Ngắm nhìn Việt Nam những năm 80 mộc mạc qua “ảnh Tây” Thông tin tổng hợp
Hình ảnh và con người Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ XX hiện lên thật chân thực và mộc mạc qua những cú bấm máy của nhiếp ảnh gia người Pháp Michel Blanchard.
Hà Nội 1983 - chợ hoa ngày Tết
Những bức ảnh được trưng bày tại cuộc triển lãm ảnh “Việt Nam những năm 80” diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp - L'Espace tại Hà Nội bắt đầu từ ngày 8/4 kéo dài đến hết ngày 30/4. Đến đây, người xem sẽ cảm nhận thấy một Việt Nam vô cùng giản dị, mộc mạc qua con mắt của một thanh niên Pháp, một nhà báo phương Tây.
Niềm say mê vẻ đẹp Việt đã thôi thúc nhiếp ảnh gia Michel Blanchard, người từng là trưởng đại diện Văn phòng hãng thông tấn AFP tại Việt Nam, đi đến mọi nẻo đường để ghi lại những khoảnh khắc đậm chất nhân văn và giản dị. Đây là một câu chuyện về đất nước và con người Việt được ghi laij từ hơn 50 tác phẩm nhiếp ảnh được trưng bày. “Việt Nam là một đề tài tuyệt vời đối với tôi, một cảm giác ngây ngất không bao giờ chán. Tất cả cuốn hút tôi: con người, cảnh quan, những ngành nghề nhỏ, kiến trúc, ánh sáng. Khi xem một số bức ảnh, thậm chí tôi còn cảm nhận được cả mùi hương tỏa ra khi bấm máy. Tôi có nhiều ảnh về Việt Nam hơn hẳn những bức tôi chụp ở các nước khác.” - ông Michel Blanchard cho biết.
Hà Nội 1984 - tàu điện phố Hàng Đào
Nhiều người đến với triển lãm để được hồi tưởng lại một không gian hoài niệm tuổi thơ, trong khi những người trẻ đến đây để được tận mắt nhìn lại một thời đã qua ở đâu đó của Việt Nam, có thể là một góc phố nhỏ Hà Nội, ở chợ hoa cũ Đà Lạt hay chỉ đơn giản là những hoạt động sinh hoạt hàng ngày của một người dân Việt Nam cách đây 30 năm.
Hà Nội 1983 - tàu điện cổ trên phố Đinh Tiên Hoàng
Không chỉ vậy, nét chân thực của vẻ đẹp Việt Nam được hiện lên bởi đó là những bức ảnh được chụp rất thật, không có sự sắp đặt hay chỉnh sửa ảnh. Chia sẻ tại buổi triển lãm, nhiếp ảnh gia khẳng định: “Đây hoàn toàn là những khoảnh khắc thật nhất. Tôi biết có nhiều nhiếp ảnh gia sẽ sắp đặt để có được những bức ảnh đẹp. Ví như để có bức ảnh cậu bé cưỡi trâu, họ sẽ bảo cậu bé ngồi lên trên con trâu để chụp ảnh, hoặc chỉnh sửa ảnh để lược bỏ một số chi tiết xấu. Nhưng tôi không làm như vậy, chỉ đơn giản là giơ máy ảnh lên và chụp lại những khoảnh khắc đẹp”. Đó là cách tôn trọng sự thật và sự chân thành để tạo ra hồn bức ảnh, giúp cho người xem có thể so sánh hình ảnh của đất nước qua các thời kỳ một cách chân thực nhất.
Hà Nội 1984 - nhà cổ phố hàng Đào
Tham dự triển lãm có ngài Jean - Noel Poirier, Đại sứ Pháp tại Việt Nam và ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó còn có nhà sử học Dương Trung Quốc, ông chia sẻ cảm xúc của khi nhìn lại những hình ảnh của Hà Nội trong thời kỳ bắt đầu đổi mới sau chiến tranh. “Như các bạn thấy Hà Nội thời kỳ gần như không có bóng dáng của xe máy, của ô tô, một thời kỳ chỉ có tàu điện và xe đạp. Nhưng Hà Nội rất đẹp, rất tươi vui cho dù đất nước vẫn còn bị bao vây, cấm vận. Đây là một ký ức đẹp trong tim của những người ở thế hệ chúng tôi đã trải qua”.
Hà Nội 1982 - Đào nương ca trù một ngày Tết, trước đền Ngọc Sơn.
Vịnh Hạ Long năm 1981
Bờ hồ Tây, Hà Nội năm 1982
Nhiếp ảnh ở công viên Thống Nhất, Hà Nội năm 1983
Việt Nam 1983 - đường ở Cao Bằng
Việt Nam 1981 - cầu tre và phiên chợ sớm ở Lạng Sơn
Một em bé ngồi chơi trước bảo tàng ở Điện Biên Phủ năm 1983
Việt Nam 1988 – Cầu Hội An
Tổng hợp
Viết bình luận