi Sậy hay Kênh Hàng Bàng vì trên bờ kênh trồng hai hàng cây bàng. Ngày xưa, con kênh này rất quan trọng ở vùng Chợ Lớn vì ghe thuyền theo kênh để ra vào chợ Bình Tây. Ngày nay, kênh đã bị nhà cửa, đường sá xây lấp.
Hàng me trăm tuổi trên đường Nguyễn Du. Phần lớn trong số này nay đã bị đốn hạ. Ảnh Tam Thái chụp năm 2005.
Cây cao bóng cả trên ngả đường An Dương Vương, quận 10. Ảnh Tam Thái chụp năm 2005.
Một trong số 100 cây xà cừ cổ thụ ở đường Tôn Đức Thắng. Chưa rõ số phận của các cây xà cừ này ra sao khi khu vực này sẽ được xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 và tàu điện ngầm Metro. Ảnh Tam Thái chụp năm 2013.
Một "Cụ Gòn" đại lão. Cây đứng như một ông cụ áo mão đôi trăm năm, bên cạnh Rạch Tàu Hủ. Nay cây không còn nữa vì khu vực bến Hàm Tử nay được sửa thành ra đại lộ. Ảnh Tam Thái chụp năm 1995.
Đại thụ sau chùa Hanh Phú ở quận 12. Vào năm 2012, cây đã không còn nữa. Lý do cây bị đốn hạ là để mở đường dự án ven sông. Ảnh Tam Thái chụp năm 2000.
Tổng hợp
Viết bình luận