Câu chuyện của những giấc mơ Khóa học làm phim
Sự kiện giới thiệu dự án phim Thằng Ròm của đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy tại khóa học sản xuất phim độc lập Hà Nội mùa xuân 2015- một dự án phim dài phát triển từ bộ phim tài liệu ngắn 16:30 từng được chiếu tại Góc phim ngắn của Liên hoan Ohim Cannes 2013 - một lần nữa hâm nóng bộ phim ngắn 16:30.
16 giờ 30 phút mỗi ngày là cột mốc chính của bộ phim 16:30 khi kể câu chuyện về các cậu bé bán kết quả xổ số. Thành công của 16:30 là những thước phim lột tả được cuộc sống của trẻ em đường phố, sự gấp gáp trong cách chuyển cảnh đã khiến người xem cảm nhận được cuộc sống bấp bênh, lúc vui sướng, lúc cay đắng của trẻ em lang thang.
Hình ảnh cậu bé Khoa mang ánh mắt hằn học nhưng rất đỗi cô đơn với trò chơi ném lon ở một khu đất hoang hay một cậu bé ham chơi điện tử nhưng không có tiền trả; trong một không gian khác là tiếng người đánh máy vội vã, in hàng loạt những tờ giấy dò vé số trong sự nín lặng chờ đợi… khắc họa rõ nét sự tĩnh lặng đến lạnh lùng trong nhịp sống hối hả quen thuộc. Nhưng khi chiếc đồng hồ điểm 16:30, sự tĩnh lặng ấy lại bị phá vỡ bởi hình ảnh cũng vô cùng quen thuộc là những đứa trẻ cùng lao tới nhận giấy dò kết quả vé số và chạy như bay đến từng địa chỉ quen thuộc. Nhịp sống thường nhật trở thành câu chuyện đầy cuốn hút qua thủ pháp làm phim đối lập: tĩnh mà động. Khán giả cảm nhận được giữa những tiếng leng keng của xích lô, tiếng thỉnh kinh của một bà lão, tiếng ồn ào của khu chợ hay tiếng chửi rủa của phụ huynh những đứa trẻ nhà giàu ham chơi… là sự im lặng đến tê tái về số phận cuộc đời của những đứa bé bán giấy dò vé số.
Cảnh trong phim 16:30. (Ảnh do đạo diễn cung cấp)
Với thời lượng 15 phút, bộ phim ngắn 16:30 của Trần Dũng Thanh Huy đã chạm đến cảm xúc tận cùng của khán giả bằng khả năng quan sát tinh tế và đi chậm lại của mình trong cuộc sống đô thị hối hả. Giá trị nhân văn ở những gì tưởng chừng quen thuộc đến vô nghĩa được khơi dậy chân thật và cảm xúc.
Phát triển từ phim ngắn 16:30 nên nhiều dự đoán phim dài Thằng Ròm của Trần Dũng Thanh Huy, dự kiến khởi quay vào cuối năm nay, ra mắt vào năm 2016, sẽ là bộ phim gây sốt phòng vé. Những bộ phim như 16:30, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng rồi sắp tới là Thằng Ròm đang hình thành tư duy mới về phát triển điện ảnh Việt. Không phải bằng những dự án hoành tráng được đong đo bằng hàng chục tỉ đồng mà bằng tâm huyết và tư duy tân tiến của những người yêu phim.
Sẽ khập khiễng nếu so sánh phim Việt với điện ảnh quốc tế khi ngay cả đề tài phim của Việt Nam cũng rất nghèo nàn nhưng những bộ phim này vẫn tạo nên hiệu ứng đặc biệt bởi giá trị nhân văn mà tác phẩm hướng tới. Bày lên màn ảnh những gì mà mọi người đều biết, có nhiều người biết nhưng tránh né, tô lại bức tranh cuộc đời với một thực tế trần trụi đến đắng lòng như một cách xoa dịu nỗi đau của người làm phim là điều đáng trân trọng.
Không khó để nhìn ra cách tiếp cận đề tài của những người trẻ mà giấc mơ, lý tưởng cao đẹp vẫn còn nguyên vẹn. Họ không ngại những va vấp, không ngại sự dò xét để tìm đến cuộc sống phản ánh mọi khía cạnh thực tế nhất và trọn vẹn nhất. Lý tưởng của họ là thẳng thắn khai thác những gì trần trụi một cách chân thật nhất của cuộc đời. Đó chính là cái mà công chúng đang cần ở điện ảnh hôm nay. Đây cũng là xu hướng mà các nhà làm phim trên thế giới đang hướng đến: chân thật, trần trụi, đau đớn nhưng gợi lên nhiều xúc cảm. Những người trẻ của điện ảnh Việt Nam đang bắt nhịp và họ đã thành công với tác phong làm phim mới: trẻ trung, can đảm và tử tế.
Tổng hợp
Viết bình luận