Chơi máy ảnh cổ - nghề chơi cũng lắm công phu Thông tin tổng hợp

Cổ đồng nghĩa với cũ và bất tiện. Ấy thế mà máy ảnh cổ vẫn như dòng chảy ngầm bất tận trên thị trường đang tràn ngập máy ảnh số, cho dù cuộc chơi máy ảnh cổ cũng lắm truân chuyên.

Với những người chót đam mê cuộc chơi máy ảnh cổ, họ không dễ chấp nhận đổi chiếc máy cũ mèm để lấy sản phẩm mới có kiểu dáng thiết kế hiện đại và tiện dụng. Bởi thú chơi máy ảnh cổ (hay cũ) ấy không đơn giản thuần là chơi thiết bị có tuổi đời vài chục năm mà còn gắn chặt với tình yêu nhiếp ảnh cùng phương châm và triết lý cuộc sống.

 
Hiếm từ phim…
Trong thời gian gần đây, các bài báo đề cặp đến thú chơi máy ảnh cổ sống lại hay trở lại thi thoảng xuất hiện. Tuy nhiên, có vẻ như ý kiến này chưa thật sự xác đáng do nhiều người chỉ nhìn vào những nhóm, diễn đàn trên mạng internet để đưa ra đánh giá, nhận định. Trong khi đó, những người chơi đồ cổ thường không chuộng các xu hướng công nghệ mới.

Giống như cuộc sống, thú chơi máy ảnh cổ cũng trải qua nhiều biến động và thăng trầm. Tuy nhiên, cuộc chơi này chưa bao giờ kết thúc mà chỉ thầm lặng hơn và đa dạng hơn.

Hiện nay, ranh giới để gọi là máy ảnh cổ khá nhập nhằng. Hầu hết đều mặc định những mẫu máy ảnh đã ngưng sản xuất và sử dụng phim là cổ, chứ không cần biết tuổi đời trên 40 hay 60 năm như dân chơi xe cộ. Nếu không quá khó tính, thì tiêu chuẩn này có thể chấp nhận. Bởi các hãng sản xuất phim danh tiếng như Agfa, Konica đã đóng cửa hoặc dỡ bỏ dây chuyền. Fujifilm và Uxi cũng ngưng bán một số loại phim kiểu 24mm.

 
Đó là thị trường thế giới. Người chơi máy phim ở Việt Nam còn vất vả hơn. Bởi thị trường hiện không còn phim chính hãng. Điều đó đồng nghĩa với việc tất cả phim đến tay người dùng qua đường xách tay. Không chỉ bị đội giá, hiện tượng khan hàng hoặc không đúng ý cũng thường xuyên xảy ra. Thậm chí, nhiều người phải chọn mua phim hết đát (out date) cho rẻ và chịu đánh đổi một chút chất lượng.
 
Thành ra, chơi máy phim giờ chẳng còn là thú vui bình dân. Một cuộn phim màu cỡ 135 phổ thông kiểu Kodak Color Plus 200 hiện có giá 35-50 nghìn đồng. Mỗi lần tráng phim rồi scan lên máy tính lại mất thêm 30-40 nghìn đồng. Nếu khoảng một tuần chụp hết một cuộn phim, người chơi sẽ mất 260-360 nghìn đồng/tháng. Nếu muốn sử dụng phim đen trắng, phim dương bản, phim cỡ 120 hay các loại phim chất lượng cao khác, thì người chơi có thể mất bạc triệu mỗi tháng.

 
Một bộ máy ảnh phim “còn cứng” thường dao động trong khoảng 3-10 triệu đồng, tùy phụ kiện và độ quý hiếm. Chẳng mấy chốc mà tiền mua phim, tráng rửa vượt quá tiền máy. Thế nên, nếu muốn rẻ, đừng tìm đến máy ảnh phim.
 
... Đến máy
 
Trong những năm gần đây, lượng máy phim trên thị trường ngày càng ít do các hãng máy ảnh không sản xuất mới. Theo thời gian, số máy ảnh phim còn lại cũng hỏng dần. Đã vậy, nhiều tay chơi máy còn kiêm cả thú vui sưu tầm. Trong tủ kính phòng khách cứ phải càng nhiều máy đẹp, máy tốt càng “sướng” và hiếm khi bán lại.
 
Vì thế, mỗi khi không chịu nổi cơn thèm, nhiều tay chơi Hà Thành phải bay tận vào “mỏ” máy cổ Tp.HCM để mua cái máy ảnh rồi phi ra. Nếu không có điều kiện thì chỉ còn cách chuyển phát nhanh qua đường bưu điện hoặc tàu xe. Thân máy cơ bền bỉ, nhưng ống kính đa phần làm từ thủy tinh, khó có thể chịu được va đập. Trong khi đó, nhân viên chuyển phát nhanh đâu chú ý xem đồ đạc của khách hàng để mà nhẹ tay. Nên tỷ lệ hỏng hóc của con đường sang tay này không thấp. Nhưng lúc hàng hóa gặp va chạm, hỏng hóc chút đỉnh, anh em vẫn thường an ủi nhau rằng: “Ít nhất mua máy được vẫn còn là may. Lắm khi chờ đợi cả năm trời cũng đâu có bán mà mua”.


 
 
Đó là chưa kể đến rủi ro mua phải máy độ với giá cao. Dạng này thường gặp ở những dòng máy danh tiếng, được săn lùng nhiều như dòng máy Kiev của Liên Xô cũ có từ thời Chiến tranh thế giới lần thứ 2 vốn có kết cấu bên trong khá giống dòng Leica M đình đám của Đức. Vì thế, các tay độ máy chỉ cần dập lại khuôn, khắc chữ và thay một số linh kiện nhỏ để biến hình. Các máy Kiev vốn chỉ có giá khoảng 80-120 USD tùy tình trạng, nhưng nếu đóng mác Leica có thể rao bán không dưới 10 lần con số trên.
 
Không chỉ khó khăn trong tìm kiếm máy ảnh cổ, dịch vụ sửa chữa loại máy này cũng dần trở thành của hiếm. Số thợ sửa máy ảnh cổ lành nghề tại Hà Nội hiện đếm trên đầu ngón tay. Những thợ lành nghề ở Hà Thành như bác Phượng (ở gác 2 nhà số 15 phố Phùng Khắc Khoan) đang dần khuất núi. Thậm chí, ngay cả với gia đình có 4 đời hành nghề cùng thâm niên hơn 50 năm gắn bó với những chiếc máy ảnh phim này để thế sau có được tay nghề như bác Phượng cũng không hề đơn giản. Cũng tại con ngõ 15 Phùng Khắc Khoan còn có bác Lân. Tuy thâm niên trong nghề không bằng bác Phượng, nhưng cũng lên đến hàng chục năm mà đôi khi vẫn phải bó tay với những ca khó trị. Để rồi anh em chơi máy phải cắn răng cất tủ kính làm kỷ niệm.
 

 
Cuối cùng, thú chơi máy ảnh cổ còn đòi hỏi người chơi phải có chút vốn liếng tiếng Anh. Bởi nhiều dòng máy cổ hiện chỉ có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh mà không có tiếng Việt. Thành ra, những người trọng tuổi gặp không ít khó khăn khi tham gia thú chơi này.
 
Thú chơi máy ảnh cổ nhọc nhằn là thế. Nhưng khi nào phim máy ảnh còn được sản xuất, thì lúc đó cuộc chơi máy ảnh cổ vẫn còn tiếp tục.
 

Tổng hợp

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755