Nhiếp ảnh từ phim tới số Thiết bị và máy móc
Sự tiến bộ của công nghệ số đã thay đổi cách thức nhiếp ảnh gia lựa chọn thiết bị tác nghiệp của mình.
10 năm trước, vụ tấn công 11/9 đã để lại không ít những bức ảnh ấn tượng. Một trong số đó là bức ảnh về những chiếc máy ảnh cũ nát và cháy sém được bới lên từ đống tro tàn của tòa tháp đôi tại New York. Đó là chiếc DSLR Canon EOS D30 của nhiếp ảnh gia Bill Biggert sử dụng để ghi lại những cảnh tượng kinh hoàng trước khi chính anh và máy bị tòa tháp thứ hai đổ sụp xuống đầu. Trong hành trang còn sót lại của Biggert còn có một cặp máy phim EOS-1, nhưng những giây cuối cùng của cuộc đời, anh đã lựa chọn bấm bằng máy số. Khi anh được tìm thấy cùng đống đồ nghề, toàn bộ các cuộn phim đã bị phá hủy hoàn toàn, nhưng 150 bức ảnh trong thẻ CF của chiếc D30 vẫn còn nguyên. Và chính những bức ảnh này góp phần tái hiện lại buổi sáng định mệnh đó. Đồ đạc còn lại của Biggert là một phản ánh trung thực giai đoạn quá độ của giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp 10 năm trước đây. Theo đó, ngoài các máy phim chuyên nghiệp như EOS-1, vốn vẫn là thiết bị được ưa chuộng, các nhiếp ảnh gia bắt đầu bổ sung thêm hành trang của mình những phiên bản DSLR trung cấp, dù rằng các máy DSLR thời đó chỉ mới dừng ở tiềm năng do vẫn còn quá nhiều bất cập như chất lượng ảnh kém, tốc độ hoạt động chậm chạp, bộ nhớ đệm nhanh đầy, thời lượng pin ít ỏi… Những tính năng này khi đó là tối kỵ cho một tay chuyên nghiệp mà ở thời đó chỉ có máy phim mới có thể khắc phục được các nhược điểm này.
Nhưng chỉ trong vòng 10 năm đã chứng kiến những sự tiến bộ vượt bậc của các thế hệ DSLR khi các máy này đang dần trở thành sự lựa chọn cho các nhiếp ảnh gia. Thời điểm những năm 2001, mục tiêu duy nhất đặt ra cho công nghệ ảnh số là làm sao đuổi kịp máy phim về tốc độ và chất lượng. Chính vì thế, trong một cuộc phỏng vấn năm 2007 giữa nhiếp ảnh gia Lauren Greenfield và tạp chí Digital Photo Pro (DPP), ông này cho biết việc mình lựa chọn phiên bản số EOS-1Ds Mark II chỉ bởi vì nó "giống máy phim nhất". Và kể từ đó, "giống máy phim" đã trở thành một tiêu chuẩn cho máy số thời bấy giờ, bởi lẽ các máy phim cao cấp là những máy mà các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đã sử dụng và đã quá quen thuộc. Họ quen với việc máy ảnh chuyên nghiệp là phải nhìn qua khung ngắm quang. Đối với họ, máy chuyên nghiệp là máy mà khi bật lên đã luôn ở trạng thái sẵn sàng chụp, và khi cần chớp một khoảnh khắc, máy sẽ đáp ứng tức thời không chậm trễ. Nhưng thời gian để công nghệ ảnh số trên DSLR đuổi kịp máy phim quả thật thần tốc. Đến mức cho đến bây giờ, ít nhiếp ảnh gia nào nhớ được có thời mà DSLR cần phải mất một khoảng thời gian nhất định cho việc khởi động và xóa ảnh mỗi khi bộ nhớ đệm bị đầy. Nếu máy ảnh DSLR khi đạt đến mục tiêu bằng với máy phim thì hẳn đã không còn gì để nói. Nhưng công nghệ vốn không dừng lại, và quá trình rượt đuổi của DSLR cũng vậy. Các thế hệ DSLR mà nhiếp ảnh gia Greenfield từng đề cập với tiêu chí "giống máy phim" đã bị các thế hệ mới lần lượt qua mặt với những phiên bản tiên tiến hơn, có độ phân giải vượt xa máy phim cộng với tính năng quay phim HD mới lạ và đầy ấn tượng. Qua một vài cuộc điều tra của tạp chí nhiếp ảnh DPP, dù các kết quả còn hỗ độn, nhưng đã có thể nhìn ra một xu hướng mới: Chuyển dần sang DSLR của giới medium-format. Một số nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vốn trung thành với các dòng cồng kềnh như Hasselblad 500 hay RB, RZ của Mamiya cũng cho biết hiện họ đều sử dụng các máy DSLR full-frame, thậm chí cả những máy DSLR cảm biến APS-C nữa. Liệu DSLR sẽ thay thế medium-format?
Robert Ruotolo, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cho biết đã chuyển từ máy Mamiya RB67 với ống Mamiya 85mm sang bộ mới là Nikon D700 và ống Sigma 8-16mm. Vốn là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp kiến trúc và hàng không, Ruotolo cho biết bộ máy ảnh mới này rất phù hợp với công việc của mình. "Ống góc rộng này rất hữu dụng khi chụp đối tượng ở nhiều hoàn cảnh sáng khác nhau, như cho phép chụp được toàn bộ máy bay và khoảng trời khi chụp bên ngoài hay không gian nội thất bên trong cabin buồng lái", ông nói. "Khi tôi muốn chụp cabin của chiếc phản lực DC-3, tôi có thể chụp từ những góc và phối cảnh mà trước đây khó mà chụp được ở một không gian chật hẹp như buồng lái", anh chia sẻ. Mười năm trước đây, để có được một bức như thế này, anh cần phải chuẩn bị hàng tá thiết bị phụ trợ ánh sáng, một máy ảnh medium-format cồng kềnh với những ống góc rộng rất đắt tiền. Sử dụng những thiết bị cồng kềnh như vậy trong một không gian như cabin thật vô cùng khổ sở, vì thế mà một buổi chụp ảnh thường ngốn rất nhiều thời gian và cũng khoảng từng ấy thời gian cho việc chỉnh sửa. "Còn ngày nay, với DSLR độ phân giải cao, ISO tốt và một ống siêu rộng như trên, tôi có thể tiết kiệm thời gian sắp xếp và chỉnh sửa tới cả chục lần", anh cho biết. Một nhiếp ảnh gia giấu tên khác cũng cho biết đã chuyển từ máy Hasselblad sang Canon EOS 7D và ống 24-70mm ƒ/2.8. Nhiếp ảnh gia này cho biết mình hoàn toàn hài lòng với bộ kết hợp này bởi chúng thuận tiện cho việc chụp cả trong nhà lẫn ngoài trời. Tạp chí DPP năm 2011 đã thực hiện một cuộc khảo sát các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hiện tại xem có khuyến cáo gì về nghề nghiệp này cho sinh viên hay không. Mặc dù kết quả rất đa dạng, nhưng có xu hướng chung là sẽ ngày càng có nhiều thách thức cho các nhiếp ảnh gia dự định lấy đây làm nghề kiếm sống cho mình. Trong một cuộc khảo sát khác gần đây hơn cũng do tạp chí này thực hiện với câu hỏi liệu kỹ thuật số đã ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn đồ nghề nhiếp ảnh như thế nào, phần lớn các hồi đáp từ giới chuyên nghiệp đều cho rằng nhu cầu hiện tại là làm sao nhẹ gánh được đống đồ nghề với các máy ảnh và ống kính thế hệ mới đa năng và "thông minh " hơn. Nhiều nhiếp ảnh gia cho biết lý do họ chuyển sang các máy DSLR đời mới do các máy này vừa có thể chụp ảnh lại vừa có khả năng quay phim HD. Mặc dù có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc các máy ảnh chuyên nghiệp có khả năng quay video HD, nhưng rõ ràng đã có một thực tế là giới chuyên nghiệp cũng đang chọn những máy có chức năng quay video HD trong hành trang của mình. Chính vì thế mà các phiên bản thuộc dòng này như Canon EOS 5D Mark II và EOS 7D hay Nikon D300S và D7000 là những cái tên thường được nhặc đến trong các ý kiến thu thập được từ cuộc khảo sát này. Về mặt ống kính, tính cơ động càng thể hiện rõ hơn từ sự lựa chọn của giới chuyên nghiệp. Nếu như một thập kỷ trước, giới chuyên nghiệp chủ yếu dùng các ống prime trên các máy phim thì ngày nay, sự lựa chọn đã dần chuyển sang ống zoom với các dải thông dụng. Một nhiếp ảnh gia tự nhận mình là một chuyên gia mỹ thuật cho biết đã chuyển từ định dạng medium-format với ống prime sang bộ gọn nhẹ hơn gồm Nikon D2X và ống Nikkor 24-120mm VR và coi đây là đồ nghề hoạt động chủ yếu của mình. Anh ta kết luận về lợi ích của bộ mới này như sau: "Đây quả là một sư kết hợp hoàn hảo. Do gọn nhẹ hơn nên bộ này luôn được tôi mang theo bên mình, vì thế mà tôi lại có thêm nhiều cơ hội để chụp được nhiều ảnh hơn mà không còn vướng bận lỉnh kỉnh những chân máy hay ống kính trong những chiếc túi to sụ nữa". Một tay máy chuyên nghiệp khác vốn sử dụng máy phim Sinar và các ống chuyên cho medium-format Rodenstock và Schneider hiện cũng đã chuyển sang dùng Nikon D3X và ống Nikkor 24-70mm. Hay như một phóng viên ảnh từng thích sử dụng Canon A1 và F1 với ống fix 50mm những năm trước đây nay cũng quyết định chuyển qua Canon EOS-1D Mark III và ống Canon 70-200mm. Anh tâm sự" Độ sắc nét và màu sắc không thể chê được gì. Trong một số buổi chụp ảnh, do không đứng được ở hàng trước, tôi phải đứng từ xa chụp lại, nhưng kết quả cuối cùng vẫn khá hoàn hảo, ngay cả với khoảng cách như vậy". Từ các phản hồi từ các cuộc khảo sát, có thể thấy những ống zoom với dải đa dụng đang trở thành những lựa chọn sáng giá cho nhu cầu mang theo bên mình. Do gánh nặng thiết bị được giảm nhẹ, các ống và máy càng có cơ hội được mang theo bất cứ đâu, theo đó, càng tăng thêm độ sẵn sàng của các nhiếp ảnh gia trong việc bắt những khoảnh khắc bất chợt, và cơ hội thành công vì thế cũng nhiều hơn. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nhiếp ảnh đã trải qua một sự thay đổi khổng lồ. Công nghệ số vốn từng bị coi là kém cỏi so với máy phim về tính khả dụng và dộ chuyên nghiệp thì nay đã nhanh chóng bắt kịp và thậm chí còn vượt mặt. Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cũng đang thay đổi dần thói quen, từ việc lựa chọn những máy DSLR giống với những máy phim họ đã từng chụp, sang lựa chọn những thế hệ máy thay ống kính nhỏ gọn và tiện dụng hơn, tính năng tiên tiến hơn và đặc biệt là khác hoàn toàn so với những suy nghĩ về một máy ảnh thông thường. Dù mức độ phổ dụng của máy ảnh ở thời điểm hiện tại có thể không phải là thời buổi dễ dàng cho những người kiếm sống bằng nghề ảnh, nhưng rõ ràng khi có nhiều thiết bị đủ thông minh và phổ cập phục vụ con người, thì khả năng sáng tạo sẽ càng được tăng cường hơn do nhiếp ảnh gia không cần quá chú trọng vào các vấn đề kỹ thuật nữa. Nguyễn Hà Xem thêm: |
Viết bình luận