Bạn cần bao nhiêu megapixel cho chiếc máy ảnh của mình? Thông tin tổng hợp
Nhờ phát triển vượt trội của công nghệ, các nhà sản xuất không ngừng chạy đua để trang bị những tính năng tiên tiến nhất cho sản phẩm của họ. Trong năm 2014 đến nay, chúng ta được chứng kiến sự ra mắt của camera với độ phân giải 41 megapixel trên điện thoại và sắp tới đây là Canon 5DS với độ phân giải lên tới 50 megapixel và máy ảnh medium format với độ phân giải lên tới 80 MP.
Theo sự phát triển này chắc chắn trong những năm tiếp theo chúng ta sẽ còn được thấy những máy ảnh với độ phân giải lên tới hàng trăm MP. Một chủ đề đang được thảo luận khá hot hiện nay, phải chăng 12 MP là quá ít hay 50 MP là quá nhiều?
Việc Canon sản xuất một chiếc máy với độ phân giải lên tới 50 MP cũng không phải là điều quá khó hiểu. Do sự hạn chế về mặt công nghệ, chúng ta gần như đã đạt tới mức cao nhất trong việc khử nhiễu noise với các cảm biến hiện nay, trong khi chưa tìm ra được tính năng gì mới để giới thiệu với người dùng thì việc các nhà sản xuất thêm "pixel" cho các sản phẩm mới là điều tất yếu.
Những ích lợi của độ phân giải lớn
Kích thước bản in: Tất nhiên rồi, camera có độ phân giải lớn thì chúng ta càng có thể in các bản in khổ lớn với chất lượng cao. Các bản in có chất lượng cao thường có mật độ điểm ảnh khoảng 300 PPI. Ví dụ Nikon D700 có độ phân giải là 12.1 MP, kích thước của ảnh là 4256 x 2832 pixel. Nếu bạn muốn in một tấm hình có chất lượng cao ở 300 PPI thì kích thước lớn nhất mà bạn có thể in là xấp xỉ 14.2 inch x 9.4 inch. Tất nhiên các bạn cũng có thể in những bức hình với kích thước lớn hơn nhưng chất lượng ảnh sẽ kém hơn do mật độ PPI giảm.
Khả năng crop: Độ phân giải càng cao thì các bạn càng có thể crop ảnh sâu hơn. Mặc dù rất nhiều nhiếp ảnh gia tối kị trong việc crop ảnh, tuy nhiên một số trường hợp chúng ta cần crop ảnh để làm nổi bật chủ thể mà mình mong muốn. Ví dụ rõ nhất là nhà các nhiếp ảnh gia chụp thể thao và động vật thường xuyên cần crop hình bởi họ không thể lúc nào cũng có thể lại gần chủ thể mình muốn chụp được. Và có nhiều chủ thể không mong muốn xuất hiện trong bức hình thì crop ảnh là việc tất nhiên.
Giảm độ phân giải của ảnh: máy ảnh với độ phân giải lớn sẽ mang đến chất lượng ảnh tuyệt vời hơn nhiều khi bạn giảm độ phân giải của ảnh. Giả sử khi bạn cùng chụp một bức ảnh ở ISO 3200 trên D3x và D3, sau đó giảm độ phân giải của D3x xuống bằng 12 MP so với D3 và thử so sánh kết quả. Rõ ràng độ nhiễu hạt sau khi crop ảnh của D3x ít hơn nhiều.
Khả năng hiển thị: Trong 10 năm trở lại đây, sự phát triển của các thiết bị hiển thị là khá ấn tượng. Chúng ta có thể trải nghiệm các thiết bị điện tử với độ phân giải ngày càng cao. Các bức ảnh với độ phân giải cao mang đến một cảm giác ấn tượng, "đã" hơn trước nhiều.
Từ những lợi ích kể trên, có vẻ như camera có độ phân giải càng cao thì càng tốt, nhưng không phải trường hợp nào cũng như vậy, chất lượng của bức ảnh cao hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác chứ không chỉ cần camera có độ phân giải càng lớn càng tốt.
Độ phân giải 36.6 MP cho phép in ảnh lớn gấp 3 lần 12.1 MP?
Khi Nikon lần đầu tiên ra mắt D800 và D800E với độ phân giải rất ấn tượng 36.3 MP, rất nhiều nhiếp ảnh gia đang sử dụng Nikon D700 với độ phân giải 12.1 MP cho rằng 36 MP sẽ cho ảnh có độ chi tiết gấp 3 lần (36.3 = 12.1 x 3) và có thể giúp họ in các bức ảnh khổ lớn hơn 3 lần so với khi sử dụng 12.1 MP. Tuy nhiên đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Nikon D700 cho ảnh với kích thước 4256 x 2832 pixel với cảm biến có độ phân giải 12.052.992 điểm ảnh còn Nikon D800 cho kích thước ảnh 7360 x 4912 pixel với cảm biến có độ phân giải 36.152.320 điểm ảnh (thực tế một số pixel được sử dụng để thêm các chi tiết ảnh cần thiết). Nhìn vào kích thước ảnh của Nikon D700 và D800 có thể dễ dàng thấy thực tế khổ ảnh chỉ tăng khoảng 73% chứ không phải 200% như nhiều người vẫn nhầm tưởng.
Nếu bạn muốn in một bức ảnh có khổ lớn gấp đôi mà không thay đổi PPI thì chỉ việc lấy số MP rồi nhân với 4 sẽ được số MP cần thiết. Ví dụ để in ảnh khổ lớn gấp đôi so với D700 thì lấy 12.1 x 4 =48.4 MP. Vì vậy Canon 5DS với độ phân giải 50.6 MP sẽ cho phép bạn in ảnh với khổ lớn gấn 2 lần so với D700 mà không giảm mật độ điểm ảnh PPI.
Chất lượng của ống kính quyết định một phần không nhỏ tới chất lượng bức ảnh
Nếu bạn sử dụng một ống kính không đủ tốt thì việc sử dụng camera với độ phân giải cao là hoàn toàn vô nghĩa. Ví dụ như Nokia 808 PureView có độ phân giải tới 38 MP nhưng độ chi tiết mà bức ảnh mang lại là vô cùng thấp khi so sánh với 36 MP trên Nikon D810 với một ống kính tốt.
Khi bạn sử dụng một máy ảnh với độ phân giải cao có nghĩa là ống kính của bạn cũng cần phải tốt tương xứng để có thể tận dụng hết sức mạnh của cảm biến. Một ống kính có thể cho chất ảnh tốt trên cảm biến 12MP nhưng lại không thể cho một bức ảnh tốt tương tự khi sử dụng trên cảm biến 24MP hay 36MP. Vì vậy khi bạn nâng cấp máy ảnh của mình, công việc tiếp theo cần làm là cơ cấu lại các ống kính đang sử dụng. Đó là lý do tại sao các hãng không ngừng nâng cấp chất lượng của các thấu kính.
Kĩ thuật chụp
Có thể bạn đang sở hữu một chiếc máy ảnh và ống kính cao cấp nhất nhưng lại không thể mang đến chất lượng ảnh tối đa. Đó có thể là lý do về mặt kĩ thuật. Ngoài việc chọn khung hình có nguồn sáng tốt, góc đẹp thì các yếu tố về rung, lắc, tốc độ màn trập, kĩ thuật focus, không biết sử dụng tripod, gió và rất nhiều yếu tố khác khiến bức ảnh của bạn không được như ý.
Với những máy ảnh có độ phân giải thấp, tốc độ màn trập khoảng 1/20 – 1/100s là hoàn toàn đủ để lưu lại toàn bộ chi tiết ảnh. Tuy nhiên khi bạn sử dụng một máy ảnh có cảm biến với độ phân giải cao hơn, bạn sẽ cần điều chỉnh tốc độ màn trập chậm hơn một chút để cảm biến có thể lưu lại toàn bộ thông tin ảnh.
Vì vậy nếu muốn nâng cấp lên một chiếc máy ảnh với độ phân giải cao hơn thì việc làm cần thiết là sở hữu ống kính tốt, học thêm các kĩ năng chụp ảnh. Bạn cần nắm rõ giới hạn về tốc độ màn trập, kĩ thuật dùng tripod, sử dụng live view trong một số trường hợp, nếu không việc bạn lãng phí một chiếc máy ảnh tốt là điều không có gì khó hiểu.
Nâng cấp phần cứng và dung lượng lưu trữ
Rất nhiều nhiếp ảnh gia khi mới chuyển sang sử dụng Nikon D800 hay Nikon D800E đã rất ngạc nhiên khi tốc độ xử lý các file RAW trên Lightroom hay Photoshop chậm hơn rất nhiều so với trước, nhất là khi dung nhiều layer khác nhau hay ghép ảnh panorama. Chính vì vậy, ngoài chi phí nâng cấp máy ảnh, ống kính các nhiếp ảnh gia cần tính đến chi phí nâng cấp phần cứng máy tính của mình.
Dưới đây là cấu hình tham khảo trên 2 hệ điều hành Windows và Mac.
• Hệ điều hành: Windows 8.1 64-bit
• Màn hình: 2x Dell U2413
• Vi xử lý: Intel Core i7-4770K @ 3.50 Ghz, Overclocked to 4 Ghz
• RAM: 32 GB (4x 8GB DDR3 PC3-12800)
• Card màn hình: NVIDIA Quadro K2000
• Ổ cứng thứ nhất: Samsung 256 GB 850 Pro Series (SSD)
• Ổ cứng thứ hai: Samsung 256 GB 850 Pro Series (SSD)
• Ổ cứng lưu trữ ảnh RAW: 2x WD 4TB 7200 RPM
Cấu hình tham khảo dành cho hệ điều hành Mac OS:
• Màn : Retina 5K
• Vi xử lý: Intel Core i7 @ 4.0 Ghz
• RAM: 32 GB (4x 8 GB DDR3)
• Card màn hình: AMD Radeon R9 M295x 4 GB GDDR5
• Ổ cứng: 512 GB Flash Storage
Việc sử dụng máy ảnh với cảm biến có độ phân giải cao không chỉ cần đầu tư về mặt máy ảnh, ống kính, kĩ thuật mà cấu hình mà dung lượng lưu trữ của bạn cũng cần nâng cấp theo.
Để tốc độ xử lý ảnh đạt mức cao nhất, các bạn nên lưu trữ ảnh trên ổ SSD. Trong trường hợp khả năng tài chính có hạn, sử dụng ổ cứng có tốc độ 7200 RPM hay nhanh hơn là sự lựa chọn tốt nhất. Ngoài ra sử dụng hai ổ cứng ở chuẩn RAID 1 cũng được khuyên dùng, một ổ cứng để sử dụng còn một ổ cứng có nhiệm vụ backup. Ngoài ra việc backup ảnh trên ổ cứng ngoài hay lưu trữ online cũng là việc làm không thể thiếu.
Nên nhớ các máy có độ phân giải cao như Nikon D800, D800E có file RAW nặng tới 80MB mỗi file. Và nếu sử dụng các phần mềm xử lý ảnh như Photoshop dung lượng mỗi file có thể lên tới 200MB tuỳ thuộc vào số layer mà bạn sử dụng. Chỉ trong một thời gian ngắn, dung lượng lưu trữ cần sử dụng sẽ tăng hơn trước rất nhiều.
Điều đáng mừng là giá thành các thiết bị hiện nay có giá mềm hơn trước rất nhiều.
Kết luận
Như các bạn có thể thấy, để nâng cấp lên một máy ảnh có độ phân giải lớn hơn ngoài chi phí đầu tư cho máy ảnh cần tính thêm chi phí nâng cấp ống kính, phần cứng, thiết bị lưu trữ và thời gian để làm quen với thiết bị mới. Bạn cần in ảnh có khổ lớn hơn hiện tại bao nhiêu lần? Công việc hiện tại có cần ảnh chi tiết hơn không? Chi phí đầu tư để công việc đạt hiệu suất cao nhất? Đó là một vài câu hỏi mà bạn cầm tìm hiểu kỹ trước khi quyết định số pixel cho chiếc máy ảnh mà mình sẽ tậu về.
Tổng hợp
Viết bình luận