Cùng ngắm 7 thập kỷ nhiếp ảnh Liên Xô cũ qua ảnh Thông tin tổng hợp

Triển lãm “Soviet Photo” ở thủ đô Moscow, Nga giới thiệu gần 70 năm nghệ thuật thị giác tiên phong của nước này, tính từ năm 1927 tới khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Cùng ngắm 7 thập kỷ nhiếp ảnh Liên Xô cũ qua ảnh

Tạp chí Soviet Photo thành lập năm 1927. Từ đó cho tới năm 1991, tạp chí này đã ghi nhận quá trình phát triển văn hóa thị giác tiên phong của Liên Xô. Triển lãm Soviet Photo vừa khai mạc tại trung tâm nhiếp ảnh Lumiere Brothers ở Moscow (Nga) tái hiện quá trình này.

Tắm cho người vô gia cư là bức ảnh do Arkady Shaikhet - một trong hai người sáng lập tạp chí ảnh Soviet Photo - chụp năm 1927. Trong lịch sử nhiếp ảnh Liên Xô, tên tuổi ông gắn liền với sự xuất hiện của loại ảnh báo chí có tên "phóng sự nghệ thuật" (artistic reportage) nhằm ghi chép lại quá trình xây dựng của Liên Xô.

Những bố cục chéo là phong cách đặc trưng được nhóm chụp ảnh tả khuynh nổi tiếng - Tháng Mười - sử dụng. Khẩu hiệu của nhóm là: "Thời đại mới cần những hình thức mới!". Bức ảnh có tên Công nghệ quyết định mọi thứ, chụp vào những năm 1930.

Bức ảnh Tuổi trẻ do Boris Ignatovich chụp năm 1937. Hình ảnh cho thấy những nhà nhiếp ảnh thế hệ sau có sự dịch chuyển sang trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa, vốn quy định những bức ảnh phải làm được nhiều hơn việc miêu tả hiện thực.

 

Nhiếp ảnh gia Alexander Khlebnikov nổi tiếng với vai trò người sáng lập Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đổi mới (Innovator Photography Club). Ông là người tiên phong trong nhiếp ảnh tĩnh vật. Trứng cho bữa ăn kiêng (1939) là một trong vô số tác phẩm ông chụp về đồ dùng trong các gia đình người Nga thập kỷ 1930.

Khi Thế Chiến II nổ ra, nhiếp ảnh báo chí cũng "nhập ngũ" để bảo vệ "nước Nga vĩ đại”. Bức ảnh Kẻ thù (1944) của nhiếp ảnh gia chiến trường Anatoli Egorov cho thấy hạ sĩ Stepan Vasijlevich Ovcharenko dùng súng máy bắn vào quân địch. Bản thân Anatoli Egorov cũng nhiều lần bị thương ngoài mặt trận.

 

Nhiếp ảnh gia George Petrusov được gọi là bậc thầy của nền nhiếp ảnh Liên Xô, chơi thân với họa sĩ nổi tiếng Alexander Rodchenko cũng như nhà làm phim Sergei Eisenstein. Ông là người ghi lại khoảnh khắc vui mừng của mọi người khi Thế Chiến II kết thúc qua bức ảnh mang tên Gặp gỡ người chiến thắng (1945). Họa sĩ Alexander Rodchenko ca ngợi Petrusov: “Ông ấy như miếng bọt biển, hấp thụ mọi thứ về nhiếp ảnh”.

 

Sau Thế Chiến II, nhiếp ảnh gia Vsevolod Tarasevich trở về từ chiến trường, làm việc cho các tạp chí Sovyetsky Soyuz (Liên bang Xô Viết), Ogonyok (Ngọn lửa nhỏ), Rabotnitsa (Nữ công nhân) cũng như tạp chí ảnh Soviet Photo. Phần lớn những bức ảnh ghi lại tác dụng và thành tựu khoa học, công nghệ. Bức ảnh này mang tên Nhà máy xi măng, chụp năm 1954.

Nước hoa Số 8 là bức ảnh thứ tám trong series ảnh về nước hoa, cho thấy sự chuyển đổi của Alexander Khlebnikov sang nhiếp ảnh quảng cáo và thời trang vào những năm 1950. Ảnh được chụp năm 1958.

 

Bức The Twelfth Symphony (1961) chụp chân dung nhà soạn nhạc nổi danh Liên Xô cũ - Dmitry Shostakovich. Bức hình thể hiện sự chuyển đổi trong phong cách chụp chân dung của các nhiếp ảnh gia thập kỷ này. Thay vì chụp chân dung sắp đặt như các đàn anh cũ, Vsevolod Tarasevich chọn lúc nhân vật đang nghỉ ngơi giữa lúc biểu diễn và bí mật chụp. 

Năm 1963, nhà lãnh đạo Cuba - Fidel Castro - dành 38 ngày thăm toàn bộ Liên Xô. Ông là vị nguyên thủ quốc gia duy nhất làm điều đó. Sự kiện này được báo chí Liên Xô thông tin rộng rãi. Trong bức ảnh trên, Fidel và Khruschev đang ăn trưa tại một hợp tác xã ở Georgia. Ảnh chụp bởi Vasily Egorov.

Đằng sau hậu trường nhà hát Bolshoi (1983) là bức hình thuộc bộ ảnh được đề cử giải "Ảnh Báo chí Thế giới" đầu tiên của nhiếp ảnh gia Vladimir Vytkin.

 

Những năm cải tổ kinh tế - chính trị dưới sự lãnh đạo của Mikhail Gorbachev cũng là thời gian nhiếp ảnh gia Vadim Guschin vào nghề. Năm 1989, ông cho ra đời bộ ảnh phong cách hỗn hợp (mixed-media) mang tên Trang nhật ký quân đội. Đây là một trong những bức hình ấn tượng cuối cùng trước khi Liên Xô tan rã.

Tổng hợp

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755