Các trào lưu thiết kế: tác hại và cách phòng ngừa Kiến thức chung
Nếu người thiết kế không tỉnh táo đặt tư duy của mình vào các thiết kế thì rất dễ mù quáng chạy theo các trào lưu vốn không bền vững.
Khi Elliot Jay Stocks tuyên bố “Destroy the web 2.0 look” (tạm dịch: Sự sụp đổ của các giao diện web 2.0) các giao diện websites ra đời sau này bỗng ít bóng bẩy hơn.
Những hiệu ứng bóng đổ, vát cạnh, phù hiệu quảng cáo cùng sắc màu sặc sỡ và phông nền loang lổ trở nên lỗi mốt. Ngoại trừ những tín đồ lâu năm với “hình ảnh cũ” của web 2.0 thì dường như câu nói của Elliot đã tạo ra một trào lưu thiết kế mới.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu nữa những thiết kế đương đại sẽ được thay thế bởi những trào lưu khác mà không ai có thể đoán trước được. Nếu người thiết kế không tỉnh táo đặt tư duy của mình vào các thiết kế thì rất dễ mù quáng chạy theo các trào lưu vốn không bền vững.
Chúng ta hãy tạm gọi việc thiết kế mù quáng theo trào lưu là một dịch bệnh phổ biến trong giới thiết kế.
Những biểu hiện của dịch bệnh như thế nào?
Hãy cùng lướt qua một số triệu chứng sau đây, tôi chắc rằng bạn sẽ phần nào nhìn thấy hình bóng của mình trong đó. Những triệu chứng này rất dễ nhận biết và thường dính líu đến nhau. Có vẻ như sự liên minh này khiến tốc độ lây lan của dịch bệnh trở nên ngày càng trầm trọng hơn.
Chú ý: Danh sách dưới đây được chọn lựa ngẫu nhiên, không theo thứ tự nào và cũng không thể hiện mức độ nghiêm trọng tăng tiến của bệnh dịch. Mỗi ví dụ sau đây phản ánh nhiều hơn một triệu chứng bởi phân loại chính xác chúng không đơn giản chút nào.
Đường chỉ
Thiết kế “đường chỉ” xuất hiện khi nhà thiết kế web trở nên hứng thú với các đường viền và đường kẻ, đặc biệt là các loại đường chấm (dotted variety).
Sự phát triển mạnh mẽ của thiết kế “đường chỉ” là minh chứng của việc chuyển biến tinh vi từ “đường chấm” sang “đường gạch”, gia tố với hiệu ứng bóng đổ và những hiệu ứng 3D khác.
Mục đích của kiểu thiết kế “đường chỉ” có phần mơ hồ nhưng dường như “đường chỉ” rất được ưa chuộng khi áp dụng trên những hiệu ứng chất liệu như vải, da, hay những chất liệu sần sùi nói chung.
Trong thời gian xác minh nguyên nhân cụ thể của triệu chứng “đường chỉ” thì các nhà khoa học cho rằng nó là một trong những nhánh lớn của hội chứng thiết kế Skeuomorphic - hình ảnh được thiết kế giống hệt hình ảnh thực của sự vật.
Các đường viền Zigzag
Đường viền là yếu tố cơ bản của thiết kế web nên càng khó tránh khỏi dịch bệnh, cũng may chúng hầu như vô hại, mà thực tế đường viền thường tạo ra những hiệu ứng tích cực trên giao diện.
Tuy nhiên, có một loại đường viền đặc biệt tên là Zigzag đã phát triển rất mạnh trong những năm qua và đang dần chiếm xâm chiếm vị trí của những đường viền thông thường.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra lời giải đáp chính xác cho sự chiếm lĩnh này mặc dù một số người cho rằng những đường viền zigzag này rất thu hút người thiết kế cũng như khách hàng của họ – vậy là những đường viền thẳng đành ngậm ngùi mất khả năng kháng cáo.
Những dải ruy băng
Cũng như đường viền, ruy băng đã xuất hiện rất lâu dưới nhiều hình dạng khác nhau. Cái tôi muốn chỉ ra bây giờ là một loại ruy bang mới với một hoặc hai đầu tòe ra. Vài ruy băng còn có hơn hai nếp gấp tạo hiệu ứng giả về chiều sâu và củng cố các đường chéo ở các nhánh.
Cho dù ý tưởng ruy băng này có liên quan tới đường viền zigzag không nhưng có vẻ những đường chéo là yếu tổ quyết định sự tồn tại của ruy băng, cùng với đó là cảm giác hoài cổ, gợi nhớ những kỉ niệm trong quá khứ.
Sự nguy hiểm của những dải băng nằm ở khả năng tồn tại độc lập của chúng khỏi những triệu chứng khác (mặc dù nó được phát triển từ một công ty chuyên về nghệ thuật Typography cổ điển).
Điều này có nghĩa là những dải băng này có thể sẽ tồn tại trong thiết kế của bạn ngay cả khi bệnh dịch đã lắng xuống. Thậm chí những dải ruy băng còn khiến tôi gợi nhớ về thời của những huy hiệu quảng cáo của web 2.0.
Hiệu ứng chất liệu (textures)
Trong thời đại công nghệ hóa, một câu hỏi hóc búa được đặt ra là liệu các mình hình họa và hình nền có nên sử dụng hiệu ứng chất liệu – mặc dù việc lạm dụng chất liệu đã là một trong những triệu chứng rõ ràng nhất của căn bệnh.
Những chất liệu có bề mặt sần, bụi hay những vết lằn trông rất “thủ công”, nhưng sự thật là những chúng hoàn toàn được tạo ra bởi các hiệu ứng Photoshop. Việc sử dụng tràn lan những loại chất liệu này có lẽ bắt nguồn từ mong muốn hướng đến sự tự nhiên và cảm xúc thực (đặc biệt từ sự xuất hiện của các màn hình cảm ứng);
Hoặc cũng có thể đơn giản do sự ghen tị đối với những nhà thiết kế trong lĩnh vực in ấn khi họ đang được sở hữu nhiều loại nguồn sáng tạo phong phú.
Chữ chìm (Letterpress)
Một bài báo của Smashing Magazine năm 2009 đã chỉ ra rằng kiểu chữ in nổi đang dần trở thành xu hướng của năm. Quả thực như vậy, hiệu ứng đơn giản này ngày càng thịnh hành và giờ đã trở thành kỹ xảo không thể thiếu trong việc chau chuốt Typography của thiết kế.
Được xem là một triệu chứng tương đối vô hại, triệu chứng chữ in nổi có lẽ đã len lỏi và ủ bệnh trong giới thiết kế qua các giao diện công nghệ số như hệ điều hành hay các trò chơi trong bao thiên niên kỷ cho tới tận bây giờ.
Các nhà khoa học vẫn tranh cãi về thời gian ủ bệnh quá lâu của triệu chứng chữ in nổi – liiệu căn bệnh sẽ bùng phát sau khi đã truyền bệnh cho nhiều người hay chỉ đơn giản là nó cần điều kiện thích hợp để bùng phát – ví dụ cụ thể là CSS3 cùng sự xuất hiện của kiểu chữ bóng đổ.
Hình minh họa cổ điển thế kỷ 19
Sau khi thời gian kiểm dịch thì triệu chứng này, vốn là sở thích của những quý ông quý bà, đã bị triệt tiêu bởi sức ảnh hưởng quá lớn của những hiệu ứng bóng bẩy hiện đại.
Nhưng khi người ta tìm về với quá khứ, phong cách mình họa thế kỷ 19 đang dần tìm lại chỗ đứng cho mình. Dù tốt hay xấu thì phong cách này chắc sẽ còn dạo chơi một thời gian rồi mới thỉnh thoảng bùng lên giống như virus cúm.
Các tông màu pha trộn
Sau thời huy hoàng của những gam màu rực rỡ thì giờ có vẻ những gam màu trầm đã lên ngôi. Những màu như nâu, xanh đất, mù tạt, nói chung là những màu pha trộn đang được sử dụng tràn lan.
Dù nhiều người nghĩ đây là triệu chứng nhỏ nhưng một vài nhà nghiên cứu cho rằng bản thân những màu sắc pha trộn thế này thực chất không phải là biểu hiện cụ thể của dịch bệnh mà là tác dụng phụ của những triệu chứng khác, như kiểu đổ mồ hôi là phản ứng tự nhiên của cơn sốt.
Kiểu chữ căn giữa
Triệu chứng này không hề mới mà thực tế đây là tiêu chuẩn của nghệ thuật trong suốt 500 năm đầu tiên Typography, cho tới khi Tschichold và New Typography xuất hiện và phán rằng tiêu chuẩn này đã quá lỗi thời, trông chúng rất khó nhìn và không hiệu quả.
Mặc dù không chắn chắn về luận điểm này nhưng kiểu sắp xếp chữ căn giữa đang dần quay lại, có lẽ nhờ mối liên hệ của nó với lịch sử mà đã có thể bắt kịp được với xu hướng chuộng cổ điển hiện nay.
Chúng ta đều biết rằng thói quen đọc sách của loài người không hề thay đổi trong những năm qua (người phương Tây vẫn đọc từ trái qua phải), và cũng không có cơ sở nào để nói rằng kiểu chữ căn giữa trở nên dễ đọc hơn.
Vì thế, lý do của sự trở lại có lẽ bắt nguồn từ cảm xúc chủ quan hơn là suy nghĩ lý tính.
Logo chữ bao trong khối tròn
Hình tròn cơ bản khi đứng riêng không đủ sức tạo ra cơn sốt, hình tam giác cũng vậy. Tuy nhiên nếu hình tam giác được lặp đi lặp lại trên một đường thẳng thì sẽ tạo ra một đường Zigzag (Oop!)
Tương tự như vậy, nếu bạn đặt logo của mình trên một hình tròn thì bạn sẽ có một khối logo tròn, và khi logo thiết kế dưới dạng chữ thì vấn đề là ở đây. Việc đặt chữ trong khối tròn khi thiết kế logo chắc chắn không gây chết người nhưng rất dễ lây truyền và trở nên bất lợi khi nhiều người cùng bị mắc bệnh.
Những chi tiết thiết kế như thật (SKEUOMORPHIC)
Việc thiết kế hình ảnh trang trí hay tính năng chính cho một vật nào đó giống hệt hình ảnh thực ở ngoài đời rất phổ biến, đặc biệt là các tính năng cho điện thoại di động. Triệu chứng này là một trong những yếu tố quyết định của bệnh dịch.
Ví dụ về sự đột biến của triệu chứng thiết kế “y như thật” là kiểu đường chỉ và chữ in nổi. Đôi khi phong cách này không chỉ dừng lại ở các tính năng chính mà còn trên toàn bản thiết kế.
Tuy nhiên, một vài nhà nghiên cứu cho rằng kiểu thiết kế này sẽ khó có thể xâm chiếm màn hình máy tính và các trình duyệt website bởi nó đòi hỏi số lượng nhân lực và nguồn hình ảnh quá lớn.
Trên thực tế, hầu hết các nhà khoa học rất tò mò về phong cách này và phỏng đoán những hình ảnh thiết kế ẩn dụ hình ảnh thật sẽ sớm phổ biến (cũng một số thì không tin).
Điều thú vị là trong khi Apple tiếp tục tiên phong trong phong cách thiết kế này thì Google dường như đi lại xu hướng bằng thiết kế mô phỏng đơn giản hình ảnh thực. Có lẽ đây là vaccine phòng bệnh!
Trào lưu bắt nguồn như thế nào?
Xác định nguồn gốc của một trào lưu thiết kế rất khó, nhất là khi một loạt các biểu hiện đã được đưa ra cùng với bản chất lan truyền ồ ạt của Internet.
Việc này giống như không thể nào xác định bệnh nhân đầu tiên khiến lây lan bệnh dịch, thực tế mà nói thì làm vậy cũng chẳng có ích lợi gì. Điều có thể nói ở đây là chúng ta đang ở trong quá trình phản ứng lại phong cách thẩm mĩ web 2.0 để hướng tới tính tự nhiên và cổ điển.
Đây là phương thuốc cứu cánh cho sự bóng bẩy thiếu cá tính của quá khứ – và điều này thực sự cần thiết để thúc đẩy quá trình phát triển của ngành công nghiệp thiết kế. Nguồn gốc của xu hướng thường bắt đầu bằng việc áp dụng những thiết kế thông minh vào giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó, hay thực chất là chống lại một xu hướng khác.
Hãy thử tưởng tượng nếu tất cả mọi người đều dùng kiểu font chữ không chân (sans-selrif), màu sắc tương phản và nền trắng mặc định. Bỗng nhiên có một nhà thiết kế đi ngược lại xu hướng bằng cách sử dụng font Clarendon hay những font chữ có chân khác nhằm tạo ra cảm giác thân thiện cho website (giả dụ đây là website bán mứt bà ngoại làm), thêm vào đó là những gam màu đất và một vài họa tiết chất liệu giấy màu nâu.
Kết quả là trang web này nổi bật hơn hẳn so với những web ra cùng thời bởi nó giàu cảm xúc và mới lạ hơn. Sau đó, trang web bán mứt trở thành cảm hứng cho một nhà thiết kế khác – anh đang đảm nhiệm việc vẽ giao diện web cho một công ty có quy mô toàn cầu – và vô tình đã tạo cảm hứng cho những nhà thiết kế khác áp dụng một cách tràn lan, không suy nghĩ.
Vậy là một trào lưu đã ra đời. Trớ trêu là tính hiệu quả của trào lưu luôn đe dọa thường trực những nhà thiết kế bởi càng nhiều người nhiễm bệnh thì dấu hiệu phân biệt càng mờ nhạt.
Khi sự truyền nhiễm đã lây lan tới một số lượng rất lớn thì những dấu hiệu bắt đầu quay sang chống lại chính mình. Việc tạo thêm sự thân thiện trong thiết kế sẽ trở nên vô nghĩa nếu như ai cũng làm như vậy.
Dịch bệnh có nguy hiểm không?
Trong thế giới phẳng thật khó để có thể tránh được trào lưu, chắc chắn mỗi người sẽ phần nào bị ảnh hưởng bởi nó. Những biểu hiện nêu trên cũng không giới hạn trong quy mô thiết kế nhỏ hay lớn mà nó ảnh hưởng tới cả cộng đồng thiết kế.
Điều này nghĩa là mặc dù có một vài dấu hiệu vô hại – giống như cơn sốt nhẹ hay xổ mũi khi bị cúm – nhưng sự công kích dữ dội của những trào lưu thiết kế đã liên tục áp lực lên hệ miễn dịch của tư duy sáng tạo, lúc này cần hết sức thận trọng để giữ cho được ý tưởng ban đầu của chúng ta.
Nếu bạn đang mắc một cơ số những triệu chứng bên trên thì cũng không cần lo lắng gì nhiều – mắc bệnh trong cơn đại dịch rất dễ nhưng phục hồi sau căn bệnh cũng không hề khó. Mặt khác, nếu bạn thấy mình có đầy đủ các dấu hiệu trên thì bạn nên cẩn trọng hơn trong những dự án sau.
Áp dụng những xu hướng thiết kế mới có thể khiến Portfolio của bạn mang tính đương đại hơn, nhưng nhìn theo cách nào đó thì nó không khác gì việc trưng bày những tác phẩm của nhà thiết kế bạn yêu thích thay vì tác phẩm của riêng bạn.
Đồng ý rằng những dấu hiệu với nguồn gốc xuất xứ chưa xác định không được luật bản quyền bảo vệ, nhưng bên cạnh đó bạn cũng nên suy nghĩ thêm một chút – không phải về vấn đề pháp lý mà là về tính sáng tạo chính thống trong mỗi tác phẩm của bạn.
Nguy cơ không chỉ là việc tác phẩm của bạn sẽ bị đánh giá là mốt nhất thời, một sáng tạo trào lưu có thể chết yểu trong vài năm tới mà có thể bạn còn đánh mất sự tôn trọng của bạn bè khi họ nhận ra.
Trong khi không có gì là sáng tạo nguyên thủy, chúng ta cần phân biệt rõ giữa “cảm hứng” và “bắt chước”. Jean Luc Goddard nói, “Vấn đề không phải bạn đã cóp nhặt ý tưởng từ đâu mà là nơi bạn đưa ý tưởng đó đến”.
Nếu bạn không thể đưa ý tưởng đi bất cứ đâu thì mục đích của bạn là gì? Tồi tệ hơn cả việc đánh mất sự tôn trọng và liêm chính là ảnh hưởng xấu của dịch bệnh lên khách hàng và sau đó là cả cộng đồng thiết kế.
Càng nhiều nhà thiết kế có chung những triệu chứng của bệnh dịch thì càng ít khách hàng nghi ngờ về khả năng giải quyết vấn đề thực của bạn. Cuối cùng họ sẽ loại bạn ngay từ vòng đầu tiên (thay vào đó là những nhà nghiên cứu tận tâm thực sự) và sẽ sử dụng dịch vụ của bạn trong việc sửa sang lặt vặt – đây là cách mà bạn rời bỏ sự nghiệp thiết kế chuyên nghiệp của mình để gia nhập đội quân làm nghề trang trí.
Bạn cần làm gì?
Giờ bạn đã hiểu tác hại của việc đi theo trào lưu, nhưng làm thế nào để tránh? Nó có khả thi không?
Theo định nghĩa, trào lưu là được biết đến rộng rãi, vì thế nhiều người sẽ nói chẳng có gì sai khi tận dụng sự rộng rãi đó để đưa sản phẩm của mình tới cộng đồng. Việc thuyết phục một khách hàng chấp nhận thiết kế không theo xu hướng là rất khó, và bạn sẽ đứng trước nguy cơ mất khách hàng nếu phủ nhận xu hướng.
Nhưng mù quáng đi theo người khác là ý tưởng siêu tệ, bạn có thế nhanh chóng dập tắt tư duy sáng tạo, sự trung thực và lượng khách hàng đáng kể bằng cách áp dụng trào lưu vào sản phẩm của mình một cách không mục đích.
Vậy đâu mới là chân lý? Trào lưu thuộc về bản chất của xã hội, từ chính trị, văn hóa, thiết kế hay cả tôn giáo, như như những thế lực đồng lòng đi về hướng này hay hướng khác, ngay cả sở thích hay quan điểm của bạn cũng vậy – ở một mức độ nào đó.
Trời! Vậy thì việc tránh xa những trào lưu xem ra là nhiệm vụ bất khả thi và vô ích? Đừng vội nản lòng. Thực tế bạn có thể làm rất nhiều thứ để bảo vệ tính sáng tạo của mình.
Đặt câu hỏi
Luôn đặt câu hỏi cho những quyết định thiết kế của bạn (và phải chắc chắn chúng là của bạn), liên tục đặt câu hỏi: Vì sao mình thiết kế như này? Có phải chỉ vì trông nó bắt mắt hay nó hợp với thông điệp mà mình muốn chuyển tải?
Tại sao mình lại dùng cái ruy băng này? Cái đường viền zigzag ấy có phá hoại tính thân thiện của website? Chất liệu vải sợi này có liên quan gì tới cái App về tài chính mà mình đang thiết kế không? Một khi bạn dừng đặt câu hỏi, bạn sẽ rơi vào ổ dịch.
Nỗ lực
Trong bài báo “The dying art of design” (tạm dịch: sự hấp hối của nghệ thuật trong thiết kế) Francisco Inchauste nói rằng cảm hứng đòi hỏi đổ mồ hôi.
Thực vậy. Tôi may mắn vì trường đại học của tôi không cho phép sử dụng máy tính trong năm đầu tiên, chúng tôi phải dùng các loại công cụ để thể hiện ý tưởng của mình – như viết chữ bằng tay, tự vẽ ảnh minh họa, dự trữ bút màu và lạm dụng máy photocopy.
Kết quả – không những tư duy sáng tạo của chúng tôi bay bổng hơn mà chúng tôi còn học được bài học quan trọng: một thiết kế đẹp luôn cần nhiều nỗ lực, và kết quả tuyệt vời nhất đến từ chính những trải nghiệm của cá nhân bạn.
Tạo ra sự khác biệt
Nhớ rằng sự khác biệt luôn là điều tích cực. Hầu hết những nghệ sĩ nổi tiếng trong lịch sử trong bất kỳ lĩnh vực nào luôn tạo ra sự khác biệt để thế giới có thể dễ dàng nhận ra họ. Ai có thể vẽ những chiếc đồng hồ đang tan chảy trước Dali? Ai có thể xây dựng một bức tượng lớn trên sân khấu trước Pink Floyd?
Bắt chước những thứ nổi tiếng có thể thoải mái và dễ dàng và mang lại thành công ngắn hạn, sự tiếp cận độc đáo và sâu sắc sẽ đem lại cho bạn thành công vĩnh cửu.
Đa dạng hóa nguồn cảm hứng
Để luôn giữ ngọn lửa sáng tạo, bạn cần có trí tò mò và luôn tìm kiếm nguồn cảm hứng từ những thứ xung quanh, không đơn giản chỉ là những giao diện WordPress hợp thời.
Hãy đọc sách, làm thí nghiệm, nghe loại nhạc bạn chưa từng thử trước đây, dạo quanh khu ở mới, hoặc trải nghiệm bản thân trong một nền văn hóa khác. Mở rộng tầm mắt qua những trang web yêu thích và hướng tới những nguồn cảm hứng khác sẽ khiến bạn sáng tạo ra những thiết kế độc đáo và lâu bền hơn.
Tập trung vào những nguyên tắc cơ bản
Cuối cùng và cũng quan trọng nhất, hãy tập trung học những nguyên tắc cơ bản của thiết kế để có thể hiểu được cái gì là có phong cách và cái gì không.
Các hệ thống lưới, độ tương phản, sự rõ ràng, sự tương quan giữa các vật thể trong bức ảnh (juxtaposing imagery), cách trình bày bài viết – đây là những nguyên tắc chủ yếu của một thiết kế thành công, song chúng cũng hoàn toàn độc lập khỏi những trào lưu và phong cách.
Tóm lại, thiết kế không nên tập trung quá nhiều vào phong cách mà chủ yếu về thông tin. Tất cả phong cách, hình ảnh và Typography nên bắt nguồn từ nội dung, chức năng và cá tính của sản phẩm, chứ không phải là cái nhìn bắt mắt nhất thời.
Nên nhớ cái đẹp nhất thời rồi cũng sẽ hết thời.
Theo blog.digitalcreative.vn | SmashingMagazine
Viết bình luận