Hướng dẫn sử dụng khi chụp hình bằng máy ảnh DSLR. Thiết bị và máy móc

Bạn đang sở hữu một chiếc máy ảnh DSLR và muốn dùng nó để chụp những bức ảnh đẹp? Để sử dụng tốt máy ảnh DSLR thì bạn cần phải hiểu những thông số cơ bản của máy ảnh. Bài viết này  nhằm hướng dẫn cách sử dụng máy ảnh DSLR cho người mới bắt đầu.

Đào tạo chụp ảnh-cách sử dụng máy dslr

  • Hướng dẫn chụp ảnh khi dùng máy DSLR chuyên nghiệp

1. Các chế độ chụp (MODE)
DSLR có nhiều chế độ chụp, ngoài các chế độ tự động hoàn toàn như full auto nêu trên, còn có các chế độ bán tự động và thủ công hoàn toàn.
- M (manual): Thủ công hoàn toàn. Người chụp điều chỉnh tốc độ chụp, khẩu độ mở, độ nhạy bắt sáng ISO và các yếu tố khác.
- A, Av (aperture priority): Người chụp điều chỉnh khẩu độ mở, máy điều chỉnh tốc độ cửa chập dựa vào đo sáng tự động.
- S, Tv (speed priority): Người chụp điều chỉnh tốc độ cửa chập, máy điều chỉnh khẩu độ mở dựa vào đo sáng tự động.
- P (program): Máy tự điều chỉnh khẩu độ mở và tốc độ cửa chập dựa vào đo sáng tự động, nhưng cho phép người chụp chuyển đổi các tổ hợp tốc độ và khẩu độ khác nhau.
2. Độ nhạy bắt sáng ISO (ISO setting)
DSLR cho phép bạn điều chỉnh độ nhạy bắt sáng ISO của cảm biến. Độ nhạy bắt sáng cao giúp bạn chụp ảnh với tốc độ cửa chập cao trong điều kiện ánh sáng yếu để giảm nguy cơ rung tay máy, nhưng ISO càng cao thì khả năng ảnh bị nhiều cũng tăng (khả năng quản lý nhiễu ISO tùy vào từng loại máy).
Nhiều máy ảnh DSLR cho phép người chụp cài đặt ISO tự động (máy tự điều chỉnh) hoặc thủ công hoàn toàn (người chụp điều chỉnh), và cho phép đặt giới hạn ISO cao nhất hay thấp nhất theo mong muốn.
3. Chế độ đo sáng (Metering mode)
DSLR có nhiều chế độ đo sáng. Thông thường có 3 chế độ:
- Đo sáng toàn khuôn hình (matrix/evaluative): Máy đo sáng toàn bộ khuôn hình, sau đó tính toán và đưa ra giá trị phơi sáng tối ưu. Sử dụng chế độ này khi mọi khu vực trong ảnh có tầm quan trọng gần như nhau về ánh sáng và không ưu tiên một khu vực nào nhất định.
- Đo sáng trung tâm: (center-weighted): Máy đo sáng khu vực trung tâm của khuôn hình, sau đó cân nhắc thêm các khu vực bên ngoài và đưa ra giá trị phơi sáng. Sử dụng chế độ đo sáng này nếu muốn ưu tiên ánh sáng ở khu vực trung tâm của bức ảnh.
- Đo sáng một điểm (single area/spot metering): Máy đo sáng tại điểm người chụp chỉ định (thường trùng với điểm căn nét chính). Sử dụng chế độ này khi chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng phức tạp, có độ khác biệt lớn giữa ánh sáng của chủ thể muốn chụp và hậu cảnh xung quanh.

Đào tạo nhiếp ảnh-cách sử dụng máy dslr

4. Căn nét tự động (Auto focus)
DSLR có nhiều chế độ căn nét tự động và các khu vực, điểm căn nét khác nhau. Ngoài ra, người chụp cũng có thể chuyển qua lại giữa các chế độ căn nét thủ công và căn nét tự động. Thường có các chế độ căn nét sau:
- Căn nét tĩnh (single area / one shot / AF-S): Căn nét các chủ thể tĩnh có kết hợp với điểm căn nét
- Căn nét liên tục (continuos / AI servo / AF-C): Căn nét các chủ thể chuyển động, máy căn nét liên tục theo di chuyển của chủ thể.
- Căn nét tự động hoàn toàn (AF-A, AI Focus AF): Căn nét chủ thể tĩnh và chuyển động, máy chuyển chế độ từ căn nét tĩnh sang căn nét liên tục nếu chủ thể chuyển động.
Các khu vực căn nét:
- Căn nét một điểm (single point / manual AF point): Căn nét một điểm theo điểm căn nét mà người chụp đặt trên máy. Sử dụng chế độ này nếu muốn làm chủ hoàn toàn điểm căn nét bằng cách lựa chọn điểm căn nét trong khuôn hình.
- Căn nét khu vực động (dynamic / AF point expansion): Máy tự động căn nét theo điểm căn nét người chụp đặt trên máy, nhưng khi chủ thể chuyển động, máy sẽ căn nét lại trong phạm vi khu vực xung quanh điểm căn nét đã lựa chọn.
- Căn nét khu vực tự động: Máy tự động hoàn toàn trong việc lựa chọn điểm căn nét, thông thường là các điểm ở gần máy hơn và ưu tiên các điểm ở giữa khuôn hình.
5. Bù trừ sáng và chụp nhóm ảnh (Exposure compensation & Bracketing)
Một trong những khác biệt lớn nhất của máy ảnh DSLR với máy ảnh chụp phim thủ công hoàn toàn là chức năng bù (cộng) trừ sáng theo chế độ đo sáng tự động. Chức năng này kết hợp với chức năng chụp một nhóm nhiều ảnh (3, 5, 7 hoặc hơn tùy từng máy) có độ chênh sáng với nhau theo cài đặt của người chụp, bảo đảm kết quả có được một hoặc nhiều bức ảnh đúng sáng và có ánh sáng đẹp.
• Bù trừ sáng (Exposure compensation)
Bù trừ sáng tự động là chức năng quan trọng mọi người chơi DSLR cần nắm vững và biết cách điều chỉnh. Khi đặt bù trừ sáng, sau khi máy đo sáng tự động sẽ cộng hoặc trừ giá trị phơi sáng theo cài đặt bù trừ sáng của người chụp. Bù trừ sáng ở các chế độ bán tự động:
- Khi đang ở chế độ ưu tiên khẩu độ (A/Av), người chụp đặt khẩu độ mở và máy đo sáng rồi điều chỉnh tốc độ cửa chập phù hợp với ánh sáng đo được (máy giữ nguyên khẩu đã được đặt trước và điều chỉnh tốc độ của chập). Nếu người dùng bật chức năng bù trừ sáng, máy còn đưa vào “công thức” điều chỉnh giá trị bù trừ đang cài đặt, như cộng 0.3, 0.7, 1.0, v.v… khẩu hoặc trừ 0.3, 0.7, 1.0, v.v… khẩu, tức giảm hoặc tăng tốc độ của chập bổ sung vào tính toán cửa chập sau khi đo sáng tự động.
- Khi đang ở chế độ ưu tiên tốc độ (S/Tv), người chụp đặt tốc độ cửa chập và máy đo sáng rồi điều chỉnh khẩu độ mở phù hợp với ánh sáng đo được (máy giữ nguyên tốc độ đã được đặt trước và điều chỉnh khẩu độ mở của ống kính). Nếu người dùng bật chức năng bù trừ sáng, máy còn đưa vào “công thức” điều chỉnh giá trị bù trừ đang cài đặt, như cộng 0.3, 0.7, 1.0, v.v… khẩu hoặc trừ 0.3, 0.7, 1.0, v.v… khẩu, tức mở hoặc khép khẩu thêm để bổ sung vào tính toán cửa chập sau khi đo sáng tự động.
- Nếu trên máy đang đặt chế độ ISO tự động (Auto ISO), khi bù trừ sáng, máy cân nhắc tăng giảm ISO trong phạm vi các giới hạn ISO mà người đặt đã cài, cũng như tính toán để giảm tối đa hiện tượng rung tay máy.

Đào tạo nhiếp ảnh-hướng dẫn chụp máy ảnh dslr

• Chụp nhóm ảnh chênh sáng (Bracketing)
Với chức năng bù trừ sáng tự động, máy DSLR còn thường cho phép chụp liên tục nhiều kiểu ảnh với giá trị chênh sáng dựa vào giá trị bù trừ sáng cài đặt trên máy. Ví dụ: Máy đặt bù trừ sáng với bước bù trừ là 1.0 khẩu, và chụp 3 kiểu liên tục (bracketing), máy sẽ chụp 1 kiểu đúng như giá trị đo sáng tự động, 1 kiểu trừ 1.0 khẩu và một kiểu cộng 1.0 khẩu. Thứ tự các kiểu ảnh chênh sáng này tùy thuộc người chụp cài đặt. Điều này giúp người chụp có được ít nhất 1 kết quả ánh sáng mong muốn nếu khi chụp chưa chắc chắn đo sáng tự động đã hoàn toàn chính xác.
6. Điều chỉnh cân bằng trắng (White balance)
Khác với máy ảnh cơ thủ công chụp phim với việc loại phim quyết định phần lớn màu sắc của ảnh, sử dụng máy ảnh DSLR người chụp còn cần biết cách “cân bằng trắng” (white balance / WB) để ảnh phản ánh trung thực màu sắc chủ thể trên thực tế, cũng như sử dụng chức năng này một cách sáng tạo để tạo ra màu sắc khác thường cho bức ảnh.
Cân bằng trắng, nói ngắn gọn, là cài đặt để máy ảnh DSLR hiểu được thế nào là màu trắng, từ đó “qui đổi” chính xác các màu sắc khác.
7. Chất lượng / kích cỡ ảnh và định dạng ảnh (Quality)
DSLR cho phép chụp ảnh với chất lượng và kích cỡ, cũng như định dạng khác nhau. Định dạng phổ biến nhất là JPEG, còn được gọi là định dạng ảnh nén có mất dữ liệu và định dạng ảnh thô với đầy đủ dữ liệu mà cảm biến thu về. Với định dạng JPEG, máy ảnh DSLR còn có nhiều cài đặt để hậu xử lý ảnh trước khi nén nhỏ thành JPEG như điều chỉnh màu sắc, độ sặc sỡ của bức ảnh hay chuyển ảnh màu thành ảnh đen trắng, ảnh gam vàng giả cổ, v.v…
8. Màn hình máy ảnh
Có 3 màn hình hiển thị quan trọng trên DSLR mà người chụp cần tìm hiểu là:
- Màn hình thông báo chi tiết ảnh (details): Thông báo bức ảnh chụp ở tiêu cự nào, khẩu độ và tốc độ nào, ISO đặt là bao nhiêu, và nhiều thông tin chi tiết khác.
- Màn hình thông báo các khu vực quá sáng trên ảnh (highlights): Đây là khu vực quá sáng mất hết toàn bộ chi tiết (chỉ còn màu trắng). Các khu vực này sẽ nhấp nháy trên màn hình LCD khi xem ảnh, giúp người chụp điều chỉnh lại giá trị phơi sáng nếu cần thiết.
- Biểu đồ ánh sáng Histogram: Là một hoặc nhiều (thường là 4) biểu đồ thông báo diện tích các khu vực ở các cường độ ánh sáng khác nhau. Thường có 1 biểu đồ ảnh sáng chung của bức ảnh và 3 biểu đồ cho mỗi kênh màu trong hệ màu RGB (đỏ lục lam). Hiểu được biểu đồ ánh sáng biểu diễn như thế nào giúp người chụp kịp thời điều chỉnh giá trị phơi sáng (ISO, tốc độ và khẩu độ) để ảnh đẹp hơn.

Đào tạo nhiếp ảnh-chụp nhiếp ảnh bằng máy dslr

9. Ống kính và kính lọc (Lenses & Filters)
DSLR là máy ảnh gắn ống kính rời. Để sử dụng ống kính một cách hiệu quả và phù hợp cho thể loại ảnh muốn chụp, cần tìm hiểu các tính năng và cách sử dụng ống kính rời.
Các đặc điểm thường thấy ở ống kính: Tiêu cự của ống kính, ống kính cố định và ống kính có zoom, ống kính có khẩu độ mở tối đa cố định và khẩu độ mở tối đa thay đổi, ống kính có mô-tơ căn nét bên trong ống kính và ống kính không có mô-tơ căn nét bên trong, ống kính có chức năng căn nét tự động hoặc/và thủ công, ống kính có chống rung, v.v…
Ống kính cũng thường được sử dụng với các kính lọc phục vụ nhiều mục đích như bảo về ống kính, tạo màu, tạo hiệu ứng tia sáng hình sao, chụp trời mây, chụp với tốc độ chậm (gọi nôm na là phơi sáng) trong điều kiện anh sáng mạnh, v.v…
10. Đèn ảnh, đèn chớp (Flash)
DLSR thường có đèn flash gắn trên nóc máy (đèn cóc) và đều có thể sử dụng kết hợp với các loại đèn rời để tăng hiệu quả ánh sáng. Để sử dụng đèn hiệu quả, cần biết được một số tính năng và cách điều khiển đèn.

 

Sưu tầm

Xem thêm:
Cho người mới cầm máy DSLR
10 lý do để mua máy ảnh DSLR
Kinh nghiệm "chuẩn" khi chọn mua DSLR
Kinh nghiệm mua máy DSLR cũ
ý nghĩa các thông số ống kính DSLR

 

 

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755