Đột phá với công nghệ in 3D chất liệu thủy tinh Khóa học in chuyển nhiệt hình ảnh

Trong vài năm gần đây, công nghệ in 3D đã phát triển ngày một nhanh chóng, góp mặt vào không ít lĩnh vực quan trọng trong đời sống. Nguyên liệu in 3D thường thấy là nhựa hoặc kim loại. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã chế tạo thành công quá trình in 3D bằng thủy tinh trong suốt và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đẹp đến ngỡ ngàng.

Công nghệ in 3D hoàn toàn mới này có tên G3DP, giúp tạo ra những sản phẩm bằng chất liệu thủy tinh trong suốt có độ chính xác cực cao. Quá trình này là một chu kỳ chuyển động quay đều được điều chỉnh với đầu phun được nung nóng lên đến nhiệt độ hơn 1000°C nhằm tạo hình nhiều vật thể có hình dạng, độ trong suốt và màu sắc đa dạng.

Theo đó, bằng cách điều chỉnh độ dày của vật thể, người ta có thể kiểm soát được cường độ, sự phản chiếu và khúc xạ của ánh sáng đi qua vật thể. Các sản phẩm được hoàn thiện đều có độ tinh xảo và chi tiết rất cao, nếu kết hợp cùng nguồn sáng thích hợp từ trên cao sẽ giúp tạo ra nhiều hiệu ứng ánh sáng hết sức vui mắt.

Đầu phun "mực in" thủy tinh được nung nóng lên đến trên 1000°C.

Mặt khác, kỹ thuật này còn có thể được áp dụng nhằm cải thiện công nghệ thiết kế và chất lượng của các sản phẩm quang học, đặc biệt là sợi cáp quang học. Bởi về cơ bản, sợi cáp quang học hoàn toàn có khả năng tham gia tốt vào nhiều mục đích khác nhau như xây dựng công trình, truyền dẫn ánh sáng và đương nhiên là cả dữ liệu. Ngoài ra, công nghệ in 3D bằng thủy tinh còn có tiềm năng rất hứa hẹn trong việc thiết kế nội thất gia đình hay các giải pháp ánh sáng chuyên biệt.

Công nghệ chế tạo thủy tinh bằng in 3D có độ chính xác rất cao.

Hiện tại, MIT vẫn chưa tiết lộ thông tin chi tiết về công nghệ mang tính đột phá này. Được biết, cách đây không lâu, một công ty không mấy tiếng tăm của Israel đã tự hào công bố thành tựu của mình trong việc phát triển công nghệ in 3D bằng thủy tinh, sử dụng đầu phun có nhiệt độ trên 1600°C. Tuy nhiên, các sản phẩm của công nghệ có tên Micron3DP này vẫn chưa được hoàn thiện về mặt hình thức, cũng như độ trong suốt của thủy tinh vẫn chưa được tối ưu như kỹ thuật G3DP của MIT.

Các sản phẩm in 3D đều có độ tinh xảo rất cao, kết hợp cùng nguồn sáng tạo ra nhiều hiệu ứng ánh sáng lộng lẫy.

Với công nghệ mới này, nhóm nghiên cứu của MIT sẽ bắt đầu thử nghiệm trên nhiều hệ thống kiến trúc khác nhau, sử dụng kỹ thuật in 3D trong tạo hình và thiết kế các chi tiết kiến trúc phức tạp. Trong đó, rất có khả năng nhóm sẽ tập trung nghiên cứu chế tạo các đường truyền dẫn nội bộ nhằm phân phối không khí, nước và các chất sinh học theo nhiều cách độc đáo.

Tổng hợp

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755