Khoảnh khắc tình cờ của bức ảnh huyền thoại Giới thiệu nhiếp ảnh gia

Chỉ vài phút xuất thần, Dorothea Lange đã chụp được bức ảnh quý giá phản ánh sâu sắc thực trạng của thời kỳ Đại suy thoái ở Mỹ. Đó là bức Người mẹ di cư và cũng là bức ảnh đáng giá nhất trong sự nghiệp nhiếp ảnh của bà.
Migrant Mother (Người mẹ di cư) chụp một phụ nữ có tên Florence Owens Thompson, 32 tuổi với gương mặt in hằn nỗi lo lắng, ưu tư ở một trang trại tạm bợ ở Nipomo, California. Không chỉ phản ảnh thực tế đau lòng của cuộc Đại suy thoái như một hiện tượng kinh tế, bức ảnh còn nắm bắt một bi kịch của con người. Đó là năm 1935, Lange theo người chồng thứ hai, Giáo sư kinh tế học tại Đại học California tại Berkeley đồng thời là một nhiếp ảnh gia tự học tới  nhận nhiệm vụ ở Cục Quản lý tái định cư (RA). Tại đây, nữ nhiếp ảnh gia nhận công việc điều tra, chụp ảnh hiện trường dưới quyền Roy Stryker, Trưởng bộ phận Thông tin của Cơ quan an ninh nông nghiệp Mỹ -  FSA trong Đại khủng hoảng và phát động phong trào nhiếp ảnh tài liệu của FSA.  

 
Người mẹ di cư và khoảnh khắc tình cờ của một bức ảnh huyền thoại 1
Dorothea Lange, người phụ nữ bằng ống kính của mình đã ghi vào lịch sử gương mặt của những người khốn cùng
Đầu tháng 2/1936, trong khi đang sống trong một ngôi nhà hai phòng ngủ ở California với Taylor và 2 con nhỏ, Dorothea Lange nhận phân công đi chụp ảnh khu ổ chuột và nông trại ở nông thôn và đô thị ở California. Theo dự kiến, nhiệm vụ này sẽ hoàn thành trong vòng 1 tháng nhưng điều kiện thời tiết khắc nghiệt diễn ra dọc vùng duyên hải khiến chuyến đi bị trì hoãn. Cuối cùng, Dorothea Lange cũng tới được Los Angeles, tại đây, bà viết một lá thư cho sếp - Roy Stryker và kể rằng mình đã phải làm việc trong các trang trại trồng đậu trong điều kiện mưa lớn để phục chờ cơ hội chụp ảnh. Cũng tại đây, chưa đầy hai tuần sau, Dorothea Lange đã có được bức ảnh mang tính biểu tượng nhất trong sự nghiệp của mình. Đó là khoảng thời gian tệ hại nhất, mưa đá liên tiếp khiến các trang trại đậu bị phá hoại, người lao động không có công việc, không có tiền để mua thực phẩm. Chính nữ nhiếp ảnh gia của FSA cũng cảm thấy nản lòng, mệt mỏi, cả về thể chất lẫn tinh thần và có ý nghĩ rằng sẽ chỉ chụp lấy lệ những bức ảnh để hoàn thành nhiệm vụ trước khi trở về với thành phố khô ráo, tiện nghi. 
 
Nữ nhiếp ảnh gia đã chuẩn bị hành lý và dự định lái xe quay trở về Los Angeles, trong khi cả trang trại đậu vẫn đang chìm trong biển nước. Đúng lúc đó, Dorothea Lange tình cờ trông thấy một cảnh tượng ảm đạm, một phụ nữ đói lả và tuyệt vọng co ro dưới một tấm vải lều rách nát với những đứa con của mình. Như những gia đình khác, họ đã cố nhặt nhạnh những cọng rau còn sót lại sau mưa đá và những chú chim mà lũ trẻ bắn được để cầm cự qua ngày. Và lúc này, bà Florence Owens Thompson và những đứa con bé đang ngồi trú dưới mái lều trước hàng bạch đàn chắn cát chờ đợi chồng -  Jim Hill và những đứa con lớn đi tìm phụ tùng sửa chữa chiếc xe bị hỏng của gia đình. Dường như bà ngồi đó như đang chờ đợi vận may của gia đình, khi mưa ngừng rơi, mặt đất khô ráo, cây trái đơm hoa kết trái. Nhanh như cắt, Dorothea Lange bấm máy vài kiểu ảnh để chớp lại khoảnh khắc ấy trước khi lên xe và trở về nhà. Tuy nhiên, xa rời vùng đất ẩm ướt của miền Bắc California, trở về Los Angeles, Dorothea Lange lại cảm thấy đây là “một thành phố thấp hèn”. 
 
 
Người mẹ di cư và khoảnh khắc tình cờ của một bức ảnh huyền thoại 2
Bức ảnh nổi tiếng Migrant Mother (Người mẹ di cư)

 
Nhiếp ảnh gia biết rằng những người hái đậu đói khát không thể chờ đợi thêm nữa, khi mà viện trợ từ thủ đô Washington như bóng chim tăm cá. Vốn là con của một cặp vợ chồng di dân người Đức, bà hiểu lúc này họ cần giúp đỡ ngay lập tức vì thế, dù kiệt sức, chỉ vài giờ sau bà đã gửi hai bức ảnh cùng với một bài viết tới tờ San Francisco News. Ngay dưới 2 bức ảnh về Người mẹ di cư là chú thích: “Một gia đình nông dân di cư. Bảy người con đói khát, người mẹ 32 tuổi và người cha, một người California bản địa”. Tới ngày 10/3, Chính phủ liên bang ngay lập tức chi 20.000£ (Khoảng 32.000 USD) để cung cấp thực phẩm cho những người di cư. 
 
Người mẹ di cư và khoảnh khắc tình cờ của một bức ảnh huyền thoại 3
Hai bức ảnh khác của Dorothea Lange chụp người mẹ 32 tuổi -  Florence Owens Thompson
 
Trong lúc nhiếp ảnh gia tiên phong Berenice Abbott đang say mê chụp hình kết cấu đô thị, nhà nhân chủng học Margaret Mead đang bận rộn đặt nền móng cho nhân chủng học hiện đại, Dorothea Lange (1895 – 1965) đã có những bức ảnh tài liệu quý giá về ảnh hưởng của thời đại suy thoái ở California (Mỹ) mà Người mẹ di cư là một thí dụ tiêu biểu nhất. Nhờ bức ảnh này, vào năm 1983, khi nhân vật chính, bà Florence Owens Thompson mắc trọng bệnh, những nhà hảo tâm trên khắp thế giới đã gửi tới 35.000 USD để hỗ trợ nhân vật của Người mẹ di cư điều trị. Ngoài việc xuất hiện ở nhiều bảo tàng trên khắp thế giới, năm 1998, bức ảnh Người mẹ di cư được in trên tem 32 cent trong bộ tem “Celebrate the Century” kỉ niệm những sự kiện quan trọng của thế kỉ 20. Năm 2003, bức ảnh tiếp tục được in trong tập sách ảnh “100 bức ảnh làm thay đổi thế giới” của tạp chí Life. Khi Florence Owens Thompson mất vào năm 1983, trên bia mộ bà có khắc dòng chữ nổi tiếng: Người mẹ di cư - huyền thoại về sức mạnh của phụ nữ Mỹ.

Nguồn: Kênh14

Xem thêm:

Sự bất tử của một bức ảnh báo chí
Một đôi giày và bức ảnh cổ điển đáng giá ngàn lời
The kiss - bức ảnh của tình yêu vĩnh cửu
15 bức ảnh đoạn giải Pulitze khiến cả thế giới bàng hoàng
Time: Những bức ảnh gây trấn động tâm can
Bộ ảnh lột tả cuộc sống của "nô lệ thời hiện đại"
Bộ ảnh chân thực về quá trình sinh nở của người phụ nữ
 

 

 

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755