Tháng 3/1993, chuyến đi tới miền nam Sudan đã mang lại cho nhiếp ảnh gia Kevin Carter một bức ảnh khiến cả thế giới sửng sốt. Vulture Stalking a Child (Kền kền chờ đợi) ghi lại hình ảnh một đứa bé kiệt sức vì đói khát ở làng Ayod, trong khi cha mẹ đang bận rộn chờ tiếp tế thực phẩm từ máy bay của Liên Hợp Quốc. Phép ẩn dụ cho sự tuyệt vọng của châu Phi đã làm rạng danh sự nghiệp Kevin Carter khi lần đầu xuất hiện trên tờ New York Times vào ngày 26/3/1993. Ngay sau đó, qua tờ báo công chúng đã liên tục hỏi thăm tin tức của cô bé trong bức ảnh. Tuy nhiên, sau khi Kevin Carter đuổi con kền kền đi và cô bé được đưa tới trạm cứu dưỡng, không có bất cứ tin tức nào xác thực về nhân vật này nữa. Chính Kevin Carter cũng đã bị công chúng chỉ trích vì vẫn thờ ơ chụp một cảnh tượng đau lòng. Thực tế, nếu nhiếp ảnh gia không nhanh trí ghi lại hình ảnh này, sẽ chẳng bao giờ nhân loại biết tới một thực tế kinh hoàng của sự đói khát, tuyệt vọng ở lục địa đen.
Ngày nhận giải thưởng Pulitzer ở Đại học Columbia vào tháng 4/1994 có lẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời Kevin Carter. Tất thảy những người tới tham dự dành những tràng pháo tay không ngớt cho bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Nam Phi. “Con không thể chờ đợi thêm nữa để cho cha mẹ nhìn thấy chiếc cúp. Đó là điều quý giá nhất và là sự tôn vinh cao nhất cho sự nghiệp mà con đã nhận được”, Kevin Carter viết cho cha mẹ hiện đang sinh sống ở Johannesburg (Nam Phi). Ngay sau đó, chủ nhân của giải Pulitzer về nhiếp ảnh trở thành thượng khách của tất cả những nơi ông đặt chân tới ở thành phố New York (Mỹ). Từ các nhà hàng, các tờ báo lớn tới khách qua đường đều muốn kết giao, phỏng vấn, mời làm việc và xin chữ ký của Kevin Carter. Cuối cùng, ông ký kết hợp đồng với Sygma, một cơ quan ảnh uy tín đại diện cho 200 phóng viên ảnh tốt nhất thế giới.
Tuy nhiên, Kevin Carter luôn thú nhận rằng mình không thích bức ảnh này. “Tôi thực sự xin lỗi vì đã không đỡ cô bé dậy”, Carter tâm sự với một người bạn. Chứng kiến cái chết của một người bạn thân, là một nhiếp ảnh gia đang tác nghiệp trong một vụ nổ súng ở thị trấn Tokoza gần Johannesburg đồng thời bị ám ảnh bởi câu hỏi về số phận của cô bé, ông tự sát 3 tháng sau đó khi cố tình để bản thân nhiễm độc khí carbon monoxide. Ra đi ở tuổi 33 trên một chiếc xe hơi đỏ đậu kề một con sông nhỏ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng để lại lời nhắn trên băng ghế xe: “Tôi thực sự xin lỗi. Những đau đớn của cuộc sống đã đè nén tới mức mà niềm vui không còn có thể tồn tại”.
Tại sao một người đàn ông từng trải lại tự sát sau khi vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp? Các cáo phó về cái chết của Kevin Carter trên khắp thế giới đã dựng lên câu chuyện bí ẩn về lời nguyền của sự nổi tiếng. Tuy nhiên, trạng thái trầm uất và con đường tìm đến cái chết của Kevin Carter là do tác động của một chuỗi bi kịch liên tiếp giáng xuống số phận. Tính cách quá cầu toàn của nhiếp ảnh gia tài năng đã luôn khiến ông cảm thấy lo lắng, cộng với những áp lực của sự nổi tiếng khiến Kevin Carter chìm vào hố sâu tuyệt vọng.
Kền kền chờ đợi - Phép ẩn dụ cho sự tuyệt vọng của châu Phi
Sinh năm 1960 tại Nam Phi, là hậu duệ của những người nhập cư từ nước Anh, Carter đã luôn mang mặc cảm ngoại lai. Cha mẹ ông, Jimmy và Roma, những người Công giáo La Mã ngoan đạo sống ở Parkmore, một vùng ngoại ô Johannesburg đã chấp nhận sự phân biệt chủng tộc tồn tại trong xã hội. Giống như những người cùng thế hệ, Kevin Carter sớm đặt câu hỏi vì sao những người da đen luôn bị các thế lực xã hội, đặc biệt là bộ phận hành pháp phân biệt đối xử. Carter rất tức giận, có lần đã tranh cãi với cha, ông Jimmy và lớn tiếng: “Tại sao chúng ta không làm điều gì đó để thay đổi nó? Tại sao không đi hét vào mặt các cảnh sát?”
Mặc dù Carter luôn khẳng định rất yêu thương cha mẹ nhưng ông từng nói với người bạn thân nhất của mình rằng đã không có một tuổi thơ hạnh phúc. Ở độ tuổi thiếu niên, cậu bé Carter thích tốc độ và cảm giác mạnh nên đã tập tành đua xe, mơ ước trở thành một tay đua. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp một trường trung học Công giáo ở Pretoria năm 1976, Carter đi vào con đường nghiên cứu về dược học trước khi bị đuổi vì học hành quá kém. Sau đó, chàng trai cá biệt gia nhập Lực lượng Quốc phòng Nam Phi (S.A.D.F) và tại đây, cảm nhận về sự phân biệt chủng tộc càng thêm rõ nét. Một lần, vì bảo vệ một bồi bàn người da đen trong một vụ lộn xộn, Carter bị một số binh sĩ đánh và chế giễu là “người tình của bọn mọi đen”. Năm 1980, chàng trai gốc Anh tự động rời quân ngũ, chạy xe máy đến Durban, có một cái tên khác là David và làm nghề DJ. Mặc dù rất nhớ nhà nhưng vì quá xấu hổ, Carter đã không trở lại Johannesburg. Một ngày sau khi bị đuổi việc, Carter đã tống tất cả thuốc ngủ, thuốc giảm đau và thuốc chuột vào cơ thể nhưng may mắn sống sót. Sau đó, Carter quay trở lại S.A.D.F và bị thương vào năm 1983 trong khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ tại trụ sở của lực lượng không quân ở Pretoria.
Sinh năm 1960 tại Nam Phi, là hậu duệ của những người nhập cư từ nước Anh, Carter đã luôn mang mặc cảm ngoại lai
Giải ngũ, Carter làm việc tại một cửa hàng bán máy ảnh và tình cờ làm quen với nhiếp ảnh báo chí. Đầu tiên, anh cộng tác với mục thể thao cho tờ Johannesburg Sunday Express cuối tuần; sau đó, năm 1984, chuyển tới làm việc cho Johannesburg Star và công khai đứng về phía những người phản đối phân biệt chủng tộc. Cùng với ba đồng nghiệp khác là Ken Oosterbroek, Greg Marinovich và Joao Silva, Kevin Carter thành lập một nhóm có tên gọi “Bang Bang Club” chuyên chụp ảnh trong các khu vực bạo động. Cũng thời gian này, để tạo mối giao hữu công việc cũng như giảm căng thẳng, Carter đã thử hút dagga, một thứ cần sa ở Nam Phi sau đó chuyển sang hút các “ống trắng”, một hỗn hợp của dagga và Mandrax, thuốc an thần chứa chất cấm methaqualone.
Năm 1991, một thành viên của Bang Bang Club, Greg Marinovich giành giải Pulitzer cho bức ảnh chụp một người Zulu bị một người ủng hộ A.N.C (Đại hội dân tộc Phi - African National Congress) đâm chết. Điều này đã khiến Kevin Carter thêm phần so sánh, có chút cay cú vì trước đó ông đã ghen tỵ với Marinovich vì có một gia đình êm ấm trong khi Carter chưa có một giải thưởng lớn nào và còn là người cha của một cô con gái ngoài giá thú. Năm 1993 khi đang làm việc cho Weekly Mail, ông xin nghỉ phép, vay tiền mua vé máy bay và cùng với Joao Silva, Carter đi về hướng bắc của biên giới chụp ảnh các phong trào nổi dậy trong nạn đói ở Sudan. Ngay khi máy bay vừa hạ cánh xuống làng Ayod, Carter bắt đầu chụp ảnh của các nạn nhân nạn đói và chộp lại được khoảnh khắc quý giá Kền kền chờ đợi.
Có một chi tiết đã không được nhắc tới đó là sau khi chụp bức ảnh này và đuổi con kền kền đi, Kevin Carter đã ngồi thụp dưới một gốc cây, châm một điếu thuốc, cầu Chúa và khóc. “Anh ấy chán nản và nói rằng muốn ôm con gái mình”, người bạn đồng hành Joao Silva nhớ lại. Ngày hôm sau, Carter trở về Johannesburg và bức ảnh về sự thống khổ của con người châu Phi đưa anh lên đỉnh cao của sự nghiệp. Rời tờ Weekly Mail, ông tới làm việc cho hãng tin Reuter với hợp đồng 2000 USD/tháng và lên kế hoạch chụp ảnh các cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên ở Nam Phi vào tháng 4/1994. Tuy nhiên, rắc rối xảy ra vào ngày 11/3/1994, khi Carter chứng kiến vụ hành quyết của cánh hữu người da trắng còn gọi là "Vụ nổi dậy Bophuthatswana". Trong khi các đồng nghiệp chớp lại được rất nhiều hình ảnh, nhiếp ảnh gia của Kền kền chờ đợi đã không chụp ảnh, chỉ bước về nhà và “uống một chai bourbon”. Thời điểm đó, thói quen dùng ma túy của ông càng trở nên mất kiểm soát. Một tuần sau "Vụ nổi dậy Bophuthatswana," người ta nhìn thấy ông lảo đảo trong một cuộc biểu tình của Mandela ở Johannesburg và sau đó Carter bị tống giam 10 giờ đồng hồ vì say rượu trong khi lái xe. Đại diện của Reuter đã rất tức giận khi phải tới đồn cảnh sát bảo lãnh cho Carter. Bạn gái của Carter, Kathy Davidson, một giáo viên, thậm chí còn khó chịu hơn. Ma túy đã trở thành một cản trở lớn nhất trong mối quan hệ của họ và mùa Phục Sinh năm ấy, Kathy Davidson đề nghị chia tay cho tới khi Carter thực sự hối cải.
Thời thanh niên, trước khi trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, Kevin Carter từng tự tử nhưng không thành (Hình ảnh trong phim The Bang Bang Club, đạo diễn Steven Silver, Taylor Kitsch thủ vai Kevin Carter, được sản xuất vào năm 2011)
Vài tuần trước khi Carter thực hiện kế hoạch chụp ảnh cuộc bầu cử, vị trí ở Reuter đã bắt đầu lung lay, tình yêu thì đang bị thử thách và ông đã phải vật lộn tìm kế mưu sinh. Ngay thời điểm ấy, Biên tập viên tờ New York Times gọi tới và thông báo về giải Pulitzer nhưng cũng nhấn mạnh đó “không phải là điều quan trọng nhất lúc này”. Kế đó, ngày 18/4, khi Bang Bang Club tới Tokoza, một thị trấn cách Johannesburg để chụp ảnh một đợt bùng phát bạo lực, Carter loay hoay thao tác nhưng không thể chụp vì ánh sáng chói lòa. Trên đường trở về thành phố, trên đài phát thanh, Carter sửng sốt khi nghe tin hai thành viên của bộ tứ: Ken Oosterbroek chết và Marinovich bị thương nghiêm trọng. Ngày hôm sau, Carter quay trở lại Tokoza tác nghiệp dù bạo lực đã leo thang.
Sau khi giành giải Pulitzer, Carter đã có khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi ở New York. Tờ Times đã tiếp đón ông vô cùng trọng thể khi sắp xếp cho Carter nghỉ tại khách sạn Marriott Marquis gần Quảng trường Thời đại. Đó là khoảng thời gian tinh thần của Carter được cải thiện đáng kể, thậm chí ông còn gọi là New York là “thành phố của tôi”. Tuy nhiên, sau một thời gian giành giải Pulitzer, bên cạnh những lời ngợi ca, Carter cũng phải hứng chịu không ít những bình luận không thiện chí như đó chỉ là một “may mắn” hay Carter đã “dàn dựng hoạt cảnh”. Một số người khác thậm chí tàn nhẫn hơn khi đặt ra nghi vấn về đạo đức của nhiếp ảnh gia người Nam Phi: “Ông đã sử dụng ống kính chỉ để ghi lại sự đau khổ của cô bé”. Thậm chí tờ St Petersburg Times còn lớn tiếng cho rằng Carter: “Cũng chỉ là một động vật ăn thịt, một con kền kền trong bối cảnh đó”. Cả nhiều người bạn của Carter cũng băn khoăn tại sao ông không giúp đỡ cô bé trong bức ảnh. Nhiều người ác ý còn ghép hình Carter vào các xác chết, nạn nhân của các vụ bạo động đẫm máu.
Carter đã không còn muốn trở về nhà. Lúc bấy giờ mùa hè chỉ mới bắt đầu ở New York, nhưng ở Nam Phi lúc này là mùa đông và không thể nói hết nỗi chán nản của nhiếp ảnh gia khi bước ra khỏi máy bay. “Joburg khô một màu nâu lạnh của cái chết, đầy những kỷ niệm đáng nguyền rủa và bạn bè thì vắng bóng”, ông viết trong lá thư không bao giờ gửi đi. Công việc của Carter ở quê nhà liên tục gặp cản trở khi các cuộc phỏng vấn các tên tuổi lớn, tiêu biểu là Mandela bị một vị quan chức gây khó dễ. Việc đưa tin ảnh về cuộc viếng thăm của Tổng thống Pháp Francois Mitterrand tới Nam Phi của Carter cũng không diễn ra thuận lợi như dự tính. Ông bắt đầu nói về ý định tự tử do những khó khăn về tài chính, công việc. Tuy nhiên, một nhiệm vụ mới ở Mozambique lại làm ông phấn chấn trở lại. Nhưng rồi dù đã để báo thức trên ba chiếc đồng hồ, Carter bị lỡ chuyến bay. Sau đó, ông vẫn tới được Mozambique nhưng sau 6 ngày làm việc, về lại Johannesburg, ông mới nhận ra mình đã bỏ quên các cuốn phim trên ghế ngồi trên máy bay. Carter cố liên hệ để tìm lại trong vô vọng, ông quẫn trí, về nhà một người bạn, Judith Matloff, 36 tuổi, một phóng viên người Mỹ cho hãng thông tấn Reuters và nói rằng sẽ hít ma túy cho đến chết. Cả hai ăn tôm sú Carter mang về từ Mozambique và họ cố gắng không nói về những cuốn phim đã mất mà thảo luận về tương lai. Carter nói về ý định thành lập một nhóm người viết và nhiếp ảnh gia báo chí tự do và đi du lịch khắp châu Phi.
Cùng với ba đồng nghiệp khác là Ken Oosterbroek, Greg Marinovich và Joao Silva, Kevin Carter thành lập nhóm nhiếp ảnh nổi tiếng “Bang Bang Club” (Hình ảnh trong phim The Bang Bang Club, đạo diễn Steven Silver, Taylor Kitsch thủ vai Kevin Carter, được sản xuất vào năm 2011)
Vào sáng ngày thứ 24, 27/7/1994, ngày cuối cùng của cuộc đời mình, tinh thần Carter vui vẻ một cách bất thường. Ông ngủ trong giường tới tận trưa và sau đó đi chụp một tấm ảnh đã hẹn với Weekly Mail. Tuy nhiên, trong phòng tin tức của tờ báo, cảm xúc dâng trào khiến ông xả hết nỗi lòng với các đồng nghiệp. Một người đã cho Carter số điện thoại của một bác sĩ chuyên khoa và khuyên ông nên gọi để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Người cuối cùng nhìn thấy Carter là vợ góa của Oosterbroek, Monica. Chiều hôm ấy, nhiếp ảnh gia tới và trút bỏ nỗi lòng. Vẫn còn đau đớn vì cái chết của chồng, Monica đã không thể an ủi Carter. Họ chia tay vào lúc 5 rưỡi chiều.
Braamfonteinspruit là một con sông nhỏ cắt qua phía nam ngoại ô phía bắc Johannesburg – và chảy qua Parkmore, nơi gia đình Carter đã từng sống. Vào khoảng 9 giờ tối, Kevin Carter lái chiếc xe Nissan màu đỏ tới Field and Study Center, một địa điểm ông thường tới chơi ngày bé. Lúc này, một câu lạc bộ chơi chim có tên gọi Sandton Bird Club đang họp ở đó nhưng không ai để ý tới sự có mặt của Carter. Nhiếp ảnh gia người Nam Phi ra đi trong tư thế gối đầu trên một chiếc ba lô trong khi đang nghe nhạc trên máy nghe nhạc hiệu Walkman.
Viết bình luận