8 lưu ý khi bạn muốn mua ống kính mới Thiết bị và máy móc
Không ít bạn đắn đo cân nhắc nghiêm túc trước khi bỏ tiền tậu thêm một cái ống kính mới. Đây là những trao đổi cơ bản với họ trước khi dắt nhau ra tiệm.
Riêng với các bạn mới “vào con đường nhiều đam mê nhiều khổ ải” (vui) thì mình vẫn thường khuyên, mua cái máy ảnh tử tế. Đó là cái máy ảnh, một chiếc DSLR dòng thấp hoặc trung cho người bắt đầu, như EOS 1300D mới ra cũng chỉ khoảng 9 triệu, hoặc một máy Mirroless đủ khả năng. Kèm theo là một ống kính Kit đi theo máy, thường là 18-55mm f/3.5 – f/5.6. Một máy + một ống học sử dụng thiết bị cho thuần thục, thao tác kỹ thuật cho nhuần nhuyễn, thực hành bố cục, góc chụp, kiểm soát nguồn sáng và hướng sáng… Khoảng vài tháng nửa năm, rồi bán / đổi ống Kit thành ống 35mm hoặc ống 50mm. Cũng một máy + một ống prime (1 tiêu cự), thực hành để phát triển tư duy chụp ảnh. Sau đó, sở trường sở đoạn, sở thích và cảm nhận phong cách riêng hình thành, sẽ sắm thêm ống kính hay nâng cấp cho phù hợp tương ứng.
Nhưng, trước khi sắm thêm hay nâng cấp, nếu không phải là người có điều kiện ngân sách đã chơi phải tới đinh, thì nên tự hỏi:
Tôi có nhu cầu phải sắm ống kính mới?
Tôi cần tiêu cự hay dải tiêu cự nào?
Tôi cần khẩu độ lớn nhất nào?
Có chống rung hay không có?
Mức độ chất lượng hình ảnh?
Khả năng AF nhanh và chính xác?
Khoảng cách lấy nét gần nhất?
Tại sao tôi cần cái ống mới đó?
1. Nhu cầu sắm ống mới là có thật?
Nên nhớ, sắm một ống kính mới, không hoặc chưa chắc làm cho hình ảnh của bạn tốt hơn. Quay video cũng thế, một ống kính mới, đắt tiền hơn, tốt hơn… không hẳn quyết định video của bạn tốt hơn. Nếu bạn chưa thực sự làm chủ cái máy đang dùng, vững vàng linh hoạt kiến thức cơ bản (bố cục, ánh sáng, màu sắc, có thể một chút hậu kỳ, và đặc biệt nội dung chủ đề khi chụp…) thì rất có thể chiếc ống mới sắm cũng sẽ không làm bạn hài lòng. Ngược lại, bạn có thể chụp những bức ảnh tốt và rất tốt, khi chưa hoặc không có chiếc ống kính mới và đắt tiền dự định sắm kia. Vậy, nếu thật sự bạn không thể ghi hình ảnh đúng ý do giới hạn của ống kính đang dùng, bạn hãy tìm hiểu cân nhắc kỹ, và sắm nó.
2. Tiêu cự mà bạn đang thực sự cần?
Nhu cầu tiêu cự ống kính cũng đem đến quyết định phải sắm ống mới. Đó có thể là nhu cầu chụp một góc rộng trong căn phòng nhỏ hẹp; chụp chân dung cô dâu chú rễ hay các bạn bè trong buổi tiệc; hay cần một ống đa tiêu cự telezoom, thậm chí có thể là một ống kính siêu tele để chụp chim cò, cũng có thể là ống macro chụp sản phẩm hoa sâu bướm kiến… Tất cả phải rõ ràng là bạn xác định được nhu cầu cần tiêu cự hay đặc điểm hiệu ứng ống kính phù hợp công việc hay sở thích. Xác định tiêu cự và hiệu ứng tiêu cự bạn thực sự cần.
3. Ống kính khẩu lớn?
Hiệu ứng của khẩu độ ống kính ảnh hưởng trực tiếp đến trường ảnh. Khẩu càng lớn thì DOF càng mỏng; khẩu càng nhỏ thì DOF càng dày. Hệ quả của ống có khẩu càng lớn, ánh sáng đi qua ống kính vào cảm biến ảnh càng nhiều, giúp người chụp trong bối cảnh ánh sáng thấp/yếu, có thể giữ tốc độ màn trập không quá chậm gây rung lắc mờ nhoè. Dĩ nhiên, thường thì ống kính có khẩu càng lớn, cấu trúc thiết kế càng khó, thì càng đắt tiền. Vậy, nhu cầu của bạn cần là ống khẩu lớn thế nào? Chẳng hạn, bạn chỉ đi chụp phong cảnh, rừng cây với mặt trời vàng, thực sự ít khi dùng đến khẩu độ lớn, ngày xưa dân chụp có khẩu vàng f/8 – f/11. Ngược lại, nếu chụp teen xoá phông mù mịt, cần một khẩu độ đủ lớn. Tuỳ bạn cân nhắc trả tiền cho nhà sản xuất để có khẩu lớn nhất phù hợp.
4. Ống kính có chống rung / ổn định ảnh?
Khi chụp ảnh với tốc độ màn trập chậm, máy có nguy cơ rung lắc làm cho ảnh chụp ra bị mờ nhoè. Tính năng chống rung / ổn định hình ảnh trên ống kính giúp giảm bớt sự mờ nhoè do rung lắc nhẹ đó. Nhưng, nên nhớ tính năng này không trực tiếp quyết định cho hình ảnh chụp tốt hơn, nó chỉ hỗ trợ trong hoàn cảnh đặc thù, và với nhu cầu cụ thể như chụp siêu tele, hay hoàn cảnh di chuyển rung lắc cần hỗ trợ chống rung. Bởi vì bạn phải trả tiền cho tính năng này và không phải lúc nào cũng cần.
5. Bạn muốn hình ảnh chất lượng hơn?
Trước khi sắm ống kính mới, hãy kiểm tra cẩn trọng chất lượng hình ảnh / video đã được đánh giá thực tế bằng nó. Những con số kỹ thuật được công bố là một chuyện, chất lượng thực tế đôi khi là chuyện rất khác. Khi nghe một ống kính khẩu lớn ấn tượng thì không nhất thiết là nó chụp sắc nét chẳng hạn. Bạn nên tham khảo hoặc thử nghiệm nếu có thể, bằng không dựa vào các review đánh giá đáng tin trước khi quyết định.
6. Lấy nét tự động (AF – autofocus) nhanh và chính xác?
Nếu bạn quay video, tính năng AF sẽ ít hoặc không dùng AF, nhưng chụp ảnh thì ai cũng muốn đầu tư một ống kính có khả năng AF càng nhanh càng tốt, nhưng nhanh mà phải chính xác chỗ cần lấy nét. Thông thường, các ống kính cùng thương hiệu sẽ được hỗ trợ thuật toán phần mềm lấy nét AF nhanh hơn các ống kính của hãng thứ ba. Nhu cầu chụp ảnh cần tốc độ AF nhanh, êm mượt của ống kính không phải là chụp tĩnh vật, sản phẩm, mà là nhu cầu chụp sự kiện, dịch vụ, đối tượng di chuyển… thì lấy nét AF nhanh và chính xác là điều cần lưu ý khi chọn sắm ống mới.
7. Khoảng cách lấy nét tối thiểu của ống kính?
Là khoảng cách ngắn nhất từ ống kính đến chủ thể cần chụp mà ống kính lấy được nét. Có những ống kính khoảng cách này ngắn, có những ống khoảng cách này dài xa hơn. Khoảng cách này phụ thuộc tiêu cự ống kính, chẳng hạn ống 50mm có khoảng cách cận cảnh gần hơn so với ống 200mm; khoảng cách này cũng có thể phụ thuộc chất lượng và giá tiền càng rẻ khoảng cách tối thiểu càng xa. Nên dành thời gian tìm hiểu thông tin này trên ống kính mới dự định mua
8. Tại sao là một ống kính mới?
Chẳng ai thích xài đồ đã qua sử dụng cả. Nếu không phải vì vấn đề điều kiện ngân sách, cứ mới mà mua cho lành. Nhưng hoàn cảnh khác, bạn vẫn có thể tìm những ống kính đã qua sử dụng từ rất nhiều khu chợ, nhưng nhóm người dùng quen thuộc. Đặc biệt, có những ống kính xưa cũ cực kỳ tốt, giá rẻ, phù hợp nhu cầu, chỉ có điều nó là hàng cũ thôi. Ngược lại, mua sắm ống mới, mở ra khỏi hộp gắn vào máy, là bạn đã mất một khoản tiền. Dĩ nhiên mua hàng cũ cũng lắm nhiêu khê, nhưng cũng cần tìm hiểu để tiết kiệm.
Tổng hợp
Viết bình luận