Nhà quay phim: họ là ai? Thông tin tổng hợp
Người ghi lại hình ảnh
Khi chúng ta được thưởng thức một bộ phim, một chương trình biểu diễn nghệ thuật hoặc những trường đoạn hay, thậm chí chỉ là một cảnh quay đắc ý, cũng đồng nghĩa với việc trước đó đã có cả một êkíp làm phim hoạt động không ngừng nghỉ.
Người đạo diễn đóng vai trò như một người nhạc trưởng, sắp xếp, điều hành mọi hoạt động; bao quát và phối hợp tất cả các hoạt động ấy theo ý tưởng nghệ thuật của mình. Nhưng người thu lại toàn bộ vào ống kính máy quay chính là nhà quay phim.
Nói một cách giản dị, những gì mà chúng ta xem trên màn ảnh rộng tại rạp chiếu phim hay màn ảnh nhỏ trên chiếc TV ở nhà, thậm chí là trên mạng Internet đều là một phần của những gì đã được nhà quay phim đã thâu vào ống kính máy quay.
Như vậy, vai trò của người quay phim là ghi lại hình ảnh. Việc này không hề đơn giản, bởi ngoài những nguyên tắc kỹ thuật mà người làm nghề luôn phải nắm vững, người quay phim còn thường xuyên phải đối diện với những câu hỏi: Làm sao để có góc quay đẹp nhất? Làm sao theo kịp chuyển động, diễn biến tâm lý tinh vi của các nhân vật, những thay đổi trong các yếu tố bối cảnh? v.v... .
Việc thu lại hình ảnh không chỉ là đặt máy quay một chỗ, ghi lại những gì diễn ra trong một cỡ hình, trong một khoảng cách nhất định, mà nhà quay phim còn phải chuyển động máy quay. Chuyển động máy quay có thể là lia lên, lia xuống, lia trái, lia phải, đưa lại gần, hay kéo ra xa,... Sự chuyển động của máy quay thường được hỗ trợ của các phương tiện khác như: đường ray, xe đẩy, cẩu, trục,… Chuyển động máy quay bằng cách cầm tay là một phong cách độc đáo, tuy nhiên không thể sử dụng rộng rãi vì trọng lượng của máy quay thường rất lớn. Nhà quay phim có thể sử dụng linh hoạt các phương pháp chuyển động máy quay để tạo thành một phong cách sáng tạo cá nhân.
Nhà quay phim hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau: điện ảnh, ca múa nhạc, truyền hình, quảng cáo hay quay cảnh sinh hoạt như cưới hỏi, ma chay v.v... Mỗi lĩnh vực có những đặc điểm và yêu cầu riêng. Tuy nhiên, một nhà quay phim cũng có thể làm việc rất đa dạng, tham gia vào nhiều lĩnh vực. Cuốn cẩm nang nhỏ này chủ yếu đề cập tới một trong những lĩnh vực “hóc búa” nhất và đầy đủ nhất của nghề quay phim, cũng là lĩnh vực đòi hỏi nhiều phẩm chất nghệ sĩ và sáng tạo nhất: quay phim điện ảnh (phim truyện, phim tư liệu...)
Nhà quay phim trong bộ phim
Quy trình quay một bộ phim truyện có rất nhiều bước như: Chọn bối ảnh, sắp xếp đạo cụ, tổ chức ánh sáng, diễn viên đọc kịch bản và diễn xuất,... Người quay phim sẽ là người thu lại các cảnh diễn xuất trong một khuôn hình. Riêng với phim tài liệu, đối tượng quay của nhà quay phim là thiên nhiên hoặc đời sống xã hội với những cảnh thực, ít mang tính sắp đặt và diễn xuất hơn.
Từ toàn cảnh rộng, toàn cảnh hẹp đến cận cảnh, người quay phim phải làm sao đạt được độ chính xác cao nhất hay đúng với ý đồ nghệ thuật của đạo diễn nhất. Hiện thực cuộc sống được thu lại trong mỗi thước phim phải làm sao để khán giả có cảm giác con người và xã hội giống như thật.
Một cảnh quay tuyệt đẹp và ấn tượng, xúc động mà bạn xem trên màn ảnh có thể là kết quả của vô số những lần quay hỏng, là sự nỗ lực đến kiệt cùng của đoàn làm phim, của đạo diễn, diễn viên và tất nhiên, cả người quay phim.
Một trong những người sáng tạo bộ phim
Nhà quay phim không chỉ ghi chép bộ phim một cách thụ động, mà còn phải sáng tạo trong từng khuôn hình. Họ thực sự vừa là một người nghệ sĩ vừa là nhà kỹ thuật. Họ đồng sáng tạo với các đồng nghiệp dưới sự chỉ đạo chung của đạo diễn.
Khi bắt đầu quay các cảnh, nhà quay phim đóng vai trò sáng tạo cuối cùng trên trường quay. Công việc của họ hết sức quan trọng bởi nhờ lao động của nhà quay phim, công sức của cả đoàn làm phim được thể hiện trên khuôn hình một cách chân thật và rõ nét nhất.
Tuy nhiên, thường chính nhà quay phim lại là một trong những “nhân vật” đầu tiên mà các đạo diễn tìm tới để bàn bạc khi chuẩn bị quay một bộ phim. Họ phải cùng đạo diễn chọn bối cảnh, bàn bạc, thống nhất về phong cách, về các cảnh quay từ trước đó rất lâu. Cũng có khi đạo diễn “phó thác” cho nhà quay phim mặc sức sáng tạo trong các cảnh quay (như trường hợp của nhà quay phim Vittorio Steraro với đạo diễn Coppola trong phim Apocalypse Now hay nhà quay phim Christopher Doyle với đạo diễn Trương Nghệ Mưu trong phim Anh hùng mà bạn đã biết đến qua Hàng ghế số 1). Một trong những điều quan trọng nhất làm nên thành công của bộ phim chính là sự phối hợp sáng tạo ăn ý giữa đạo diễn và nhà quay phim.
Như vậy, người quay phim phải kết hợp chặt chẽ với từng thành phần đoàn làm phim và buộc phải thống nhất với phong cách của đạo diễn. Một điều quan trọng khác là người quay phim phải có cái nhìn tổng thể về bộ phim mình đang làm. Anh ta luôn phải ý thức được: Nó có phong cách như thế nào? Từng cảnh quay nên xử lí ra sao để mang tính sáng tạo, linh hoạt mà vẫn không làm hỏng “không khí chung” của tác phẩm?...
Không phải là nhà nhiếp ảnh
Rõ ràng có rất nhiều điểm tương đồng giữa đặc điểm và phẩm chất nghề nghiệp của một nhà quay phim với một nhà nhiếp ảnh. Họ đều là những người ghi lại các khuôn hình và “vẽ bằng ánh sáng”. Họ đều phải chú ý đến bố cục khuôn hình, tổ chức ánh sáng, tổ chức bố cục,... sao cho tác phẩm ra đời đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Chính vì vậy, trước khi là một nhà quay phim, bạn phải học cách sử dụng máy ảnh.
Chính những bức ảnh với góc nhọn, khuôn hình độc đáo đã giúp đạo diễn Trương Nghệ Mưu được nhận vào học tại Khoa Quay phim, Học viện Điện ảnh Bắc Kinh dù đã quá sáu tuổi so với quy định. Con đường điện ảnh của đạo diễn Trung Quốc huyền thoại này đã bắt đầu từ nhiếp ảnh rồi tới quay phim và cuối cùng thành danh ở vai trò đạo diễn.
Nhiếp ảnh ghi lại những hình ảnh tĩnh, những khoảnh khắc vàng. Nói cách khác, nhiếp ảnh làm ngưng đọng thời gian. Trong khi đó, quay phim chuyển động cùng thời gian.
Quay phim ghi lại một loạt các hình ảnh chuyển động. Sự phức tạp nằm ở chỗ hình ảnh thu được nhiều chiều và khuôn hình luôn luôn thay đổi. Vì vậy, nhà quay phim không thể tổ chức ánh sáng, bố cục cho khuôn hình tĩnh, mà phải tính toán cho những khuôn hình chuyển động và biến đổi.
Tổng hợp
Viết bình luận