Bộ ảnh tuyệt đẹp về nghệ thuật đánh bắt cá bằng chim Tác phẩm nghệ thuật

Nghệ thuật đánh bắt cá bằng chim cốc lưu truyền từ thế kỷ 16 đã được Asher Svidensky ghi lại bằng bộ ảnh cực kỳ chân thật và giàu cảm xúc.

Đã hàng trăm năm trước, cụ thể là vào thế kỷ 16, gia tộc họ Hoàng đã đưa nghệ thuật đánh cá có một không hai đến vùng sông Ly, thuộc làng Hưng Bình, miền Nam Trung Quốc. Tại đây, những nghệ nhân này sử dụng chim cốc để bắt cá dưới lòng sông.

Tộc họ Hoàng có tổng cộng 4 kỹ thuật để bắt cá bằng chim cốc:

- Wang Bou - Dùng lưới lớn để khoanh vùng khu vực săn mồi của chim và chặn đường thoát của cá.

- Tam Bou - Dùng âm thanh để gọi chim bắt đầu đi săn và kêu chim về. Đây là kỹ thuật khó thuần thục nhất và hiếm ai luyện được thành công.

- Tuan Bou - Huấn luyện chim không bắt cá mà thay vào đó lùa cá theo vòng tròn để làm chúng duối sức, sau đó các ngư phủ chỉ việc dễ dàng vớt cá lên.

- Yu Khuo - Dùng ánh sáng để điều khiển chim, kỹ thuật này thường được dùng sau khi Mặt Trời lặn hoặc trước khi Mặt Trời mọc.

Asher Svidensky đã ghi lại khoảnh khắc đánh cá độc nhất vô nhị này của hai ngư phủ lão làng: Yue-Ming (73 tuổi) và anh trai của ông - Yue-Miang (83 tuổi). Được biết hai người này đã đánh bắt cá ở khu vực sông Ly này từ khi mới 15 tuổi và họ cũng là bậc thầy sử dụng kỹ thuật "Yu-Khuo" - dùng đèn dầu cũ để gọi chim "tác chiến" cũng như thu thập lại số cá mà chúng bắt được.

Theo truyền thống, ngư phủ sẽ sống trong ngôi nhà nổi trên con sông này, rất hiếm khi đặt chân lên đất liền mà sống di cư dọc theo con sông cùng với đàn cá - lênh đênh theo nguồn sống của mình. Họ sẽ dùng một phần cá đánh bắt được để trao đổi nhu yếu phẩm cần thiết với các dân làng khác, và theo các ngư phủ này thì "chúng tôi chẳng cần dùng đến tiền bạc khi sống trên sông".

Vào thời xa xưa, đa số các ngư phủ có hơn 10 chim cốc trên bè đánh cá của họ và hầu hết những con chim này đều được tự tay họ nuôi dưỡng từ lúc còn là quả trứng nhỏ bé cho đến khi trở thành những chú chim dũng mãnh. Một số dòng dõi chim cốc đã chung sống với cả hệ gia đình đến tận hàng trăm năm,.

Cụ Yue Ming (ngư phủ 75 tuổi) cho biết: "Tôi đã đánh bắt cá rất nhiều năm rồi, những chú chim đều là bạn của tôi kể từ khi tôi còn nhỏ. Mỗi sáng thức dậy, tôi đều hỏi thăm xem chúng ngủ có ngon không, và mỗi đêm trước khi đi ngủ, tôi chúc chúng có giấc mơ đẹp..."

"...Chú chim mà tôi yêu thích nhất có tên Damao (hay còn gọi là Đại Ngốc). Nó là một con chim to và khỏe, nhưng Đại Ngốc này khác biệt với những chú chim khác. Thường các con chim cốc khác sẽ đi bắt những con mồi nào 'dễ ăn' thì anh chàng này lại luôn đi tìm những con mồi to nhất dưới lòng sông, thậm chí có khi to quá mức đến nỗi nó không thể dùng miệng bắt được. Những lúc này tôi thường phải giúp Đại Ngốc đưa con mồi lên mặt nước hoặc buộc nó phải bỏ con mồi đó đi..."

Sau thời kỳ cách mạng văn hóa ở Trung Quốc vào những năm 80, nhiều ngư dân khác đã đến khu vực này để hành nghề và dùng những chiếc thuyền đánh cá công nghiệp cỡ lớn với khả năng gom gần hết số cá trên sông trong một ngày. Điều này đã khiến nhiều ngư dân Ưng Bộ phải bỏ nghề vì không còn nhiều cá để bắt nữa.

"Nguồn nước bắt đầu chuyển sang màu đen và cá thì chỉ còn những con nhỏ. Chúng tôi chẳng còn cách nào để tự nuôi sống bản thân. Vì vậy chúng tôi phải tìm cách khác để kiếm sống nuôi gia đình. Tôi vẫn còn nhớ cái ngày mà tôi phải bán đi cả những con chim để đổi lại sự sống cho gia đình mình...Tôi phải bán những người bạn của mình, bạn có tin được là tôi đã bán cả những chú chim - những người bạn thân của tôi đi không?"

Ngày nay, đa phần con cháu trong gia tộc họ Hoàng này đã rời con sông và di cư lên các thành phố lớn để sinh sống. Những nghệ nhân đánh cá như Yue-Ming và anh trai của cụ là những người còn lại bám trụ nơi đây, cố gắng kiếm sống bằng cách biểu diễn nghệ thuật đánh cá của mình cho các quan khách xem, thuyền bè của họ như một bảo tàng nổi tí hon. Và khi con cháu họ đến thăm, họ giải khuây chúng bằng những câu chuyện đánh cá ngày xưa và dẫn mấy đứa cháu nhỏ đi chơi thuyền trên sông.

Khi Asher Svidensky đến làng Hưng Bình, anh muốn ghi lại hình ảnh cuộc sống của những người ngư dân Ưng Bộ ở thời hiện đại, nhưng rất tiếc khi đến khu vực sông Ly và ngồi nói chuyện với những ngư dân nơi đây, anh mới biết được hiện tại không còn ai sẽ kế nghiệp nghệ thuật đánh bắt cá này nữa. Tất cả ngư dân và gia đình của họ đều muốn con cháu mình theo đuổi lối sống mới, hiện đại và phát triển như vũ bão của Trung Quốc.

Và cứ thế, nhiều du khách đến thăm rồi lại rời đi, nguồn nước trên sông ngày một đen thêm, cá thì ngày càng khó kiếm và khung cảnh cổ xưa này - nơi mà con người và thiên nhiên cùng hòa hợp với nhau - sẽ dần bị biến mất, phai mờ dần theo bóng tối nhường chỗ lại cho lối sống hiện đại phồn hoa.

\

Tổng hợp

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755