Hướng dẫn chụp ảnh chân dung đẹp Kiến thức - Kỹ thuật nhiếp ảnh

Dù là chuyên nghiệp kiếm tiền hay đơn thuần giải trí, cũng sẽ không tránh khỏi những lúc chúng ta được yêu cầu (hoặc nhờ vả) thực hiện vài pô ảnh chân dung cho một người mà trước đó chúng ta chưa từng quen biết, hoặc chỉ có mối quan hệ sơ sơ.

Trong trường hợp này, hãy cố gắng dành ít thời gian trước buổi chụp (hoặc thậm chí gặp nhau trước buổi chụp vài ngày) để làm quen với mẫu. Bắt đầu bằng vài câu hỏi mang tính chất mở chuyện (hỏi họ tên, tuổi tác, nghề nghiệp,…), kế đến là vài câu chuyện hài hước tạo không khí vui vẻ, thoải mái, và cuối cùng là trao đổi trước về công việc sắp tiến hành. Việc làm quen với mẫu trước khi chụp sẽ giúp chúng ta giải quyết được một số vấn đề sau đây:

Sự ái ngại của cả hai bên: 

Thói quen thường tình, khi đứng trước một người lạ, rất khó để ta có thể “diễn xuất” thoải mái, tự nhiên trước ống kính của người đó. Mẫu ở đây cũng không phải ngoại lệ. Ở chiều ngược lại, người chụp ảnh tại Việt Nam thường phải đảm nhiệm luôn cả công việc của một stylish hay photography director (tạo hình diễn xuất cho mẫu), nên nếu không có một sự quen biết nhất định trước, cũng sẽ cảm thấy ái ngại, khó có thể thoải mái “hò hét”, “quát tháo” để đạt được kết quả ảnh chụp như mong muốn.

–          Tư tưởng chủ đạo của bộ ảnh: 

Cùng trao đổi trước về ý tưởng của bộ ảnh sắp tiến hành giúp tránh khỏi việc phung phí thời gian, sức lực vào những pô hình không để làm gì. Nếu buổi trò chuyện diễn ra vài ngày trước ngày chụp, có thể điều này còn giúp ích cho việc chuẩn bị phục trang, trang điểm và tạo cơ hội cho người chụp cũng như mẫu có thêm thời gian suy nghĩ ý tưởng thêm cho bộ ảnh.

–          Dấu ấn riêng: 

Ảnh chụp của bạn sẽ chỉ như bao tấm hình chân dung vớ vẩn tìm thấy trên mạng khác, nếu nó không có dấu ấn của người cầm máy và nhân vật trong tấm hình. Thông qua việc làm quen, bạn sẽ có những đánh giá ban đầu về tính cách của mẫu, cũng như cho mẫu hiểu được phần nào về phong cách làm việc và ảnh chụp của bạn. Từ đó có được sự kết hợp ăn ý để cùng tạo nên một bộ ảnh mang dấu ấn riêng của cả hai người.

Lựa chọn không gian, thời điểm chụp

Việc lựa chọn không gian, thời điểm chụp phụ thuộc vào tư tưởng chủ đạo của bộ ảnh. Từ đó dẫn tới việc chuẩn bị trang thiết bị chụp sao cho phù hợp. Ví dụ như khi định thực hiện bộ ảnh trong một quán cà phê nhỏ với ánh đèn vàng mờ ảo vào buổi tối, thì ống kính tele có thể vứt ở nhà. Thay vào đó là một hoặc một vài ống kính góc rộng đến tầm trung với độ mở lớn, kèm theo các thiết bị chiếu sáng như đèn flash ngoài chẳng hạn.

Khoảng cách giữa người chụp và mẫu

Nhiều người tin rằng, sử dụng ống kính tele trong ảnh chụp chân dung là lý tưởng. Điều này được giải thích bởi tỷ lệ tương quan giữa chủ thể và hậu cảnh trong ảnh chụp bằng ống kính tele sẽ gần giống với thực tế hơn là sử dụng ống kính góc rộng.

Tiêu cự của ống kính tạo ra góc nhìn rộng (ống góc rộng, ảnh trên) hoặc hẹp (ống tele, ảnh dưới) và do đó tạo ra hiệu ứng khác nhau về tỷ lệ kích thước giữa chủ thể (màu hồng) với hậu cảnh (màu xanh). Khung chữ nhật (camera’s view) chính là kết quả ảnh chụp ra với sự khác nhau về tỷ lệ này.

Tuy vậy, sử dụng ống tele để chụp chân dung có vài điểm bất lợi:

–          Khoảng cách lấy nét tối thiểu xa đòi hỏi không gian chụp phải rộng lớn. Không thích hợp với chụp trong không gian nhỏ như quán cà phê.

–          Khoảng cách giữa người chụp và mẫu xa khiến việc trao đổi thông tin (ví dụ như yêu cầu mẫu thay đổi tư thế) khó khăn hơn.

–          Khó chụp chân dung toàn thân hay chân dung với phần tiền cảnh và hậu cảnh lớn.

–          Ống tele với góc nhìn hẹp không chỉ làm giảm tỷ lệ kích thước giữa các vật thể, mà còn tạo cảm giác thu nhỏ khoảng cách giữa các vật thể lại với nhau, do đó làm giảm chiều sâu ảnh.

Đó là lý do tại sao trong phần 1 của loạt bài viết Hướng dẫn chụp ảnh chân dung, người viết khuyến cáo bạn đọc nên có cả hai ống kính, một wide (35mm) và một tele (85mm) để sử dụng kết hợp với nhau.

Các quy tắc trong ảnh chân dung

Ảnh chân dung thông thường chia làm ba loại: đầu-vai, ¾ người và toàn thân. Dù là với kiểu chụp nào cũng cần tuân theo các quy tắc sau đây:

Tránh chụp trực diện khuôn mặt

Chụp ảnh chân dung với khuôn mặt mẫu nhìn thẳng vào ống kính dễ gây cảm giác bức bối, khó chịu cho người xem. Nếu là ảnh chụp đặc tả khuôn mặt hoặc bán thân thì nó còn giống như là ảnh thẻ hoặc ảnh… tội phạm nữa. Quy tắc này chỉ nên bị phá vỡ bởi những tay máy đã có nhiều kinh nghiệm, biết lợi dụng nguồn sáng và bóng đổ để tạo ra sự khác biệt giữa các phần trên khuôn mặt, hoặc bằng trang điểm và khả năng diễn xuất của mẫu mà thôi.

Ảnh chụp trực diện đòi hỏi sự tinh tế và sáng tạo trong sử dụng ánh sáng – bóng đổ. Ảnh: Internet.

Tư thế và hướng xoay của đầu

Kết hợp với quy tắc 1/3, hướng xoay của đầu (trong trường hợp không chụp trực diện) nên hướng về khoảng không gian rộng hơn trong khung ảnh.

Phần không gian phía trước mặt chủ thể lớn hơn phần không gian sau lưng, tạo cảm giác về sự phát triển và

phương hướng của tấm hình. Ảnh: Internet.

Tư thế của đầu được chia làm 3 kiểu: 7/8, ¾ và “profile”:

Ở vị trí 7/8, một bên mặt của mẫu sẽ được thấy nhiều hơn nửa còn lại, tuy nhiên ta vẫn thấy đươc đến hết phần chân mày của nửa mặt bên kia:

Tư thế 7/8. Ảnh: Internet.

Ở vị trí ¾, bên tai ở nửa kia khuôn mặt hoàn toàn bị khuất đi.

Tư thế ¾. Ảnh: Internet.

Với “profile”, ta chỉ thấy một bên khuôn mặt.

Tư thế “profile”. Ảnh: Internet.

Khai thác góc máy đẹp

Cơ thể con người chia làm hai nửa phải – trái. Tuy nhiên hai nửa này không hoàn toàn giống nhau. Vậy nên hãy thử chụp từng bên một để chọn ra được góc máy đẹp nhất, từ đó tập trung khai thác góc máy đã xác định được. Tránh chụp ở những góc máy phô bày khiếm khuyết của mẫu.

Đặc tả đôi mắt

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, khi chụp ảnh chân dung, hãy chọn chế độ lấy nét tự động một điểm (one point autofocus), và luôn luôn lấy nét vào đôi mắt của mẫu.

Độ cao của máy khi chụp

Khi chụp, cần giơ máy lên ở một độ cao tương đương với các mức như sau:

Với ảnh chụp đầu-vai, máy phải cao ngang bằng đỉnh mũi của mẫu.

Ảnh: Vi Khoa.

Với ảnh chụp ¾ người, độ cao của máy phải trong khoảng từ thắt lưng tới vai của mẫu.

Ảnh: Internet.

Với ảnh chụp toàn thân, máy phải đặt ngang bằng thắt lưng của mẫu.

Ảnh: Internet.

Các điểm này được gọi là các điểm chuẩn. Khi đưa máy lên cao hơn điểm chuẩn và chụp chúc xuống, ta sẽ tạo ra hiệu ứng “đầu to đít bé”, và ngược lại, khi hạ thấp hơn điểm chuẩn rồi hất máy chụp lên, ta sẽ tạo ra hiệu ứng “chân dài” cho chủ thể.

Bố cục trong ảnh chân dung

Quy tắc 1/3 vẫn rất hữu dụng trong ảnh chụp chân dung. Bạn đọc nên nắm vững và áp dụng thật nhuần nhuyễn quy tắc này, như GenK đã trình bày trong các bài viết trước.

Ngoài ra, có thể áp dụng bố cục hình tam giác. Đây là quy tắc gây ấn tượng nhất bởi sự vững chãi và cảm giác cân bằng mà nó tạo ra.

Bố cục tam giác 1 người. Ảnh: hafoto.

Bố cục tam giác nhóm. Ảnh: hafoto.

Và hai bố cục dễ chịu khác là dạng hình chữ L (L-shaped) và chữ S (S-shaped):

Bố cục L-shaped. Ảnh: hafoto.

Bố cục S-shaped. Ảnh: hafoto.

Vậy là GenK đã giới thiệu tới bạn đọc xong loạt bài viết về Ảnh chụp chân dung. Trong bài viết tuần tới, GenK sẽ bắt đầu loạt bài viết mới về Ảnh chụp phong cảnh. Nhưng trước hết, xin mời các bạn nhấn vào đường link dưới đây để download về file tài liệu 100 tư thế pose của mẫu (cả nam lẫn nữ) trong nhiếp ảnh chân dung. Đây là món quà hữu ích mà GenK hy vọng sẽ giúp các bạn trở thành một tay máy với khả năng “chỉ đạo diễn xuất” thật tốt.

Tổng hợp

 

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755