CHÂU TRỌNG HIẾU - Chàng họa sĩ lãng tử và cây bút chì màu nhiệm Kiến thức chung

 

Xin chào, bạn có thể vui lòng giới thiệu một chút về bản thân bạn với độc giả được không? Con đường nào đã đưa bạn đến với lĩnh vực hội họa hiện nay?

Sith Zam: Chào các bạn, nickname của mình là mr. Sith Zam, tên thật của mình là Châu Trọng Hiếu, mình tới với con đường đồ họa một phần nhờ đam mê từ nhỏ, ngay từ hồi 3-4 tuổi mình đã phát hiện ra rằng mình rất thích vẽ.  Một phần nữa cũng do được kế thừa từ gia đình, mẹ của mình cũng đam về và làm về hội họa.  Dĩ nhiên hồi đó mình vẽ còn rất vu vơ, nhìn thấy cuốn sách nào có hình thích thích là vẽ theo.

Lớn lên được đi học và tiếp cận truyện tranh thì mình bắt đầu vẽ theo các cuốn truyện như Doremon, Dấu ấn rồng thiêng, Dũng sĩ Hecman,…  Nhưng có một điều đặc biệt đã định hình hồi đó là mình rất thích vẽ robot và các dạng concept máy móc khác, nói chung là thiên về hình khối và không dính dáng đến các nét mềm mại như tóc tai này nọ, có lẽ do ảnh hưởng của bộ truyện tranh Dũng sĩ Hecman.

Định hướng đó đã theo mình mãi cho tới những năm cuối cấp 2 luôn, tới năm lớp 9 vẫn thích và vẽ robot như điên. Nhưng rồi sau đó mình bắt đầu chuyển hướng, có lẽ một phần cũng do tác động của các cuốn truyện tranh Nhật, tuy phong cách vẫn còn tùm lum nhưng mình đã bắt đầu vẽ theo các nhân vật truyện tranh Nhật. Mình nhớ hồi đó có vẽ theo những nhân vật như Kiếm sĩ Kenshin (Nhật) hay các nhân vật trong truyện Phong Vân (Trung Quốc),… có cảm giác như xu hướng vẽ này dần thu hút mình hơn những nhân vật robot như trước đó…

Dĩ nhiên, hồi đó mình vẽ chưa được đẹp và giống với những tác giả nổi tiếng của các cuốn truyện tranh đó. Lúc đó mình nhớ mẹ mình cũng làm trong lĩnh vực hội họa đã từng nói với mình rằng, những gì người họa sĩ vẽ ra không thể nào chỉ là sao chép đơn thuần được, phải có sáng tạo và phong cách riêng. Mình phải tập vẽ khác với người ta, nhưng lúc đó chưa có mạnh trong việc sáng tạo nên tuy khác người ta nhưng mình vẫn phải vẽ ăn theo người ta,  tức là dựa trên cái nền của họ rồi vẽ khác đi một chút. Dần dần đưa thêm sự sáng tạo vào.

Nói chung là giai đoạn lớp 11/12 vẫn chưa định hình được phong cách vẽ riêng một cách rõ ràng.  May mắn thay, lúc đó được tiếp xúc thêm một thứ mới lạ nữa là các thể loại Cartoon (hoạt hình) ở các kênh như Disney Channel, Cartoon Networks,…  Lúc đó, trong suy nghĩ của mình thì mình thấy mấy thể loại này mạnh về tạo hình hơn. Tuy không cầu kỳ như truyện tranh Nhật nhưng nó rất mạnh về tạo hình, không quá thiên về cơ bắp, chit tiết hay câu nệ về tỷ lệ.

Mà nói thật là lúc đó mình cũng chưa giỏi về mấy cái đó, nhưng qua đó mình đã tìm được một hướng mới: Đó là tạo hình!  Quan trọng là phải tạo hình tốt đã, chứ không phải quá bận tâm về tỉ lệ (như nguyên tắc tỉ lệ Vàng)  này nọ. 

Sau đó mình được tiếp cận thêm nhiều kênh nữa thông qua internet. Trang web đầu tiên mà mình tiếp cận để lấy cảm hứng và học hỏi chính là Devianart.com  và đặc biệt là các tư liệu thông qua Google. Lúc đó mình mới nhận ra rằng cái gì cũng phải bắt đầu từ dáng khối trước rồi mới tới các chi tiết, đấy cũng là lúc mà phong cách mình mới dần được định hình cho tới bây giờ: Thứ nhất là không quá chú trọng về tỉ lệ, thứ hai là phải có nét tạo hình riêng, thứ ba là các khối phải có một bố cục riêng. Có thể đó là bố cục riêng, không tuân theo các nguyên tắc bố cục đã có sẵn, mình thể nghiệm theo phong cách mới và phải chấp nhận rằng sẽ có người thích và cũng sẽ có người không thích, nhưng phải có bố cục và phong cách riêng. Dần dần mình mới định hình và vẽ được như bây giờ…

Mình có một thuận lợi mới là được tiếp xúc với môi trường vẽ vời từ nhỏ rồi, đó là do có mẹ làm về hội họa nên không quá khó khăn khi làm quen và đến với hội họa. Tất nhiên, đôi lúc vẽ tùm lum vào sách vở thì cũng bị mẹ la, nhưng nói chung là không gặp trở ngại gì đáng kể về điều kiện tiếp cận.

 

Thế các công cụ thường dùng của bạn?

Các công cụ mình sử dụng gút lại chỉ là bút chì, gôm (tẩy) và máy tính thôi :)

 

Các tác phẩm của bạn chứa đựng sự đơn giản về màu sắc (chủ yếu là đơn sắc) và bố cục, nhưng lại rất chi tiết khi quan sát kỹ, ngoài ra còn mang mác một sự hoài cổ nào đó trong phong cách thể hiện. Liệu điều này là một phong cách,  phản ánh cá tính của bạn?

Vâng, mình khá kỹ tính nên rất tỉ mỉ chăm chút cho từng nét vẽ, sử dụng nhiều chi tiết hoa văn. Mình không có muốn các bức tranh của mình quá nhiều màu, mình thích cổ kính một xíu….

Sau khi đã định hình được phong cách của mình rồi, thì cột mốc nào khiến bạn từ bỏ lĩnh vực mà bạn đang học ở đại học (nội thất) để quyết tâm theo đuổi lĩnh vực hội họa mà mình đam mê?

Hồi đó mình học ở trường Văn Lang, do thi rớt kiến trúc nên chuyển qua mỹ thuật học và chọn lĩnh vực Nội thất để học, cũng bởi vì lúc đó mình chỉ nghĩ rằng đồ họa chủ yếu là vẽ máy, mà mình thì không thích vẽ máy. Nên mình chọn học ngành nội thất vì nghĩ ngành này…. được vẽ tay nhiều.  Đâm đầu vào học mới thấy mình đâu có đam mê lĩnh vực nội thất này, dù điểm số không hề kém do kỹ năng vẽ tay và kỹ năng trình bày của mình đâu có tệ.

Mãi đến cuối năm thứ 3 và đầu năm thứ 4 thì đam mê của mình mạnh đến nỗi mình không thể tiếp tục con đường nội thất được nữa, nên mình đã quyết định phải dừng lại thôi, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng đam mê vẽ vời của mình còn lớn hơn.

Vậy khi từ bỏ ngành học, từ bỏ môi trường đại học để theo đuổi đam mê thì bạn có gặp phải phản ứng nào từ gia đình không? Bởi mình biết rất nhiều bậc cha mẹ rất kỳ vọng vào bằng cấp của con cái.

Dĩ nhiên là có sức ép từ gia đình,  nhưng có lẽ mẹ cũng hiểu rằng mình đã không muốn thì dù mẹ có ép làm điều mà mẹ không thích thì cũng không được. Con đường đi thì mình đã chọn rồi thì mình phải chấp nhận và bước tiếp thôi, cho dù sau này có chuyện gì xảy ra mình cũng không trách ai được, và gia đình thì cũng đã định hướng và góp ý rồi.


Thế sau khi nghỉ học ở ĐH bạn có học thêm khóa học nào để hỗ trợ cho con đường mới của mình không?

Không, tất cả đều tự học.


Vậy trong những ngày đầu gia nhập vào lĩnh vực này gần như bằng số 0 thì bạn có gặp nhiều khó khăn không? Có lúc nào bạn cảm thấy muốn bỏ cuộc chưa?

Thực ra chỉ có lúc học nội thất mình mới gặp khó khăn thôi, khó khăn vì đam mê. Còn với hội họa thì không có quá nhiều khó khăn, bởi đó là đam mê và là con đường mà mình đã chọn từ nhỏ tới giờ rồi. Điều khó khăn nhất có lẽ lại xuất phát từ chính sáng tạo của mình, bởi có những lúc mình không nghĩ được gì, vẽ ra hết rồi nhưng cuối cùng lại không thích nữa. Mà mình đã không thích rồi thì làm sao làm cho người ta thích được nữa. Đã có một thời gian mình rơi vào hoàn cảnh đó, tức là bế tắc về mặt suy nghĩ và ý tưởng.

Sau đó những nỗ lực của bạn cũng dần được ghi nhận, ban đầu thì họ nhận ra bạn nhờ vào đâu? Qua các cuộc thi?

Vâng, cũng một phần là qua qua các cuộc thi. Lần đầu tiên là vào năm 2007, năm đầu ở đại học. Mình đã đoạt giải nhì một cuộc thi khá tiếng tăm của Nokia tổ chức. Lúc đó mình làm thêm cho một công ty truyện tranh có tên là ArtStyle, ở đó mình làm bên bộ phận vẽ nét, tức là chỉ đi lại nét. Chủ yếu là trải nghiệm thôi, vì mình không đam mê lắm. Tuy nhiên, công việc này đã giúp mình cải thiện khả năng khống chế nét vẽ theo ý tưởng của mình.  Chỉ cần thêm ý tưởng nữa thôi…

Sau đó thì mình post lên ZideanArt, DevianArt… và tham gia các cuộc thi như FPT-Arena GoGreen,… qua đó người ta biết tới mình nhiều hơn. Các công ty trong nước tình cờ thấy được và liên hệ trực tiếp với mình, bởi họ thấy mình phù hợp với công việc và yêu cầu thể hiện của họ. Còn các khách hàng nước ngoài thì họ đặt hàng mình vẽ theo chủ đề nào đó và đưa ra mức giá thỏa thuận, sau đó mình sẽ vẽ theo chủ đề họ yêu cầu và bán cho họ. Quá trình cộng tác dạng freelance với các công ty cũng giống vậy, chủ yếu là họ tự tìm tới mình thông qua các kênh khác nhau như các cuộc thi và các website. Có thể coi đó cũng là một chút may mắn chăng?

Bên cạnh những tác phẩm vẽ tay, chúng tôi còn thấy bạn tham gia cả lĩnh vực nhiếp ảnh. Liệu có sự liên hệ nào giữa hai đam mê này không?

Nói chung là mình cũng mới dành sự đam mê cho nhiếp ảnh tầm 2 năm trở lại đây thôi. Trước đó thì dù chỉ chuyên về vẽ nhưng mình cũng có dịp được xem các tác phẩm nhiếp ảnh qua sách báo, thời trang… hồi đó vẫn xem nhưng chưa có đủ đam mê. Sau đó thì có một giai đoạn mình cảm thấy hơi bế tắc, muốn tham gia thể nghiệm một cái gì đó mới. Tại sao lại không phải là nhiếp ảnh? Tất nhiên là mình không có qua trường lớp gì hết, tay ngang qua thôi. Tức là dựa trên con mắt thẩm mỹ của mình, còn  phương pháp thì mình có thể tự học thêm.

Ngoài ra, còn có sự tương trợ lẫn nhau giữa 2 lĩnh vực hội họa và nhiếp ảnh. Có những lúc mình đi chụp ảnh lại tìm được ý tưởng cho những bức vẽ và ngược lại. Tuy không chuyên và không đặt nặng nghề nghiệp, nhưng cũng có một vài nơi liên hệ với mình trong các công việc liên quan tới nhiếp ảnh, có thể là do họ thích các bộ sưu tập theo concept và phong cách của riêng mình. Điều đó cũng khá thú vị đấy chứ…

Theo cá nhân bạn thì các họa sĩ nói riêng và các CG artist nói chung cần có yếu tố gì?

Nói chung tài năng là một phần, nhưng ít nhất là cũng phải có một nền tảng gì đó. Có thể họ không có gì đó rõ ràng nhưng họ có đôi mắt nhìn nhận, còn việc thể hiện được hay không thì phải do quá trình lao động, tìm tòi, học hỏi và sáng tạo của họ. Tức là cần phải dựa một phần trên những nền tảng sẵn có, dù ít đi chăng nữa. Sau đó là quá trình tập luyện! Tiếp đó nữa là vốn sống, tức là những gì họ tiếp nhận, trải qua và quan sát hằng ngày.


Vâng, cám ơn bạn. Vậy bạn có thể chia sẻ những trăn trở của mình với các artist khác về lĩnh vực mà mình đang tham gia hay không? Những khó khăn, thuận lợi hay những yếu tố mà chúng ta cần được hỗ trở để phát triển?

Ở Việt Nam các họa sĩ có ít điều kiện để phát triển và cũng thường không được đánh giá cao. Thứ hai là với một số người thì đam mê đôi lúc cũng chỉ mới dừng lại ở đam mê, nghĩa là họ không thu được cái gì nhiều cho bản thân, không đủ để nuôi dưỡng đam mê và nuôi sống bản thân họ được như ở nước ngoài. Dù họ muốn tác phẩm của mình sinh ra tiền nhưng họ không biết cách liên hệ hay cách sinh ra thu nhập từ lao động của mình, họ bế tắc trong công tác tiếp thị mình.

Ngay cả các trường ĐH của mình cũng chưa hỗ trợ nhiều cho đam mê của họ, chưa thực sự có những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường hiện nay, giáo trình khung rất cứng nhắc và đã tồn tại mấy chục năm nay rồi. Mình cũng mong có những khóa học và môi trường đào tạo chuyên nghiệp, có hệ thống để nâng cao các kỹ năng của mình.

Mình nhận thấy số lượng họa sĩ trẻ có tài năng của Việt Nam ngày càng nhiều, và thực sự đều có những phong cách riêng. Nhưng vấn đề là làm sao để phát triển cộng đồng này, làm sao để đam mê được nuôi dưỡng qua thu nhập chứ không thể là “vẽ chơi” mãi được. Đó cũng là những điều mà mình đang trăn trở hiện nay với đồ họa trong nước.


Bạn có thể chia sẻ một vài dự định tương lai của bạn với chúng tôi?

Mình sẽ nỗ lực và cố gắng tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn, để các tác phẩm của mình ngày càng được nhiều người biết đến hơn. Muốn được đi nhiều nơi và trải nghiệm nhiều hơn nữa, nhằm làm phong phú thêm vốn sống của bản thân.

Câu hỏi cuối cùng, liệu bạn có nhắn nhủ gì tới cộng đồng CG artist của Việt Nam?

Mình mong rằng Cộng đồng đồ họa Việt Nam nói chung và các họa sĩ đồ họa nói riêng ngày càng phát triển hơn nữa, góp phần khẳng định mình trên con đường đồ họa và đam mê mà chúng ta đã chọn.

Nguồn: CGexpress

 

xem thêm:

11 điều bạn chưa biết về Jony Ive

Tibor Kalman (1949-1998)

Paul Rand nhà thiết kế đồ họa vĩ đại

Adrian Frutiger và ảnh hưởng của nghệ thuật chữ số

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755