6 lý do tiêu biểu khiến bạn chụp ảnh bị mờ nhòe Kiến thức chung

Nếu bạn muốn bức ảnh được chụp phải sắc nét, mà kết quả không sắc nét, thì có rất nhiều lý do. Không kể các lý do phần cứng thiết bị hư hỏng, hoặc chủ ý chụp nhoè vật thể hoặc chuyển động lia máy, xoay máy, hay với thủ thuật zooming (vừa chụp vừa zoom in hoặc zoom out ống kính), còn lại, muốn bắt dính nét chủ đề mà ảnh vẫn mờ nhoè thì thường có các lý do sau:

1. Tốc độ màn trập quá chậm

Màn trập (shutter) là một bộ phận cơ khí trong máy ảnh có nhiệm vụ ấn định khoảnh thời gian để ánh sáng sau khi đi qua ống kính sẽ tiếp xúc với cảm biến ảnh (hoặc bề mặt phim). Khoảng thời gian mở/đóng đó người ta gọi là thời gian vận hành của màn trập hoặc thông dụng hay gọi là tốc độ màn trập.

Khi cầm tay chụp, tốc độ màn trập quá chậm, sự rung lắc của máy sẽ làm khung ảnh bị mờ nhoè. Chẳng hạn trường hợp bức ảnh trên, tôi chụp ở tốc độ 1/10s trong tư thế máy ảnh không cố định, ảnh mờ nhoè không thể cứu vãn. Theo kinh nghiệm của nhiều người chụp ảnh đúc kết lại thành nguyên tắc, tuy không hoàn toàn chính xác 100%, nhưng có hiệu quả trong thực tế đa phần cho những người bắt đầu như anh em chúng ta, đó là thiết đặt tốc độ màn trập đối ứng với tiêu cự của ống kính (tiêu cự tương ứng với máy ảnh khổ film 35mm) đang sử dụng trên máy ảnh. Ví dụ, nếu ta đang sử dụng ống kính một tiêu cự 60mm trên máy ảnh fullframe, thì tốc độ màn trập tối thiểu nên chọn là 1/60 giây; nếu cùng ống kính tiêu cự 60mm gắn trên thân máy ảnh có cảm quang APS-C, tức là hệ số crop 1.5x tức tiêu cự tương ứng với ống kính trên lúc đó là 90mm, thì tốc độ màn trập nên chọn là 1/90 giây. Để đơn giản và khỏi phải tính toán thì bạn cứ nhân đôi tiêu cự lên, chẳng hạn với ống kính tiêu cự 60mm, tốc độ màn trập được chọn để ảnh không mờ nhoè (out nét) là 1/120s hoặc nhanh hơn.

2. Quá tin vào khả năng chống rung

Không có ống kính hay thân máy nào có khả năng "chống rung". Sự rung vẫn y nguyên. Các cơ chế VR (Nikon), IS (Canon)... chỉ giúp ổn định hình ảnh phần nào mà thôi. Nếu họ bảo sản phẩm có khả năng ổn định hình ảnh 4-stops thì hiệu quả tốt nhất không quá 2-stops. Tính năng giảm rung/ổn định hình ảnh hỗ trợ phần nào người chụp trong hoàn cảnh khó và phải chịu sự rung lắc, nó không bao giờ đảm bảo độ sắc nét cả.



3. Chủ thể di chuyển nhanh

Bạn chụp một đối tượng di chuyển với tốc độ màn trập chậm. Dù máy ảnh không rung lắc, nhờ gắn vào chân máy, hoặc nhờ cơ chế giảm rung của máy ảnh hoặc ống kính, nhưng đối tượng chụp chuyển động, thì ở tốc độ màn trập quá chậm, ảnh vẫn bị mờ nhoè. Hiện tượng mờ nhoè ảnh trong trường hợp này không do máy rung lắc mà nguyên nhân là tốc độ màn trập chậm. Để bắt dính đối tượng chụp, cần tuỳ chỉnh một tốc độ chụp đủ nhanh để làm ngưng (bắt nét dính) hoạt động đang diễn tiến. Chẳng hạn chụp ảnh thể thao, các em bé đang chơi... sẽ đòi hỏi tuỳ chọn tốc độ màn trập nhanh, có thể tốc độ lúc đó là 1/500 giây hay 1/1000 giây trở lên chẳng hạn.

4. ISO quá cao

Độ nhạy ISO càng cao thì hình ảnh ít mịn màng hơn, hạt nhiễu to hơn, độ nhạy càng cao thì hạt càng lớn. Máy ảnh số hiện tại có dải ISO rất cao (6400 - 25600), tuy nhiên nếu trong hoàn cảnh ánh sáng thuận lợi, muốn bức ảnh có chi tiết tốt thì nên dùng độ nhạy ISO càng thấp càng tốt (100 - 200) cho hình ảnh mịn và nét.

5. Lấy nét trật

 

Trong ống ngắm, nếu bạn đang sử dụng vùng nét tự động Auto-Area AF, máy ảnh sẽ tự động chọn đối tượng gần nhất, trong khi đó bạn lại muốn nét đối tượng khác. Nếu đang sử dụng Single-point AF, điểm nét sẽ chính xác. Bạn nên kiểm tra chế độ lấy nét đang được chọn trên máy ảnh của mình để có điều chỉnh thích hợp.

6. Ống kính không sạch

Nếu ống kính bị mù thì ảnh sẽ không nét. Kiểm tra ống kính trước khi kiểm tra máy ảnh. Nếu ở vùng thời tiết có độ ẩm cao, nên bảo quản thiết bị trong tủ hút ẩm. Nếu ống kính bị bụi, rễ tre... thì có thể vệ sinh, nếu bị mù thì không lau chùi được, phải khử lớp tráng phủ trên thấu kính và phủ lên lớp khác rất tốn kém.

Tổng hợp

Viết bình luận

 
zalo
Gọi ngay 0985349755