Trong lúc dự án phim điện ảnh “Cha cõng con” chưa thể thực hiện vì lý do khách quan, đạo diễn sinh năm 1974 vẫn tiếp tục giữ lửa cho niềm đam mê bất tận về phim quảng cáo.
Trên thực tế, vị giám đốc sáng tạo của Tứ Vân Media đã bắt đầu lên kế hoạch và thực hiện các bộ phim quảng cáo từ 13 năm trước. Suốt từ đó tới nay, anh hiện có trong hơn 300 tác phẩm thuộc thể loại này. Là một nhà tiên phong của lĩnh vực phim quảng cáo, anh tự tin cho rằng các phim quảng cáo của bản thân có chất lượng không kém gì nước ngoài ở thời điểm hiện tại.
Giám đốc sáng tạo, đạo diễn Lương Đình Dũng - tác giả của nhiều bộ phim quảng cáo Việt Nam trong 13 năm qua.
Lương Đình Dũng chia sẻ: “Hình ảnh quảng cáo giống như một sứ giả của thương hiệu. Mình đầu tư, mình nghiêm túc sáng tạo để sứ giả đó có một hình ảnh đẹp đến chào người tiêu dùng thì người ta tin, còn không đầu tư, không cho sứ giả đó ăn mặc tử tế, nhìn lôi thôi, cẩu thả thì sản phẩm của anh tốt người ta cũng khó mà tin được, khó mà hiểu anh được. Bởi anh phải biết trân trọng hình ảnh của mình trước”. “Thời buổi bây giờ ‘nền kinh tế hình ảnh’ ảnh hưởng nhiều, nên làm phim quảng cáo phải tạo ra những bữa tiệc hình ảnh, bữa tiệc âm thanh mà đủ kỹ năng tạo ra được những bữa tiệc không dễ và không phải ai cũng làm được đâu, ngoài đầu tư tiền, cần phải đầu tư sáng tạo. Bữa tiệc hình ảnh không phải cứ to, cứ đầy là bữa tiệc. Bữa tiệc hình ảnh đôi khi nó chỉ là sự tinh tế của ánh sáng và khoảnh khắc người làm sáng tạo biết chộp lấy nó”.
Phim quảng cáo của Lương Đình Dũng có chất lượng không thua kém các sản phẩm nước ngoài và thành công bắt nguồn từ những copywriter sáng tạo.
Để thực hiện một bộ phim quảng cáo, điều tối quan trọng trước tiên chính là ý tưởng. Cũng bởi vậy mà Lương Đình Dũng đặc biệt quan tâm đến vị trí copywriter. Với anh, một người copywriter tốt là điều quan trọng để có thể tạo ra một bộ phim quảng cáo thành công. Anh nói: “Như chuyện đặt tên hay viết slogan chẳng hạn. Ví dụ bạn đặt tên Thuỳ Linh thì có thể là cụ ấy 80 tuổi nghe cũng thấy trẻ. Nhưng đặt tên Mão thì có thể bé đó 5 tuổi nghe cũng thấy nhiều tuổi rồi. Vì thế doanh nghiệp cần chú trọng vào việc đặt tên sản phẩm hay viết slogan phải tính toán kỹ lưỡng không nên ngẫu hứng và người copywriter tốt là người phải có khả năng, có tầm nhìn để tư vấn cho bên đặt hàng”. Nói về khó khăn của chuyện này, anh tiết lộ: “Khi viết một sản phẩm, nhóm copywriter sẽ phải làm việc vất vả thậm chí hàng tuần liên tục, có khi hàng tháng trời mới có được một ý tưởng tuyệt vời thì nhiều doanh nghiệp lại coi việc trả tiền cho kịch bản là khâu không quan trọng thậm chí cố tình sửa hay lái đi để tránh việc trả kinh phí”. Lúc này, nghề copywriter cho phim quảng cáo tại Việt Nam vẫn có mức thù lao khá “bèo bọt”. Điều này đi ngược lại xu thế của thế giới, khi copywriter quốc tế có thể hưởng tới 17% doanh thu của một sản phẩm quảng cáo.
Một phim quảng cáo kéo dài 30 giây tại Việt Nam lúc này có kinh phí có thể lên tới 3-4 tỷ đồng và mất từ 40 ngày tới ba tháng để thực hiện.
Song song với niềm đam mê cho phim quảng cáo, vị giám đốc sáng tạo tài năng sẽ tiếp tục cho ra mắt đĩa hài Tết Nguyên đán như các năm trước, đồng thời hoàn thành dự án điện ảnh Cha cõng con. Bộ phim này vốn được anh viết kịch bản từ năm 1995 và khởi quay từ tháng 7/2013 tại Hà Giang. Tuy nhiên, do bối cảnh phim gặp sự cố ngập nước nên buộc phải tạm dừng. Theo kế hoạch, Cha cõng con sẽ được hoàn thành trong năm 2015.
Tổng hợp
Viết bình luận