Chơi máy ảnh phim - thú chơi không lỗi mốt Thông tin tổng hợp

Đọc bài “than thở” về thú chơi máy ảnh phim ở tạp chí tháng trước, mấy anh bạn tôi tỏ vẻ thông cảm cho cái thói “nghiện ngập” và cười khẩy với những “triết lý” có vẻ hoành tráng được dẫn ra. Họ cũng toàn những “gã nghiện”, chỉ khác nhau ở chỗ dành cuộc đời cho điều gì, bình thường hay vô thường: không xe cộ, nhạc nhẽo, đàn sáo… thì dành hết cho gia đình. Tôi chưa gặp người không có sở thích gì. Thế thì chơi máy ảnh phim có gì mà lạ?

Chắc phải có đến cả nghìn lý do (hoặc nhiều hơn thế) để gắn bó với máy ảnh phim. Nhưng tôi xin kể “câu chuyện” đã gặp khá nhiều và có thể nhiều người cũng cảm thấy quen thuộc.
 
Để có những bức ảnh đẹp cần ba yếu tố cơ bản: khoảnh khắc, thiết bị và kỹ năng. Trong đó, khoảng khắc luôn biến chuyển và cần chút may mắn. Vậy nên, hầu hết người cầm máy cố gắng nâng cao hai yếu tố còn lại.
 
Đương nhiên thông dụng nhất vẫn là máy ảnh kỹ thuật số. Cũng như các thiết bị công nghệ khác, hiện nay, nhà sản xuất máy ảnh thường cố gắng cải tiến sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hết tăng độ phân giải lại đến xử lý nhiễu tốt hơn. Tất cả yếu tố thuộc về công nghệ sẽ sớm bị coi là lạc hậu khi không tự hài lòng. Nhiều nhiếp ảnh gia cũng muốn chạy đua để nâng yếu tố thiết bị nên tầm cao mới.
 
 
Nhưng trên thực tế, không phải cứ máy ảnh hiện đại mới cho ra ảnh đẹp. Những công nghệ đang được phát triển thường hướng đến mục tiêu giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Nếu không tin, cứ lật lại lịch sử, từ những máy cũ kỹ, lạc hậu vẫn cho ra những bức ảnh tuyệt vời. Hẳn ai cũng biết những chiếc xe không thể tự lái, máy đánh chữ không thể tự viết ra tác phẩm và những cây cọ của Rembrandt cũng không thể tự vẽ. Có lẽ các bạn đã hiểu được điều quan trọng nhất ở thiết bị chính là phù hợp chứ không phải hiện đại. Và người dùng nên tìm hiểu kỹ chiếc máy đang cầm trong tay chứ không phải cố bỏ tiền để mua máy đắt tiền. Càng bỏ ít thời gian quan tâm đến dòng chảy của thiết bị, chúng ta càng có nhiều thời gian đầu tư cho việc tạo ra những bức ảnh đẹp.
 
Với suy nghĩ này, nhiều nhiếp ảnh gia đã quyết định tìm mẫu máy có thể gắn bó với niềm đam mê, cho dù có thể vẫn sử dụng chiếc máy khác cho công việc. Nhưng điều quan trọng nhất là khả năng bền bỉ và chất lượng quang học của ống kính. Về điểm này, máy ảnh cơ vẫn có ưu thế hơn. Bởi thành phần dễ hỏng nhất của máy ảnh là cảm biến và vi mạch, chứ cơ phận thì bền lắm. Tôi đã nghe chuyện những chiếc Leica có thể hoạt động ngon lành cả trong môi trường băng tuyết, nhiệt độ xuống đến âm 30 độ C.
 
 
Thêm nữa, quang học cũng là lĩnh vực hiếm hoi ít bị ảnh hưởng bởi công nghệ. Đến từ Nhật Bản, Canon, Nikon, Pentax hay Sony là những thương hiệu hàng đầu về máy ảnh nhờ cải tiến công nghệ liên tục. Nhưng các ống kính hàng đầu thế giới vẫn thuộc về những hãng bị coi là bảo thủ đến từ Đức như Carl Zeiss và Leica. Thậm chí, nhiều thấu kính và lớp tráng phủ của hai nhà sản xuất này được chế tạo trong hàng chục năm. Chất lượng có thể giữ được cả trăm năm.
 
Nếu tìm được mẫu máy ảnh cơ phù hợp, các nhiếp ảnh gia có thể “chung tình” với nó. Thi thoảng thay phim, lau chùi hoặc tra đầu. Với những người này, chắc phải đến khi tất cả hãng sản xuất phim đóng dây chuyền mới có thể từ bỏ thú chơi này.
 
Với những người cho rằng chỉ máy ảnh kỹ thuật số mới tạo ra các ma trận trên thị trường camera, thì có lẽ nên nghĩ lại. Bởi trước đó máy ảnh phim đa dạng đến mức chẳng mấy ai dám vỗ ngực tự nhận là am tường tất cả, kể cả Google cũng chẳng thể biết hết. Ngay cả khi bị hỏng, máy ảnh phim vẫn có thể thực hiện chức năng của một cái “cà vạt” đẹp và lạ hay đơn giản là cái “chặn giấy” để trưng bày ở phòng khách, mặt tiền cửa hàng. Thậm chí, nhiều tay chơi còn mở dịch vụ bán máy ảnh hỏng hoặc gần hỏng.
 
Nếu lôi ra chụp, máy ảnh phim có cái thú mà máy ảnh kỹ thuật số không có được, trong đó thú nhất là... thay phim. Công nghệ sản xuất phim của mỗi hãng khác nhau khiến chất ảnh có điểm không tương đồng. Dễ thấy nhất là ở màu sắc và độ tương phản. Tùy theo mục đích, người dùng có thể chọn loại phim tối ưu như Kodak Porta 160 cho chân dung, Fujifilm Velvia 50 chuyên phong cảnh, chụp vui thì Uxi Super 200 hay Kodak Color Plus cho tiết kiệm. Nếu khó tính hơn, có thể tìm phim dương bản (hay còn gọi là Slide phim) hoặc các định dạng phim lớn hơn.
 
 
Medium Format hay Large Format có khổ phim lớn hơn phim 135 thông dụng, cho góc nhìn rộng hơn, rất hữu ích trong các nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh phong cảnh hay kiến trúc chuyên nghiệp cần độ chi tiết cao hoặc in ấn khổ lớn. Trong những trường hợp này, máy kỹ thuật số không giúp người chơi nhiều, ngoại trừ bớt được khâu tráng rửa do mọi việc cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, kể cả ánh sáng. Hiện nay, đa phần máy ảnh tích hợp sẵn cảm biến cố định, trừ dòng GXR của Ricoh hay Hasselblad V-series. Vì thế, nếu muốn thay cảm biến loại khác, người chơi phải thay thân máy hoặc chụp RAW rồi chuyển qua Photoshop.
 
Sẽ thiếu sót nếu bỏ qua Lomo hay Lomography. Những máy ảnh Lomo thường rẻ, cao cấp cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng do sử dụng vật liệu và phương pháp sản xuất rất đơn giản. Thậm chí thứ gọi là ống kính thực chất cũng có thể làm từ nhựa tổng hợp màu trong suốt. Nhưng những điều này không có hề chi. Nhựa giúp thân máy rẻ, nhẹ nhàng, “đem theo máy bất kể đang ở đâu”. Lomography có lẽ là niềm tự hào lớn của dân chơi máy ảnh phim bởi phong cách sáng tạo mà máy kỹ thuật số hay những phần mềm chỉnh sửa ảnh dạng “ăn liền” chưa thể bắt chước.
 
Những ống kính chất lượng thấp và kỹ thuật tráng rửa trái quy chuẩn Crossing Processing gây ra sự biến dạng về màu sắc và hình khối, thậm chí cả hiện tượng lóe sáng và tối 4 góc ảnh khiến những bức ảnh kiểu Lomography có phong cách độc đáo và lôi cuốn. Thiết kế máy tự động cộng với khẩu hiệu nổi tiếng Don’t think, just shoot/Đừng suy nghĩ, cứ chụp đi của phong cách này khiến người chơi có những giây phút giải tỏa thực sự sau cuộc sống bận rộn, tù tùng.
 
Nhưng có lẽ lợi thế lớn nhất của thú chơi máy ảnh cổ là giúp người sở hữu yên tâm về thiết bị và tập trung nâng cao trình độ của bản thân. Bởi trình độ của người chụp quan trọng hơn nhiều thiết bị. Cứ mãi lụy vào việc thiết bị chưa đủ tốt, thì trình độ khó lòng tiến triển. Vì thế, đến nay, một số trung tâm dạy nhiếp ảnh ở Việt Nam vẫn lấy máy ảnh phim làm cơ bản.
 
 
Thậm chí, khi học nhiếp ảnh hay học chụp ảnh, nhiều người vẫn khuyên học lại từ đầu. Tức là đo sáng bằng mắt và lấy nét bằng tay. Nếu biết zone 5 là gì? Các chất liệu phản xạ ánh sáng như thế nào? Khi đó, người chơi sẽ chủ động hơn khi nhấn nút chụp. Công nghệ sinh ra để phục vụ con người nên tiện thật đấy. Nhưng có lẽ còn rất lâu để máy móc tiến gần đến mức tự động hoàn hảo. Thông thường, ngay cả chế độ đo sáng điểm (spot metering) của những máy ảnh tiên tiến hiện nay cũng chỉ có thể đo sáng 3-5% toàn cảnh chụp mà thôi. Trong điều kiện phức tạp, chúng tôi thường mang theo máy đo sáng ngoài, chẳng khác các thế hệ trước bao xa.
 
Nếu cứ nghĩ rằng máy ảnh phim cũ kỹ yếu thế trước xu hướng kỹ thuật số hiện đại, thì chưa hẳn đã chính xác. Nếu cảm thấy không cần có sự thuận tiện, hãy thử quay lại những thước phim nhiều cảm xúc và những chiếc máy cơ học bền bỉ, đáng tin cậy. Nếu không thấy phù hợp, ít nhất bạn cũng có được nhiều bài học bổ ích trong thù chơi này.
 
Tổng hợp

 

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755