Làm thế nào để trở thành Designer thành công Kiến thức chung

Ông cha ta xưa có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Thành công trong bất cứ lĩnh vực, nghề nghiệp nào cũng cần phải trải qua quá trình tôi luyện, rèn giũa lâu ngày, đòi hỏi quyết tâm vô cùng sắt đá.

Chúng tôi sẽ không nhắc đi nhắc lại hai từ rèn luyện, rèn luyện, bài viết này đem đến cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ hơn về “con đường thành danh” của một designer chuyên nghiệp – nghề được coi là “thời thượng” với giới trẻ hiện nay.

[IMG]

1. Phát triển kĩ năng giao tiếp với khách hàng

Có được một lời hỏi hàng là rất khó, vậy việc bạn cần làm là không bỏ lỡ bất kỳ đơn hàng hấp dẫn nào. Thế nhưng, trên thực tế, không phải bất cứ nhà thiết kế nào cũng đàm phán hay hoàn tất dự án thành công, phần nhiều do không nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng của kĩ năng giao tiếp với khách hàng. Giả sử bạn là một khách hàng, bạn sẽ chọn một người biết cách trò chuyện, quan tâm, chia sẻ nhu cầu với mình hay một người chỉ làm cho xong chuyện. “Khách hàng là thượng đế”, hãy lắng nghe họ nhiều hơn vì đôi khi thứ họ mua không phải là sản phẩm, mà là thái độ của chính bạn với họ. Bạn chú ý, thái độ ở đây không chỉ là khi bắt đầu nhận công việc mà còn là cả quá trình thực hiện dự án và sau khi hoàn tất dự án. Dẫu vậy, cũng đừng ngần ngại nói lên suy nghĩ của chính bạn về yêu cầu của họ hay đưa cho họ những lời khuyên chân thành khi cần thiết.

[IMG]

2. Giữ deadline với khách hàng

Muộn deadline là biểu hiện của những nhà thiết kế thiếu chuyên nghiệp. Không những vậy, đó còn là dấu hiệu cho thấy bạn là người quản lí thời gian, thậm chí tiền bạc hay tình cảm không tốt. Những designer chậm deadline có thể đổ lỗi cho việc họ có hẳn núi công việc cần giải quyết hay deadline khách hàng đưa ra quá gấp gáp. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng bạn hoàn toàn có thể thương lượng thời gian với khách hàng ngay từ đầu, để đến khi mọi việc lỡ dở, câu xin lỗi cho việc chậm deadline chưa đảm bảo việc khách hàng đó sẽ quay lại với bạn thêm một lần nữa!

[IMG]
3. Xây dựng thương hiệu cá nhân

Design là thế giới thu nhỏ đa sắc màu, bao gồm nhiều mảng từ trang trí nội thất, thiết kế trang web cho tới thiết kế logo. Dù hoạt động ở mảng nào một designer cũng luôn cố gắng kiếm tìm, xây dựng hình ảnh đại diện cho bản thân. Bạn có thể học hỏi cái hay, cái đẹp từ những người khác nhưng nhất định phải tạo dựng “cái tôi” cho riêng mình, không để nó pha tạp hay bị trộn lẫn với bất kì người nào khác.
Cũng đừng quên xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu của riêng mình. Name card, porfolio, mẫu giấy tiêu đề hay mẫu chữ ký…đều quan trọng. Hiện nay, nhiều designer chọn lập một website cá nhân, nơi bạn có thể thỏa sức kiến tạo ‘vương quốc” riêng của mình. Trước khi bắt tay làm công việc đó, bạn cũng nên để ý tới các khoản chi phí phát sinh, tránh trường hợp “tiền mất tật mang’.

4. Không ngại “PR bản thân”

“PR bản thân” ở đây được hiểu theo hàm ý làm cho khách hàng của bạn, những người xung quanh bạn hiểu đúng về năng lực của bản thân bạn. Người Việt Nam vốn “ngại” nói về bản thân, không muốn quảng cáo mình trước đám đông, không muốn mang tiếng tự phụ hay quá tự tin. Nhưng bạn ơi, nếu bạn không cho họ biết bạn là ai, bạn có thể làm những gì, làm sao họ biết liệu rằng có thể làm việc, hợp tác với bạn được hay không. Vì vậy, hãy mạnh dạn nói đúng, nói đủ về bạn.

Khi bạn đã đủ tự tin vào năng lực của mình (ai cũng có những thế mạnh riêng), xin mách nhỏ thêm bạn một kinh nghiệm để tên tuổi bạn đi xa hơn. Đó là hãy mạnh dạn giới thiệu bản thân đến các trang tin thiết kế, các diễn đàn và hội nhóm thiết kế. Có thể tiếp cận sâu nhanh chóng bằng việc đóng góp một bài tutorial hay một bộ ý tưởng hữu ích và có tên bạn ở bên dưới. Ở nước ngoài, đây là cách chính những nhà thiết kế nổi tiếng hay làm để chủ động được xuất hiện trên các trang mạng nhiều hơn…


5. Kiên trì với con đường đã chọn

Có rất nhiều bạn trẻ ấp ủ giấc mơ, dự định, hoài bão trở thành designer chuyên nghiệp, nhưng số người thành công thực sự lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lí do đơn giản là không phải ai cũng mạnh mẽ vượt qua tất cả những thử thách trên con đường chính phục ước mơ của mình. Khi vấp ngã trước khó khăn, có người chọn cách dừng lại để tránh những mất mát về sau, song lại có những người đứng dậy và bước tiếp. Một designer thành công chắc chắn không phải người dễ dàng từ bỏ hoài bão lớn lao của mình, họ luôn vững chãi trước khó khăn, luôn lấy niềm đam mê là động lực để trải qua tất cả những khó khăn đó.

Lời kết

Xin được trích dẫn câu nói nổi tiếng trong bộ phim “Ba chàng ngốc” như sau: “Hãy theo đuổi sự ưu tú, rồi thành công sẽ theo đuổi bạn”. Bất luận bạn sinh ra có thiên bẩm để trở thành một designer xuất sắc hay không, quá trình rèn luyện các kĩ năng, tính cách của một designer chuyên nghiệp , quan trọng hơn là niềm say mê với nghề sẽ là những yếu tố không thể thay thế trong thành công của chính bạn.

Theo: Designs.vn

Xem thêm:
5 thói quen xấu cần tránh của các nhà thiết kế tự do
Sắp xếp nơi làm việc với một designer
6 cách giúp bạn cải thiện cuộc sống sáng tạo
Giúp bạn nâng cao kĩ năng thiết kế đồ họa
29 điều những nhà thiết kế trẻ nên biết

 

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755