Chúng vô cùng độc đáo và thú vị đấy nhé!
Pyrography là nghệ thuật trang trí thủ công bằng cách sử dụng một vật nhọn hoặc sợi dây được đốt nóng khắc lên bề mặt gỗ hoặc da. Thuật ngữ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: pur (lửa) và graphos (văn bản). Đây là một trong những hình thức nghệ thuật cổ xưa nhất được sáng tạo ra từ... thời đồ đá, khi con người bắt đầu biết sử dụng lửa. Các bộ lạc ở châu Phi và Ai Cập cổ đại cũng chính là những “nghệ sĩ” vẽ tranh bằng lửa thuở sơ khai khi họ dùng những đầu que củi đã cháy thành than để vẽ hình trên hang đá.
Những tác phẩm độc đáo được “vẽ” bằng cách đốt cháy thay vì vẽ màu hay chạm trổ.
Một bức vẽ trên gỗ thích - loại gỗ xuất xứ từ châu Âu, có hình vân uốn lượn rất đẹp mắt.
Tác phẩm pyrography “xưa” nhất còn lại đến ngày nay là một hiện vật cổ của người Peru. Mãi đến thời Trung cổ, người châu Âu mới biết áp dụng kỹ thuật pyrography vào trang trí và chỉ bắt đầu coi nó như một loại hình nghệ thuật riêng biệt vào thế kỷ 19 dưới thời nữ hoàng Victoria. Từ đó, nó còn được gọi với cái tên pokerwork hay woodburning.
Chiếc bình cổ trang trí hình hoa và chim ruồi được tìm thấy ở Peru có niên đại khoảng 3.000 năm là hiện vật cổ xưa nhất còn lại của nghệ thuật này.
Người châu Âu cũng ứng dụng pyrography để trang trí chiếc rương này.
Một chiếc khăn trải bàn da được trang trí hình hoa tulip.
Hoa văn trang trí trên đôi giày gỗ của dân tộc Kuzhebar (Nga).
Quang cảnh trong hoàng cung Thổ Nhĩ Kỳ xưa.
Đến đầu thế kỷ 20, chiếc bút lửa sử dụng bộ phận đốt nóng bằng điện đã ra đời, nhờ đó mà người vẽ có thể dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ để có được những mảng màu sáng tối như ý. Công cụ mới đã tạo ra một cuộc “cách mạng” trong lịch sử nghệ thuật này. Từ đó, các pyrographer (nghệ sĩ pyrography) có thể tạo ra những bức vẽ dễ dàng hơn và ấn tượng mà không cần dùng đến lửa "thủ công" nữa.
Khuôn mặt thuyền trưởng Jack Sparrow.
Nữ minh tinh Marilyn Monroe.
Nghệ thuật pyrography ngày nay.
Để vẽ pyrography, nghệ sĩ phải dùng đến những loại bút vẽ đặc biệt. Loại bút truyền thống thường có đầu tròn như que hàn hoặc gồm hai sợi dây nối với nhau thành hình thoi như đầu bút máy.
Sức nóng của nhiệt tỏa ra từ đầu bút sẽ đốt cháy phần gỗ tiếp xúc và tạo ra màu nâu như thế này.
Một số loại bút vẽ thông dụng.
Công đoạn vẽ thường bao gồm các bước: phác thảo hình, chọn gỗ, đánh bóng mặt gỗ, khắc phần chính của tranh trước sau đó khắc chi tiết và “nhấn nhá” phần ánh sáng. Ngoài nhiệt độ thì loại bút, bề mặt gỗ và áp lực của tay cũng sẽ quyết định phần ánh sáng và độ đậm nhạt của bức vẽ. Khi vẽ, lực từ bàn tay phải vừa đủ, đều và liên tục. Vì nếu vẽ quá chậm hoặc dùng lực mạnh sẽ làm gỗ cháy đen thui, nếu quá mau hoặc nhẹ tay thì lại không kịp cháy.
Các nghệ sĩ thường sử dụng những loại gỗ sáng màu, mịn và có độ cứng vừa phải như gỗ thích, gỗ sồi hay gỗ thông...
...hoặc vẽ trên bề mặt da thuộc để tạo độ bóng cho tác phẩm.
Hiện nay, pyrography được sử dụng phổ biến trong trang trí gỗ mĩ nghệ, đồ lưu niệm hay đồ trang sức... Và bạn biết không, ở nước ta các tác phẩm pyrography còn được biết đến với một cái tên khác dân dã hơn là thuật khắc nung hay tranh gỗ cháy. Nhiều món quà lưu niệm bằng gỗ hay những quả bầu khô có trang trí hoa văn lạ mắt mà ta thường gặp cũng chính là những sản phẩm pyrography đấy!
Nhiều món đồ lưu niệm được trang trí bằng pyrography.
Những cô búp bê xinh xắn của xứ sở bạch dương cũng được “trang điểm” bằng nghệ thuật này đấy.
Bài thơ viết trên gỗ.
Cư dân ở các nước vùng nhiệt đới còn rất nổi tiếng với nghề thủ công khắc nung trên vỏ dừa hoặc vỏ bầu khô.
Tranh gỗ cháy ở Việt Nam.
Theo Kênh 14
Viết bình luận