Iosif Berman_“Người đàn ông ngàn mắt” Giới thiệu nhiếp ảnh gia

 
"Được gọi bằng những danh xưng trìu mến như “Người chụp ảnh làng mạc, nông thôn Rumania”, “Người đàn ông ngàn mắt”, “Thợ săn mây”, Iosif Berman là một cái tên nổi tiếng trong làng nhiếp ảnh Rumania nói riêng và nhiếp ảnh thế giới nói chung."
 
Iosif Berman sinh ngày 17/1/1892 trong một gia đình Do Thái nhập cư ở Burdujeni, gần Suceava (Rumania). Trước khi bước sang tuổi 18, vẫn là một thiếu niên với mái tóc đen và đôi mắt xanh đầy khao khát, Berman đã bắt đầu chụp ảnh hội chợ Bucharest, cho ra đời những bức ảnh với thứ ánh sáng đầy mê hoặc. Nhiều năm sau đó, chàng trai trẻ dành nhiều thời gian để lang thang ở Suceava và Chernivtsi, chụp những cảnh sắc, con người mà anh yêu mến sau đó giành giải thưởng trong một cuộc thi ảnh với bức ảnh chụp nhịp sống đường phố. 
 
 Iosif Berman - "Người đàn ông có ngàn mắt" 1
Người đàn ông có ngàn mắt
 
Tham gia Thế chiến I, Berman là một nhiếp ảnh gia của Trung đoàn. Sau đó, trong khi chụp ảnh Cách mạng Tháng Mười ở Odessa (Nga), những bức ảnh của ông đã bị những người Bolshevik tịch thu, Berman tới thành phố Novorossiysk (Nga) và lập gia đình với một phụ nữ tên là Raisa. Trong ba năm tiếp theo, từ 1920-1923 tích cực hoạt động nhiếp ảnh ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Trở lại Bucharest, ông đã có một giai đoạn rực rỡ nhất trong sự nghiệp khi trở thành một nhân vật được chào đón nhiệt thành ở quê hương Rumania, chuyên chụp ảnh cho các thành viên Hoàng gia và trở thành cái tên quen thuộc trên các tờ báo lớn của Rumania. Thời điểm giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Berman đã ghi lại được nhiều khoảnh khắc quan trọng của lịch sử, là một trong những tay máy được đánh giá cao trên tờ National Geographic và The New York Times. Ông cũng có một cái tên mới - IB Urseanu, để tránh sự chú ý của những thế lực chống Do Thái. 
 
 Iosif Berman - "Người đàn ông có ngàn mắt" 2
Người chơi violon ở trung tâm của Bucharest trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến (1930)

 Iosif Berman - "Người đàn ông có ngàn mắt" 3
Em bé trong giỏ (1930)

 Iosif Berman - "Người đàn ông có ngàn mắt" 4
Gia đình Berman: vợ, Raisa, 2con gái Louise và Matilda 
 
Cởi mở và phóng khoáng, Iosif Berman là nhân vật được đồng nghiệp, công chúng, người thân yêu quý. Tuy nhiên, những năm 1940, khi Đạo luật chống người Do Thái ban hành, nhiếp ảnh gia tài năng đã vô cùng chán nản. Ông bị cấm chụp ảnh trong một sự kiện của Hoàng gia và đã rất đau khổ khi nhiều thế lực bắt đầu ngăn cấm ông thực hành niềm đam mê của mình. Kể từ đó, Iosif Berman rơi vào chứng trầm cảm. Ông không quan tâm tới mọi thứ quanh mình và qua đời cách đó không lâu, vào ngày 17/9/1941 vì bệnh thận nhưng từ chối đến bệnh viện. 
 
 Iosif Berman - "Người đàn ông có ngàn mắt" 5
Người bán gia cầm (1930-1940)

 Iosif Berman - "Người đàn ông có ngàn mắt" 6
Trẻ em chơi đùa trên đường phố ngập lụt (1930-1940)

 Iosif Berman - "Người đàn ông có ngàn mắt" 7
Giờ nhạc (1930-1940)
 
Năm 1945, 4 năm sau cái chết của Berman, một người bạn của ông, nhiếp ảnh gia Geo Bogza đã viết một bài viết tựa đề gây sốc: “Trong ký ức về một nhiếp ảnh gia báo chí”. Bài viết đã ngợi ca công lao của Berman với nền nhiếp ảnh Rumania trong suốt hai thập kỷ với những bức ảnh ghi lại những sự kiện “long trời lở đất” của đất nước và thế giới, những bức ảnh thu hút sự quan tâm của hàng chục ngàn người, một con người tài năng, nhẹ nhàng, khiêm nhường nhưng chỉ nhận lại được sự tôn vinh quá khiêm tốn, thậm chí tin tức về sự qua đời của ông cũng bị bưng bít như một câu chuyện bất hợp pháp, một sự sỉ nhục ghê gớm với giới nhiếp ảnh. Geo Bogza cũng biểu lộ sự ngưỡng mộ với tài năng của Berman và tin tưởng rằng tên tuổi của ông sẽ là vĩnh cửu. 
 
 Iosif Berman - "Người đàn ông có ngàn mắt" 8
Trẻ em trên đường phố của Bucharest (1930-1940)

 Iosif Berman - "Người đàn ông có ngàn mắt" 9
Thợ đóng giày (1930)

 Iosif Berman - "Người đàn ông có ngàn mắt" 10
Người bán hoa ở Romania (1930)
 
Im lặng và khiêm nhường, cả trong công việc lẫn khoảnh khắc rời bỏ cõi trần, Iosif Berman vẫn nhận được sự tôn vinh xứng đáng một khoảng thời gian rất dài sau khi ông qua đời. Nhưng vẫn còn đó những bức ảnh chân thực tuyệt vời của “Người đàn ông ngàn mắt” về làng mạc, người dân thường, người digan mà ngày nay lật lại, những cảm xúc như vẫn còn dâng trào, tươi mới. 

Nguồn: internet

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755